Lễ Vu Lan và triết lí “tu tại gia”

Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa. Có lẽ 99,99% dân Việt (ở đây nói những người trưởng thành) đều thuộc câu đó, và ai cũng biết rằm tháng 7 là lễ Vu Lan (hay còn gọi là ngày xá tội vong nhân), nhưng phải nói thật ít ai hiểu cái triết lí thực của nó và hình như ngày nay, người ta quên những việc làm thực để thực hiện nó. Bài viết này là chút luận bàn về những quan điểm này.

 

Lễ Vu Lan

Câu mà tôi nói ở đầu “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa” và ngày lễ Vu Lan đều có nguồn gốc từ Phật giáo. Xin nhắc lại chút về sự tích này.

Vu-lan, hay còn gọi là Tết Trung nguyên, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo, còn được hiểu là lễ báo hiếu. Xuất phát từ truyền thuyết về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) – cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.

Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi tranh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng thức ăn đã hóa thành lửa đỏ.

Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó“. Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.

(Nguồn: wikipedia tiếng Việt, http://vi.wikipedia.org/wiki/Vu_Lan)

Như vậy, có thể dùng một chữ để mô tả Vu Lan là chữ “HIẾU”. Phải chăng cứ cúng lễ to, đốt cho nhiều vàng hương, khóc thật nhiều… là ta đã báo hiếu cha mẹ? Không phải vậy. Theo tôi hiểu, triết lí đơn giản nhất của Phật giáo không phải dạy người ta thành Phật, nó cũng chả mang những điều huyền bí đầy kỳ dị và khoa học như người ta đang đâm đầu vào đọc (hiện đang có phong trào đâm đầu vào triết giải triết học phật giáo trong những người trẻ, và ngày càng nhiều những “con vẹt” đang nhắc đi nhắc lại những câu trong sách Phật, cái này tôi sẽ nói sau). Với tôi, triết lí của Phật giáo (tôi không hiểu về các tôn giáo khác nên không bàn) đơn giản là dạy con người hướng thiện (hay đơn giản là một chữ THIỆN – Chinese style), sống bao dung, sống có tình. Nếu bạn từng xem “Tế Công hòa thượng” của Stephen Chow thì có thể dùng một câu đơn giản là “Nhân gian hữu tình”. Trong cái chữ Thiện ấy, chữ Hiếu là một nội dung vô cùng quan trọng. Trở lại một chút về lịch sử, khi mà Phật giáo bắt đầu du nhập từ Ấn Độ sang Trung Hoa, người ta từng nhầm rằng: “Phật giáo rủ người đi tu, không thờ cha mẹ, dứt tình nhục dục, như thế là mất bất nhân bất nghĩa”. Nhưng không phải vậy, Phật đã bao giờ dạy người ta bỏ phụng thờ cha mẹ, bỏ tình nhân luân đâu… Cái chữ Hiếu nằm ở chỗ đối xử hiếu đễ với bố mẹ (không hỗn hào, chăm sóc, phụng dưỡng…). Bố mẹ sống mà đối xử không ra gì, thì đến khi bố mẹ qua đời có cúng hàng ngàn mâm cao cỗ đầy cũng bằng không.

 

Tu tại gia?

Tôi từng nghe có người (cao tuổi) nói: “Tôi không đi chùa được, tôi ở nhà tu tại gia vậy!” mà tôi phì cười. Có người vỗ ngực tự gọi mình là Phật tử mà không hiểu câu đó là gì. Tôi lại kể lại sự tích sao lại “Tu tại gia”. Xưa kia có một người si mê Phật pháp, bỏ nhà vào rừng tụng kinh niệm Phật với mong thành Phật. Anh ta hâm mộ Phật tổ, đêm ngày mơ thành Phật và mong được gặp Phật tổ để chỉ điểm con đường sáng. Đến một ngày, anh ta quyết chí đi tìm liền từ biệt mẹ lên đường tìm Phật. Trên đường đi, anh ta gặp một hòa thượng, khi nghe anh kể mục đích, hòa thượng cười to và nói “Phật đã đến ngay trong nhà anh, sao anh không về gặp?”. Anh ta mừng rỡ quay về nhà, theo lời hòa thượng dặn “Ai mặc quần áo ngủ, đi chân không ra mở cửa nhà cho anh, đó là Phật đấy”. Về đến nhà đã đêm khuya, anh ta gọi cửa kêu mẹ mở cửa. Người mẹ đang mong ngóng con, thấy con về thì mừng quá, chả kịp mặc áo xống, đi chân đất chạy ra mở cửa. Khi mở cửa, anh ta nhìn thấy mẹ và đã hiểu. Vị “Phật” trong nhà đã mang nặng đẻ đau sinh ra anh ta, chăm sóc, nuôi anh ta khôn lớn thì anh ta chẳng biết thờ phụng, lại lo đi tìm những ảo ảnh không có thực. Và triết lí “tu tại gia” ra đời từ đó. Tu tại gia mới là bậc cao nhất, có nghĩa là tu thân ở ngay trong gia đình, là một người có trách nhiệm với bản thân, gia đình, có hiếu với cha mẹ, đó mới là chân tu. Và cũng tương tự thế, tu chợ là tu ngay trong đời sống, sống lương thiện với người xung quanh. Chợ là nơi ồn ào, phức tạp mà vẫn giữ được mình lương thiện mới l�
� tu. Còn kém hơn, ở chùa, đó là nơi cuối cùng mà thôi.

Có lẽ tôi dẫn dắt vấn đề qua xa tới nhiều việc chẳng liên quan nhiều đến chủ đề ban đầu. Tôi nhìn thấy trong thời đại ngày nay, người Việt đang lo đến sống “phần Âm” nhiều hơn lo cho “Dương thế”. Người ta lo cúng giỗ linh đình, lo đi chùa thắp hương, lo đi sửa mồ mả, làm nhà thờ tổ… quá nhiều mà quên mất việc ở chính nhân gian. Có người khi cha mẹ còn sống thì đối xử tàn tệ, không chăm sóc… nhưng khi cha mẹ mất đi mới lăn ra khóc, mới làm đám giỗ linh đình để cúng cha mẹ, lúc đó cha mẹ liệu có ăn được cái đó không, có tiêu được “tiền âm phủ” do họ cúng không? Họ quên mất tích đức trong đời sống, con cái thì bỏ bê không lo dạy dỗ, quên mất việc sống lương thiện, mà lo cầu đền kia miếu nọ, lo đi xây mồ mả tổ tiên nhiều hơn cả việc lo cha mẹ mình đau ốm ra sao, phỏng có ích gì? Bố tôi thường nói, cúng giỗ tổ tiên quan trọng ở thành tâm, để cho con cháu nhớ tổ tiên chứ không cốt ở mâm cao cỗ đầy, thành tâm dù chỉ một chén nước lã, một bát cơm cũng hơn mâm cao cỗ đầy mà không có chút thiện tâm.

Vài lời bàn luận, lan man chẳng có nhiều triết lí, mong cùng đàm đạo!

Tây Du Ký – Sự đấu tranh của con người với các thế lực thần quyền (Phần 5)

Tôn Hành Giả gặp Tam Tạng đầu tiên và đương nhiên Hành Giả trở thành đại đồ đệ của Tam Tạng rồi. Hơn nữa Hành Giả cảm cái nghĩa Đường Tăng đem lại tự do cho mình nên hết lòng hết dạ phò Đường Tăng sang Tây Thiên thỉnh kinh. Đừng ai nói rằng Tôn Hành Giả giác ngộ đạo Phật thành tâm cùng Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh nhé, tôi chẳng tin.

Hai thầy trò vừa kết nghĩa đã gặp trắc trở. Tôn Hành Giả vì bảo vệ thầy, chỉ khẽ huơ gậy đã tiêu diệt cả đám giặc cướp khiến Đường Tam Tạng nổi giận. Tam Tạng có cái tâm của nhà Phật, không nỡ sát sinh, nên không tán thành cho Hành Giả sát sinh thế, liền đùng đùng nổi giận mắng nhiếc và đuổi Hành Giả, còn Hành Giả thì cũng chưa hết cái ngang ngạnh xưa, đùng đùng nổi giận bỏ luôn về Hoa Quả Sơn nơi Đông Thắng Thần Châu. Và đây là cái hé mở để chúng ta thấy Tôn Hành Giả bị ép trở thành Phật chứ cũng chẳng phải tự thân gì, có nghĩa là anh chàng này cũng bị ép theo số phận mà thôi. Đức Phật Tổ tưởng chừng khai sáng cho con người ta tự mình giác ngộ theo đạo, nhưng cũng đã chuẩn bị trước cho Quan Âm Tôn giả 3 vòng kim cô để khống chế bất kỳ ai, và Tôn Hành Giả là đối tượng đầu tiên, và còn bị lừa đội chiếc vòng kim cô đó, để rồi “chiếc vòng như mọc rễ vào đầu, dù cậy cũng chẳng ra, dùng cả cần thiết bổng cậy cũng chẳng được“. Chỉ một bài thần chú khiến cho Tôn đau đầu nhức óc, không chịu nổi phải một lòng theo Đường Tăng. Ta hãy nhớ một câu chuyện giai thoại về Phật Tổ:

Có một nhà tu hành khoe với Phật Tổ rằng ông ta hành xác 30 năm tu hành để tu luyện bản lĩnh có thể qua sông với đôi chân trần mà không cần thuyền bè. Đức Phật mỉm cười “Sao ngươi u mê vậy? Sao ngươi mất những 30 năm tu hành trong khi ta qua sông chỉ mất có 3 xu tiền đò!“. Câu chuyện ấy muốn nói rằng đạo Phật chỉ hướng con người ta theo đạo theo tinh thần giác ngộ chứ không phải do sự cưỡng bách hay hành xác nhưng với Tôn, nó lại hoàn toàn ngược lại. Tôn đến với đạo Thích chẳng qua con đường giác ngộ cũng chẳng qua hai chữ “cơ duyên” mà lại qua con đường “cưỡng ép”.

Chuyến du hành về Tây phương của thầy trò Đường Tăng là còn bao gồm cả hàng loạt người bị ép theo cái guồng số phận ấy.

Sa Ngộ Tĩnh: Vốn là Quyển Liêm tướng quân trên Trời, vì chót làm vỡ chén ngọc của Vương mẫu mà bị đày xuống phàm trần, phải thành một cô hồn dã quỷ ở bên sông Lưu Sa. Lại một lần nữa, ta lại thấy cái thế giới “Thiên Đình” ấy sống vô tình làm sao. Một tướng quân, chỉ vì nỡ tay đánh vỡ một cái chén ngọc lưu ly, thế là lập tức bị đày. Ngọc Hoàng anh minh là thế, mà còn coi trọng cái chén ngọc hơn là một vị tướng. Chẳng thế mà ông ta bị thua một cách nhục nhã trước một chú thạch hầu chưa tu chọn kiếp, đơn giản là vì coi của quý hơn người. Không những thế, Ngọc Hoàng còn gia hình kinh khủng hơn, Sa Ngộ Tĩnh không những bị đày thành cô hồn dã quỷ ở Lưu Sa hà, mà còn định kỳ bị kiếm đâm đau đớn. Ngô Thừa Ân vẽ ra cái thế giới Thiên Đình như một sự mỉa mai cái thế giới vô tình ấy, như muốn kể với chúng ta một thế giới thực của vua chúa thời xưa: đầy rẫy bất công, vô tình, sống đầy câu nệ và trói buộc tự do của con người biết bao nhiêu. Và chỉ có những con người như Tôn Đại Thánh mới đủ dũng cảm để vùng lên đòi đạp đổ cái thế giới đó, nhưng rồi cũng không qua nổi bàn tay Phật tổ, như Nguyễn Du đã từng viết rằng “Ngàn năm ai có khen chi Hoàng Sào” (Truyện Kiều). Thực tế Sa Ngộ Tĩnh là nạn nhân của sự ra oai của Ngọc Hoàng mà thôi, sau khi thất bại nhục nhã dưới tay Tôn Đại Thánh, Ngọc Hoàng cũng muốn ra oai để át đi cái nhục nhã xưa mà thôi.

Trư Bát Giới: Nhân vật sống con người nhất trong năm thầy trò Đường Tam Tạng. Cái tên Bát Giới làm tôi liên tưởng đến hòa thượng Bất Giới trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, sống chẳng giới luật, yêu cả ni cô, vì ni cô mà đi tu, thì ta cũng bắt gặp một Bát Giới cũng “con người” như Bất Giới. Bát Giới vốn là Thiên Bồng nguyên soái, chỉ huy cả thủy quân của thiên đình. Bát Giới si mê nàng Hằng Nga xinh đẹp (đúng là chỉ có mấy người vô tình như Ngọc Hoàng thì mới không rung động trước sắc đẹp của nàng mà thôi), nhân lúc say rượu mò vào chỗ nàng định tòm tem. Nhân đây chúng ta có chút chuyện vui về vụ này.

Hôm đó Ngọc Hoàng vừa vui với cung nữ ra thì thấy Hằng Nga – Miss Thiên Đình khóc thút thít xin gặp, nước mắt nàng chảy dài trên gò má làm khuôn mặt vốn xinh như hoa của nàng càng trở nên kiều diễm. Nàng tâu:

– Muôn tâu bệ hạ, thần thiếp có chuyện muốn tâu. Ba ngày trước (ta nhớ là một ngày trên trời bằng 1 năm dưới hạ giới), thiếp đang lơ mơ ngủ vì đang phê thuốc, tự nhiên thấy bóng một người cao to, bụng bự chui vào phòng thiếp. Thiếp biết nó là thành phần không đứng đắn nhưng cứ để yên xem nó làm gì.

– Nó làm gì, nó làm gì? Ngươi kể nhanh lên, ta vừa xong vài làm vài chầu, buồn ngủ quá – Ngọc Hoàng ngáp dài và giục!

– Dạ! Anh Hoàng đừng có hối, chuyện này nó liên quan đến cả đời em!

– Được rồi, nào em kể tiếp đi nào!

– Dạ! Nó nhẹ nhàng mở cửa lẻn vào phòng thiếp, nó tiến về phía giường thiếp và ngồi xuống cạnh thiếp, cầm lấy bàn tay lạnh giá của thiếp. Thiếp biết nó là thành phần không đứng đắn nhưng cứ để yên xem nó làm gì.

– Trời! Nó làm gì, sao người Andi Câu giỏi thế. Ngươi có biết có bao nhiêu con bạc đang đợi ta vào chiến nốt không? Đang dở ván tá lả!

– Dạ! Chuyện này liên quan đến cả đời em! Anh đừng có hối!

– Thôi nào bé cưng, kể nhanh lên nào…

– Bẩm vâng! Nó cầm tay thiếp, lại đưa tay vuốt má, rồi cầm vào bàn chân của thiếp.. hic hic! Ôi, chết mất! Thiếp biết nó là thành phần không đứng đắn nhưng muốn bắt quả tang nên cứ để yên xem nó làm gì..

– Thôi nào, ngươi có thôi ngay cái điệp khúc đó không? Nhanh lên!

– Dạ dạ! Rồi nó khẽ cởi áo thiếp, thiếp cứ nằm yên để bắt quả tang xem nó làm gì, nó vừa cúi xuống hôn thiếp, thò tay xuống định kéo quần thiếp ra, thiếp định để yên để bắt quả tang, nhưng không ngờ lúc đó con ranh Thỏ Ngọc đi lạc vào phòng làm nó sợ quá bỏ dở chạy mất. Thiếp lôi lại không được, nhìn kỹ ra hóa ra là Thiên Bồng Nguyên Soái.. hic hic… Thiếp xin…

– Ngươi muốn ta trừng trị tên dâm tặc này chứ gì? Người đâu…

– Dạ thiếp đâu nỡ thế! Thiếp chỉ muốn nhờ Ngọc Hoàng phái anh Na Tra đi tìm Nguyên Soái về đây, hỏi xem mấy hôm nay ngày nào thiếp cũng mở cửa đợi mà sao anh ấy không dám đến nữa!!!

Ặc ặc!!!

Ngọc Hoàng nghe thế cú lắm, té ra thằng Thiên Bồng này nó cao thâm hơn mình! Bố mày không tha nữa, cho mày làm kiếp bẩn thỉu!

Trở lại với nhân vật Trư Ngộ Năng của chúng ta. Phạm tội tày đình với nàng Hằng Nga xinh đẹp khiến chàng ta bị đầu thai thành lợn. Cách đầu thai một cách hết sức ngớ ngẩn của Ngọc Hoàng khiến cho anh chàng này trở thành một nhân vật hết sức “con người”: ham ăn, ham uống, mê cái đẹp, thích nhàn nhã, thích hưởng thụ, lười lao động, ngại vượt khó. Đó cũng là những hình ảnh tiêu biểu của nhiều con người mà Ngô Thừa Ân lấy Trư Bát Giới làm đại diện. Vì thế mà việc đạt cái mục đích cuối là trở thành một đệ tử phật gia là một cố gắng lớn cho anh chàng này và cũng là hoàn toàn phù hợp với anh chàng này: trở thành Tịnh Đàn Sứ giả, như một sự hưởng thụ đầy thoải mái sau một chuyến đi dài vất vả.

Nếu ta xem xét kỹ, ta thấy rằng hai nhân vật Bát Giới và Sa Tăng hoàn toàn thua xa Tôn Hành Giả, có nghĩa là nếu có đi tu tiên, thì hai anh chàng này cũng chỉ lên đến bậc thần thánh là hết cỡ, còn Tôn Hành Giả mang trong mình cốt tiên (Thiên đình gọi Tôn Đại Thánh là Thái Ất Tôn Ngộ Không) có thể tự mình vươn đến đỉnh cao giác ngộ và đạt thành quả cao. Ta hãy nhớ là trong các bậc tu hành Lão giáo thì Tiên là bậc cao nhất, tự mình định đoạt số phận của mình, không còn trong vòng luân hồi (cũng giống như vươn lên hàng Phật trong Phật giáo). Còn thấp hơn là Thần và Thánh, xuất phát từ 2 hạng người: những người nhân gian có đức chết được phong thần thánh, hay nhữngngười tu tiên chưa đủ đức hạnh, họ đều bị trở thành thần thánh để cho nhà trời sai bảo, hay là một dạng ôshin cho Ngọc Hoàng mà thôi. Và sau này, Tôn Hành Giả trở thành Phật, còn hai anh chàng kia chỉ lên hàng La Hán (như Sa Tăng) và Sứ giả (Bát Giới) là hết cỡ.

Lại một anh chàng khác bị ép vào cái số phận đó là Bạch Long Mã, hay chú ngựa mà Đường Tăng vẫn tọa. Anh ta nguyên là Thái tử của Tây Hải Long vương Ngao Thuận, vì say rượu làm đổ đồ châu báu mà cũng bắt tội, phạt treo ngoài Tây Hải, và cuối cùng cũng phải mang thân rồng trong xác ngựa, chở Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh, cùng bị cuốn vào vòng xoáy số phận…

(Còn nữa…)

Tây Du Ký – Sự đấu tranh của con người với các thế lực thần quyền (Phần 4)

Thế là Tôn chính thức được “giác ngộ cách mạng”. Năm trăm năm cô quạnh dưới Ngũ Hành Sơn thật bằng cả 500 ngàn năm với Tôn Đại Thánh. Ngài cứ âm thầm nằm đó, đói thì ăn đạn sắt, khát thì uống nước rỉ đồng, mặc cho thời gian lặng lẽ trôi đi. Tôi đã từng tưởng tượng ra cảnh Tôn Đại Thánh lặng lẽ khóc trong mưa, nhớ những ngày tháng tiêu dao hùng tráng của mình. Không hiểu Tôn Đại Thánh ân hận vì những hành động chống đối với ông Trời của mình, hay ngài hiểu ra rằng, mình có cố cũng không thoát khỏi số phận? Có lẽ vế thứ hai nhiều hơn.

Bởi thế mà Tôn liền đồng ý với Quan Thế Âm Bồ Tát sẽ phò trợ người lấy kinh sang Tây Thiên bái Phật, tu thành chính quả. Và từ đây, Tôn Đại Thánh đã chết rồi, mà thay vào đó là một Tôn Hành Giả, đang trên đường tu hành để trở thành một Đấu chiến thắng Phật! Tôi từng đọc một bình luận về Tây Du Ký trên Thư viện Hoa sen, nói rằng chi tiết vô lý nhất của Tây Du Ký là một Tôn Hành Giả với cân đẩu vân bay nháy mắt tới mười vạn tám ngàn dặm mà mất tới mười ba năm để phò Tam Tạng từ Đại Đường sang Tây Trúc. Có lẽ những người bình luận chưa hiểu hết cái triết lý tu thành chính quả, đó là Phật Tổ buộc Tôn Ngộ Không phải cùng với Đường Tăng vượt qua 81 nạn (do chính tay các thế lực của Phật tổ xếp đặt) để thử thách họ, nếu không hóa ra trở thành Phật quá đơn giản. Từ đây, chúng ta không gọi là Tôn Ngộ Không hay Tôn Đại Thánh, mà hãy gọi là Tôn Hành Giả – một người đang bị chìm dần vào số phận đã được định sẵn.

Quan Âm Tôn giả nhận lời Phật tổ sang Đại Đường tìm người lấy kinh về. Ta nói lại một chút, thực ra trước thời kỳ đó, Phật giáo đã du nhập vào “Đông thổ Đại Đường” rồi, nhưng đó là Phật giáo Tiểu thừa. “Tiểu Thừa” có nghĩa là “cỗ xe nhỏ”. Tiểu thừa được một số đại biểu phái Đại thừa thường dùng chỉ những người theo “Phật giáo nguyên thuỷ”. Tiểu thừa tập trung tuyệt đối vào con đường đi đến giải thoát. Các lí luận triết học không đóng vai trò quan trọng – chúng thậm chí được xem là trở ngại trên đường giải thoát. Tiểu thừa phân tích rõ trạng thái của đời sống con người, bản chất sự vật, cơ cấu của chấp ngã và chỉ ra phương pháp giải thoát khỏi sự Khổ. Tất cả các trường phái Tiểu thừa đều có một quan điểm chung về sự vật đang hiện hữu: khổ có thật, phải giải thoát khỏi cái Khổ. Giải thoát khỏi luân hồi, thoát khỏi sự tái sinh và đạt Niết bàn là mục đích cao nhất của Tiểu thừa. Muốn đạt được mục đích này, hành giả phải dựa vào sức mình, xa lánh thế gian. Vì vậy Tiểu thừa quan niệm phải sống viễn li, sống cuộc đời của một kẻ tu hành. Đối với Tiểu thừa, cuộc sống tại gia không thể nào đưa đến sự giải thoát. Hình ảnh tiêu biểu của Tiểu thừa là La Hán, là người dựa vào tự lực để giải thoát. Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng, phái Đại Thừa lại dùng từ “Tiểu Thừa” như một sự lăng mạ và chỉ trích.

Ngày xưa, khi đa số đệ tử của mình đều đã đắc quả La Hán, Đức Phật bắt đầu giảng giải đạo lý cao siêu hơn, sau khi tự cứu mình rồi thì hãy quay lại cứu độ chúng sinh, tức là làm bồ tát. Tức là đi từ tuần tự từ thấp lên cao. Trong kinh Phật có câu “hỡi các đệ tử của ta, các con hãy chia ra, hãy đi hết các hang cùng ngõ hẽm, đem giáo pháp mầu nhiệm để phổ độ chúng sinh”. Đại Thừa ngày nay một mực chê bai Tiểu thừa là ích kỷ, cũng chỉ vì trong số họ chưa ai tu hành đắc đạo, xóa bỏ Bản Ngã. Nếu không, họ đã biết được: khi Bản Ngã (cái “tôi”, cái “ta”, cái vị kỷ) bị diệt thì con người ta không còn ích kỷ nữa, ngược lại rất Từ Bi, xả thân cứu đời. Ngày nay, trước sự tràn lan của các tôn giáo cực đoan, lấy việc giết người làm mục tiêu, thì những tôn giáo tích cực trong đó có đạo Phật càng phải đoàn kết hơn. Không nên chia bè phái, tranh giành hơn thua. Họ nên hiểu rằng: chính Bồ Tát của Đại Thừa cũng phải tự hoàn thiện mình trước rồi mới có tư cách phổ độ chúng sinh mà để tự hoàn thiện thì phải tu theo giáo pháp nguyên thủy, cái gọi là Tiểu thừa. Vì thế việc phân chia hai cái “thừa” như thế là thừa.

Và thế là, Trần Huyền Ttrang, một con người, sinh ra đã theo Phật, dốc lòng theo sự chỉ bảo của Quan Âm Bồ Tát quyết một lòng sang Tây Phương bái Phật, đem kinh Đại Thừa về khai sáng cho Đại Đường, cứu nhân độ thế, cùng giúp chúng sinh thoát khỏi bể khổ.

(Còn nữa…)

Tây Du Ký – Sự đấu tranh của con người với các thế lực thần quyền (Phần 3)

Dĩ nhiên, ai cũng biết chắc Ngọc Hoàng chẳng thể bỏ qua cái tội khi quân phạm thượng như thế của Tôn. Ngay lập tức, 18 vạn thiên binh thiên tướng dẫn đầu là cha con Thác Tháp Thiên Vương Tiểu Cái (À nhầm, Lý Tịnh – cứ nhầm sang Thủy Hử), Na Tra Tam Thái tử, vây thành “thiên la địa võng” quanh Hoa Quả sơn, đến mức một “con ruồi cũng khó mà bay lọt”. Lần này Tôn Đại Thánh nhà ta được dịp trổ tài.

Chỉ với một cần thiết bổng, với 72 phép thần thông biến hóa, khi thì Đại Thánh biến thành 3 đầu 6 tay (và thuật ngữ “ba đầu sáu tay” chỉ những kẻ tài năng đầy mình), khi thì dùng một dúm lông nhai nát, phun ra biến thành trăm nghìn Tôn Đại Thánh đánh cho mười tám vạn thiên binh thiên tướng ôm đầu chạy tan tác. Ngọc Hoàng cay cú lắm mà chưa biết làm sao. Chẳng lẽ ta là đấng chí tôn, lại thua một con yêu hầu hay sao? Và thế là khi mà Quan Thế Âm Bồ Tát tiến cử cháu ngoại Ngọc Hoàng là Nhị Lang thần Dương Tiễn, Ngọc Hoàng lập tức gật đầu. Ta hãy nói một chút về chuyện này.

Nhị Lang thần tên là Dương Tiễn, vốn là con của em gái Ngọc Hoàng, em gái Ngọc Hoàng lấy người phàm sinh ra Dương Tiễn bị coi là phạm luật trời. Dương Tiễn sinh ra có 3 con mắt, cũng học nghệ được thất thập nhị huyền công như Đại Thánh, sử dụng cây đao ba mũi hai lưỡi với con Hạo thiên khuyển chuyên dùng để … “cắn trộm”. Vì mẹ của Nhị Lang phạm luật trời nên dù Nhị Lang (gọi Ngọc Hoàng bằng cậu) có tài phép đến đâu, lập bao công trạng trước đây, cũng không được Ngọc Hoàng coi trọng, chỉ là một ông thần nhỏ nhoi nơi trần thế, chẳng qua Ngọc Hoàng bị lâm vào thế bí, phải hạ mình nhờ ông cháu mà trước đây mình vẫn coi rẻ mà thôi. Thế mới thấy, ông Trời nắm trong tay sinh mệnh của cả muôn loài cũng chẳng sống có tình là mấy.

Dương Tiễn là đối thủ đáng kể nhất của Đại Thánh, đánh nhau với Đại Thánh một trận kinh thiên động địa, hai bên ngang tài ngang sức nhau, chẳng ai hơn được ai, biến hóa linh tinh, nếu cứ tiếp tục chắc phải mỏi mệt. Ngọc Hoàng nhân lúc Ngộ Không và Dương Tiễn còn mải choảng nhau, sai Thái Thượng Lão quân dùng chiếc vòng ném thẳng vào đầu Tôn, làm Tôn ngã quay đơ, thế là bị thiên tướng bắt sống. Đáng cười cho ông Trời oai linh, có trong tay ngàn vạn vị tiên, hàng vạn thiên binh thiên tướng, không ai đánh nổi một chú khỉ, phải giở thủ đoạn hạ lưu đánh lén với Tôn. Tất nhiên đã đánh nhau thì ai thắng thì hơn thôi. Nhưng đảm bảo rằng, vì thế mà Tôn vốn không phục cái ông Giời ấy thì nay càng bất phục hơn.

Ngọc Hoàng đem Tôn về điện Linh Tiêu, dùng các nhục hình để tiêu diệt Tôn (thật không ngờ ông Trời có lắm thủ đoạn nhục hình thế): nào đao chém (nhưng không đứt), lửa thiêu (chẳng cháy), sét đánh (không chết)…, có lẽ chẳng còn cái hình phạt tàn khốc nào mà ông Trời chưa giở ra với Tôn. Tôi thấy nực cười cho ông Giời, ông quên mất một điều, Tôn đã ra ngoài luân hồi (đã xóa tên khỏi sổ sinh tử), thì làm sao giết chết được Tôn, lại đem bao hình phạt tàn khốc với Tôn như thế, thật chẳng xứng với câu “Ông Trời vốn có đức hiếu sinh”. Thật đáng thương cho Ngọc Hoàng.

Lại còn kinh dị hơn, Ngọc Hoàng nghe Thái Thượng Lão quân bảo đem Tôn đi luyện đan trong lò bát quái thì gật đầu liền. Chẳng hiểu Ngọc Hoàng có chút tình người nào không? Dù gì Tôn cũng là một sinh linh, Ngọc Hoàng nỡ lòng nào để Lão quân luyện Tôn thành một viên linh đan, rồi ung dung bỏ vào miệng mà nhai, có khác gì ông ta đi ăn thịt chúng sinh không?

Thật may cho Ngọc Hoàng, Lão quân nung Tôn đến 49 ngày mà không chết, đơn giản vì vứt Tôn vào cung Tốn, Tốn là Gió, vì thế Tôn chỉ bị sức nóng cộng với khói thổi hun mắt, biến con mắt đen láy thông minh thành “mắt lửa ngươi vàng” mà thôi, không những chẳng giết chết Tôn, mà còn cho Tôn đôi mắt thần kỳ nhìn thấu mọi việc. Lò Bát quái của Lão quân là một lò chuyên để luyện đan, có cấu trúc theo kiểu 8 cung của Bát quái, gồm các cung mang tên như các quẻ bát quái trong Kinh dịch. Nói thêm chút về 8 quẻ này (cho oai tí) gồm: Càn (), chỉ Trời, hay theo hướng là Tây Bắc; Đoài (), chỉ Đầm, hồ, hay chỉ hướng Tây; Ly (), tức là Lửa, chỉ hướng Nam; Chấn (), tượng cho Sấm, chỉ hướng Đông; Tốn (), nghĩa là Gió, chỉ hướng Đông Nam; Khảm (), chỉ Nước, định hướng Bắc; Cấn (), nghĩa là Núi, chỉ hướng Đông Bắc; Khôn (), nghĩa là Đất, chỉ hướng Tây Nam. Còn nếu tám cửa trong trận Bát môn Kim tỏa của Gia Cát Võ Hầu thì gồm có Sinh, Thương, Đỗ, Cảnh, Tử, Kinh, Khai, Hưu. Nói chung cái này đọc nhiều chỉ tổ chóng mặt váng đầu, dễ đi vào tẩu hỏa nhập ma, nói tí cho có vẻ oai trí thức tí thôi.

Rõ ràng là cả Lão quân, một vị đứng đầu trong các vị tiên cũng làm ăn cực kỳ tắc trách, chỉ biết tóm yêu hầu mà ném vào lò, còn nó vào đến đâu thì không quan tâm, để nỗi không những không giết nổi Tôn Đại Thánh, trái lại còn làm cho Đại Thánh còn kinh hơn, đạp tung lò Bát quái, nhảy ra ngoài với mắt lửa ngươi vàng, trừng trừng nhìn Ngọc Hoàng làm Ngọc Hoàng rụng rời hết vía. Lúc này thì có mà đến mười ông cháu Dương Tiễn Nhị Lang thần của Ngọc Đế cũng đành dùng phép bó tay chấm com chứ làm gì nổi Tôn Đại Thánh nữa. Tôn Đại Thánh mặc sức đánh cho Thiên đình tan nát, Ngọc Hoàng oai vệ trước đây vẫn khinh thường Tôn là một con yêu hầu thì cũng phải chui vào gầm bàn mà run, rồi đành thỉnh Phật tổ Như Lai sang trợ giúp.

Phải thừa nhận rằng Phật Tổ đánh đòn cao tay hơn hết, không chơi thượng cẳng chân hạ cẳng tay với Tôn Đại Thánh (vì có lẽ Đức Phật cũng hiểu trò này khó mà đấu với Tôn một cách dễ dàng được), thế là kích vào tích tự kiêu của Tôn, thách Tôn dùng một cân đẩu vân đi ra khỏi lòng bàn tay của Phật tổ. Ta sẽ nói chi tiết về việc này. Một vụ án thiên cổ, bị Phật Tổ ỉm đi để bắt Tôn thành đệ tử của mình. Chi tiết như sau:

Theo sách vở mà ta vẫn học, người con người lần đầu tiên biết Trái đất tròn cũng vào tới cỡ thế kỷ 15 gì đó (đại khái thế), tức là sau Tôn hàng vài ngàn năm. Nếu ta suy diễn chút theo Tây Du Ký, thì không phải thế, chính bác Phật Thích Ca Mâu Ni mới gọi là người biết Trái Đất tròn để lừa chú Tôn của chúng ta. Phân tích kỹ nhé!

Lúc Tôn theo Đường Tăng đi thỉnh kinh, thì đó là thời đại trị vì của Đường Thái Tông (đầu thế kỷ 7 sau CN), sau khi bị đè dưới Ngũ Hành sơn đúng 500 năm. Như vậy, lúc Tôn đang choảng nhau với Phật Tổ là đầu thế kỷ thứ 2, là thời đại nhà Đông Hán, lúc đó trung tâm của Trung Hoa là kinh đô Lạc Dương, ở vĩ độ khoảng 35 độ Bắc. Cứ vĩ độ đó ta kích lên 18 tầng trời, tức là tận cùng bầu khí quyển, tính theo cả bán kính trái đất là 6370 km. Ta sẽ tính đươc chu vi đường tròn kinh tuyến qua vị trí 18 tầng trời đúng bằng quãng đường một cân đẩu vân – mười vạn tám ngàn dặm (chú ý, 1 dặm Tàu khi đó chỉ là 1/3 km thôi, tức là một cân đẩu vân tức là 36000 km). Thế nghĩa là thế nào nhỉ? Bác Phật Tổ nhà ta để Tôn Đại Thánh lên lòng bàn tay, thách Tôn một cân đẩu vân ra khỏi tay. Có mà đến mười Tôn Đại Thánh cũng thế thôi, nhắm mắt nhắm mũi bay vèo cái, theo đúng 1 đường tròn lại trở lại vị trí cũ. Bác Phật nhà ta cứ ung dung ngồi khểnh chân uống trà đá đợi hết đúng 1 lượt Tôn lại tự quay lại chỗ cũ, thế là tóm thôi. Căn bản bác Phật cũng cú Tôn đái bậy vào tay, nên lập tức đè luôn Tôn xuống Ngũ Hành Sơn và lại dùng đạo bùa với 6 chữ “Úm ma la, bát minh hồng” đính lại (kiểu như các bác nhà ta niêm phong bây giờ ấy), thế là Tôn đành nằm đó 500 năm, đói thì ăn đạn sắt, khát thì uống nước rỉ đồng – Thực ra câu chuyện vui này tôi đã từng nêu ra cách đây 6 năm, viết trên nội san Khoa Vật lý, thành câu chuyện cười ngộ nghĩnh . Đúng là nhất nhật tại Ngũ hành sơn, thiên thu tại ngoại. Nếu muốn hiểu tâm trạng Tôn Đại Thánh lúc đó, hãy nghe bài hát trong phim Tây Du Ký của đạo diễn Dương Khiết, cực kỳ tâm trạng và rất hợp với tâm trạng của Tôn hồi đó!

Cuộc chiến giữa Tôn và ông Trời chấm dứt, dù Tôn có gây ra một cuộc long trời lở đất, khiến cho cả ông Trời phải sợ hãi, nhưng rốt cục, Tôn cũng chẳng thoát khỏi số phận. Tuy nhiên, tôi vẫn ấn tượng mãi với người anh hùng này, nhất là khi anh ta ưỡn ngực trước Ngọc Hoàng mà trả lời rằng “Có Lão Tôn đây“. Vâng, cái đó thể hiện khát vọng tự do và muốn thể hiện mình!

Và rồi, Tôn bắt đầu rơi vào số phận, cùng với cả 4 thầy trò Đường Tăng bắt đầu tìm đến số phận để thành Phật, xin mời xem tiếp ở những bài viết sau!!

(Còn nữa)

Tây Du Ký – Sự đấu tranh của con người với các thế lực thần quyền (Phần 2)

Cái gì đến rồi cũng phải đến, nó đến nhanh đến mức mà ngay cả Ngọc Hoàng, người nắm trong tay số phận muôn loài cũng không hề ngờ tới, Ngọc Hoàng lòi ngay cái đuôi cho người tài ăn bánh phỉnh. Ngộ Không sau khi giao du trên trời, nhanh tróng biết được chức Bật Mã Ôn là một chức quan không những không còn thể nhỏ hơn nữa, mà còn chẳng có phẩm hàm gì, chỉ đơn thuần là một tên chăn ngựa mà thôi liền tức khí “bỏ của chạy lấy người“, bỏ về Thủy Liêm động, Hoa Quả sơn tự xưng “Tề Thiên Đại Thánh” – vị thánh ngang bằng với Trời, ngang nhiên dựng cờ giữa trời khiến Ngọc Hoàng không khỏi tức giận. Có lẽ Ngọc Hoàng tự ái vì không ngờ ta ban ân huệ thế mà nó còn không thèm, còn ngang nhiên dựng cờ đòi ngang hàng với ta. Thế là dù Thái Bạch Kim Tinh có can đến đâu, Ngọc Hoàng cũng đùng đùng nổi giận bắt cha con Thác Tháp Thiên vương Lý Tịnh, Na Tra Tam Thái tử cùng Thiên lôi và 18 vạn thiên binh xuống bắt yêu hầu.

Dĩ nhiên, cha con nhà Tam Thái Tử Na Tra đâu phải là đối thủ của Ngộ Không. Nếu như ngày xưa Na Tra tung hoành với Hỗn Thiên lăng, với Càn khôn quyện…, thì nay Na Tra cũng thất bại trước một yêu hầu với một cần thiết bổng và thất thập nhị huyền công. Cha con Lí Tịnh và 18 vạn thiên binh thất bại thảm hại làm Ngọc Hoàng giật mình. Ngọc Hoàng đành xuống nước bãi binh, vời Tôn lên làm Tề Thiên Đại Thánh. Vậy là Ngọc Hoàng oai vệ lần thứ nhất thất bại trước Tề Thiên Đại Thánh. Và đây cũng là bước ngoặt dẫn đến cái cuộc “Đại náo thiên cung” long trời lở đất của Tôn Đại Thánh.

Tôn Ngộ Không lên làm Tề Thiên Đại Thánh, vốn tính khỉ hiếu động, liền dong chơi khắp chốn Thiên đình, từ làm quen đến Thái Thượng Lão quân, đến Thái Ất chân nhân, kéo sang cùng Nguyên Thủy Thiên Tôn, rồi đi đến kết thân hết các thiên thần thiên tướng và có lẽ ai cũng nể mặt Tôn Đại Thánh cả. Và Ngọc Hoàng lại giật mình. Có lẽ ông ta cũng giật mình khi thấy Tôn Ngộ Không cứ giao du thế, phải chăng ông ta sợ Tôn Ngộ Không tài phép đầy mình, sẽ đi kết bè đảng, rồi có ngày nào đó đám thần tiên dưới quyền ông ta sẽ nghe lời Tôn Đại Thánh, chẳng thèm phục tùng một Ngọc Hoàng bất tài như ông ta nữa? Biết đâu đấy, có mà “Trời mới biết được” Ngọc Hoàng nghĩ gì.

Chẳng thế mà một thiên thần ngu dốt tâu rằng “Tôn Đại Thánh nhàn rỗi ngày ngày giao du thế, tất sinh họa. Xin hãy cho ra trông coi vườn bàn đào!”, Ngọc Hoàng gật đầu ngay tắp lự. Đúng là thiên thần đã ngu dốt rồi, Ngọc Hoàng cũng chẳng sáng suốt hơn. Tôn là giống khỉ, cho khỉ coi đào có khác gì đem mỡ đặt trước miệng mèo, đem dê lùa miệng hổ, không cần bảo nó cũng chẳng để yên. Và thế là bi hài kịch bắt đầu. Được Thổ địa quảng cáo toàn đào xịn cả, Tôn lập tức chén đẫy làm tan hoang vườn đào khiến cho các Tiên nữ của Tây Vương mẫu đến lấy đào chỉ được có 1 ít đào ương ương xanh xít mà chẳng hiểu ra làm sao.

Hay khoan nói việc này, hãy nói tiếp chuyện về Tây Vương mẫu. Năm đó, Tây Vương mẫu mở tiệc bàn đào, chiêu đãi toàn thể chư tiên, thánh thần. Danh sách khách mời có đủ mặt mọi người, thật chẳng ngờ chẳng thèm mời đến Tề Thiên Đại Thánh. Thật là hết biết. Ngọc Hoàng là vua lạnh lùng đã đành, Tây Vương mẫu cũng như một vị hoàng hậu lạnh lùng, coi khinh luôn cả yêu hầu, chẳng thèm mời Tôn. Thế là Tôn đùng đùng nổi giận, làm cho bầy tiên nữ và thần thánh phục vụ cứng đơ, một mình đánh chén cỗ bàn tan hoang, uống rượu say bét nhè, lại còn đi lạc lên cung Đâu Suất của Thái Thượng Lão quân, lôi hết đống hồ lô linh đan mà Lão quân vất vả luyện được đem ra nhắm rượu, cứ như dân ta đem lạc rang uống rượu, còn gật gù “chẳng khác gì đậu phộng rang cả“, thật là tức cười. Với các thần tiên khác, được một viên linh đan của Lão quân là thuốc tiên quý báu, còn với Tôn, cũng chỉ như lạc rang thôi, chỉ khổ thân Lão quân vất vả.

Thực ra cái việc mà Tôn phản kháng lại sự “keo kiệt” của Vương Mẫu cũng thể hiện một cái văn hóa của dân Trung Hoa (cũng như dân Việt ta), bên cạnh sự cay cú vì bị coi rẻ, còn là sự bực mình vì miếng ăn (coi việc mời đi ăn cỗ là to tát mà, không được mời là kém miếng khó chịu lắm). Cho nên nói phản kháng của Tôn với các lề luật Thiên đình cũng là sự phản kháng của con người cũng một phần xuất phát từ điều đó.

Và thế là, cuộc chiến long trời lở đất của Tôn với Ngọc Hoàng bắt đầu ….

(Còn nữa)

Tây Du Ký – Sự đấu tranh của con người với các thế lực thần quyền (Phần 1)

Bài này viết theo lời hứa với một người bạn, sau khi đọc một bài trên blog của người đó viết về Tây Du, và cũng là chút cảm nhận của tôi về Tây Du Ký – một trong những cuốn truyện mà tôi rất mê, đọc gần như thuộc lòng nó từ khi còn bé xíu. Bản thân tôi, và tôi chắc rằng còn rất nhiều người khác không thể quên được cái cảm giác háo hức của đầu những năm 90, khi phải đi xem nhờ TV để xem phim Tây Du Ký (đạo diễn Dương Khiết) lần đầu tiên phát trên màn ảnh truyền hình VN (khi đó quê tôi còn nghèo lắm, TV hiếm vô cùng). Hi vọng mọi người có cùng sở thích đọc Tây Du như tôi cùng vào đây bình luận.

Tây Du Ký là cuốn tiểu thuyết thần thoại của nhà văn Ngô Thừa Ân, cùng với Tam Quốc, Sử ký Tư Mã Thiên, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng là những tác phẩm văn học bất hủ, được xếp vào hàng ngũ những cuốn sách hay nhất của nhân loại. Thế giới chính của Tây Du là thế giới thần tiên của Đạo Lão và thế giới hư không của Đạo Phật, xen kẽ với Trung Hoa thời đại trị vì của Đường Thái Tông, lấy trên gốc câu chuyện nhà sư Trần Huyền Trang từ Đại Đường sang Ấn Độ thỉnh kinh (thực chất là học Phật giáo Đại Thừa) về truyền bá ở Trung Hoa (lúc đó mới chỉ có giáo lý Tiểu Thừa).

Tây Du Ký là một thế giới thần tiên cực kỳ phong phú, với đủ mặt các vị thần tiên trong thế giới thần linh của Trung Hoa, đủ mặt các vị Phật trong Phật giáo Trung Quốc. Và nhân vật chính, Tôn Ngộ Không, đứng trung tâm trong cái thế giới ấy với cái danh hiệu cực kỳ ngạo nghễ – Tề Thiên Đại Thánh. Hình ảnh Mỹ hầu vương Tôn Ngộ Không tay cầm cần thiết bổng nặng “mười vạn ba ngàn năm trăm cân“, mang trong mình “thất thập nhị huyền công” – 72 phép thần thông biến hóa, cùng với cân đẩu vân trong nháy mắt đi tới “mười vạn tám ngàn dặm” (sáng chơi Bắc Hải, chiều ở Thương Ngô), tung hoành từ Âm tào địa phủ của Diêm Vương đến điện Linh Tiêu của Ngọc Hoàng, đánh cho 18 vạn thiên binh thiên tướng của Ngọc Hoàng kinh hồn bạt vía, khiến cho Ngọc Hoàng oai linh phải chui xuống gầm bàn mà kêu cứu như một tượng đài tiêu biểu của cuộc đấu tranh chống lại định mệnh của con người. Nhưng rốt cục, Ngộ Không cũng không thoát khỏi định mệnh đã định sẵn – trở thành một “Đấu chiến thắng Phật” – một vị Phật.

Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh

Tôn Ngộ Không là một chú khỉ đá, do tảng đá hấp thụ tinh khí trời đất sinh ra ở Hoa Quả sơn, đất Đông Thắng thần châu. Từ khi mới ra đời, chú khỉ này đã lãnh đạo cả bầy khỉ xông vào động Thủy Liêm – đi vào đi ra không xây xước mình mẩy – sống tiêu dao trong thế giới yên bình nơi Hoa Quả sơn – làm một Mỹ Hầu Vương. Nhưng rồi, chú khỉ đã nhận ra “rồi không ai thoát khỏi cái chết, chẳng ai là không bị lão Diêm Vương cai trị cả“. Phải làm sao đây? Mỹ Hầu Vương đã lênh đênh vượt biển, tìm đến nơi Bồ Đề tổ sư cố công tu luyện học phép tiên với ham muốn trường sinh bất tử, chống lại sự quản cố của Diêm Vương. Cái tên Tôn Ngộ Không là do Bồ Đề sư tổ đặt – chú khỉ này có dáng như trẻ con nên có họ là Tôn, cái tên Ngộ Không mang ý nghĩa giác ngộ. Trong bất kỳ bài học nào, Ngộ Không cũng hỏi “Phép này có trường sinh được không?“Và rồi, biết chắc số phận long trời lở đất sau này của Ngộ Không, Bồ Đề tổ sư vẫn truyền cho Tôn “thất thập nhị huyền công” cùng với cân đẩu vân đi mười vạn tám ngàn dặm bởi chỉ có người đệ tử này hiểu được cái chân lý huyền diệu mà thôi. Bồ Đề tố sư đuổi Ngộ Không ra khỏi sư môn với cái cớ “khoe khoang đạo học” thực ra là một cái cớ hợp lý thôi, ông thừa hiểu rằng Tôn Ngộ Không không thuộc về thế giới tu tiên, và ông muốn người đệ tử này quay về nơi mà anh ta đi, chỉ với yêu cầu “Ngày sau gây ra chuyện gì thì không được nhận mình là đệ tử của Bồ Đề tổ sư“.

Ngộ Không trở về Hoa Quả sơn, cùng bọn Ngưu Ma Vương kết nghĩa anh em, đầu tiên là xuống Long cung xin binh khí. Ta hãy chú ý chi tiết này, đọc vội vàng, người ta thường bảo Tôn Ngộ Không dùng sức mạnh đoạt gậy thần ở Long cung, nhưng không phải thế. Đoạn này còn cho thấy Đông Hải Long Vương – một vị thần cai quản sông biển tráo trở thế nào. Ban đầu, Tôn Ngộ Không xin Long Vương binh khí, và mọi thứ binh khí mà ông ta đưa ra đều bị Tôn Ngộ Không chê nhẹ, không vừa tay. Có lẽ Long Vương tự ái, bèn chỉ ra cây gậy sắt dùng để đo độ sâu của biển, thách Tôn lấy được thì cho. Ai ngờ số mệnh định sẵn, cây gậy tuân theo ý của Tôn, và bị Tôn xơi mất. Long Vương đòi lại không nổi, lại phải cúng cho Tôn bộ giáp vàng. Cay cú, Đông Hải Long vương bèn lên Trời kiện Tôn – vụ kiện đầu tiên trong Tây Du.

Chúng ta hãy chú ý, dòng họ nhà Long vương trong thần thoại Tàu là họ Ngao (Đông Hải Long vương tên là Ngao Quảng, cùng với 3 vị khác là Ngao Khâm, Ngao Thuận, Ngao Thân cai trị tứ hải). Thần thoại Trung Hoa chi tiết hơn Việt Nam rất nhiều. Mỗi vị thần tiên đều có lai lịch và tên tuổi rõ ràng. Ví dụ như họ Ngao là dòng họ Long Vương; Nhị Lang thần là Dương Tiễn có Hạo thiên khuyển, có 3 con mắt với đại đao ba mũi hai lưỡi; Thác Tháp Thiên Vương Lý Tịnh, có ba con là Kim Tra, Mộc Tra, Na Tra; Thần Tài là Triệu Công Minh từng đối địch với Khương Tử Nha, chết được phongthần… Điều này thể hiện sự phong phú và phát triển cao của nền văn hóa Trung Hoa. Thực sự nước Việt ta nhỏ, không so sánh được với Trung Hoa về khoản này. Và văn hóa ViệtNam ta cũng khác, ai đó đừng nên so sánh hay đòi so bì với Trung Hoa làm gì.

Sự phản kháng với số phận của Ngộ Không bắt đầu trở nên quyết liệt, khi một mình đại náo Diêm Tào, bắt Diêm Vương đem sổ sinh tử, gạch tên toàn bộ các loài khỉ, khiến cho Âm Ti không cai quản nổi sự sống chết của loài khỉ. Tất nhiên, “các thế lực” đè nén này chẳng chịu được sự phản kháng của Ngộ Không – vụ kiện thứ hai bắt đầu, hài hước hơn là Diêm Vương – ông chùm gây bao nỗi kinh sợ của con người mặt đất lại phải lóc cóc lên trời kiện một người mà nhà Trời từng khinh thường gọi là con “thạch hầu”. Và cuộc chiến của Tôn Ngộ Không với Ngọc Hoàng Thượng Đế bắt đầu.

Thái Bạch Kim Tinh là một vị tiên hòa hoãn và ông ta bày kế mời Tôn Ngộ Không lên trời làm quan nhằm tránh họa binh đao. Kế này được chấp nhận và Tôn Ngộ Không lần thứ nhất lên trời. Ta lại thấy một Ngọc Hoàng cai trị muôn loài mà sao chẳng có con mắt nhìn người chút nào, lại khinh thường tài năng đến vậy. Một “yêu hầu” tài phép đầy mình như Tôn chỉ được phong chức quan Bật Mã Ôn, chuyên chăn ngựa, mà chẳng có chức vụ nào bé hơn thế nữa. Lẽ ra Ngọc Hoàng, người nắm trong tay số mệnh của muôn loài phải biết nhìn tài năng của mọi người, đằng này…

Tôn Ngộ Không là người duy nhất dám đứng trước mặt Ngọc Hoàng (thậm chí không thèm cúi đầu), trả lời gọn lỏn rằng “Có Lão Tôn đây!“. Một mình Tôn khiến cho Long cung, Âm tào địa phủ khiếp sợ, thoát khỏi kiếp luân hồi như thế thì hiển nhiên Tôn chẳng coi cái “ông Trời” kia là gì. Và rồi mặc cho các vị tiên thần trên trời khiếp sợ, Tôn cứ nghênh ngáo với ông Giời, và đến mức “Ngọc Hoàng cũng phải nể Lão Tôn đôi ba phần“…

(Còn nữa…)

Những nhân vật hay nhất trong Tam Quốc Diễn nghĩa (Phần 7)

Tư Mã Ý: Tử Gia Cát năng tẩu sinh Trọng Đạt 

 

Đây là câu châm ngôn của người Thục, bêu riếu việc Tư Mã Trọng Đạt sợ Gia Cát Khổng Minh đến mức Gia Cát chết rồi mà người ta vẫn còn dọa được Trọng Đạt sợ bỏ chạy chối chết. Đấu trực tiếp trên chiến trường quả thật Trọng Đạt luôn thua Khổng Minh, nhưng rốt cục, Trọng Đạt lại thắng, để rồi Gia Cát Khổng Minh chết vì lao lực trên Ngũ Trượng cương với mối hận “trời xanh thăm thẳm hận này biết bao giờ nguôi”. Trọng Đạt xứng danh là đối thủ xứng tầm của Gia Cát, thắng Gia Cát chỉ nhờ có một chữ: NHẪN! 

Tư Mã Ý tự là Trọng Đạt, ban đầu chỉ là một mưu sĩ tầm thường của Tào Tháo. Dòng họ Tư Mã của Trọng Đạt có biết bao danh nhân nổi danh từ đời Hán: Tư Mã Thiên với Sử ký Tư Mã Thiên ngàn năm nổi danh, Tư Mã Tương Như với khúc Phượng Cầu đầy tình tứ, và rồi cháu của Tư Mã Ý là Tư Mã Viêm chấm dứt cục diện phân tranh Tam quốc, đưa Trung Quốc trở lại thời kỳ thống nhất. Có thể nói ở thời Tam Quốc, nếu đánh giá gian hùng số một thì phải là dòng họ Tư Mã này cơ.

Tư Mã Ý bắt đầu nổi lên ở chiến dịch đánh Hán Trung của Tào Tháo. Có thể nói trước đó, Tào Tháo quá nổi bật về quân sự, dẫn đến việc Tư Mã Ý như một con rồng ẩn mình, chẳng tỏ ra được chút gì. Khi Tào Mạnh Đức quá mỏi mệt vì xứ Hán Trung rừng rú mới chiếm được, Trọng Đạt dâng kế “Khôn ngoan không bằng thừa thế“, sao không nhân lúc đang vang dội vì chiến thắng Hán Trung, thừa thế kéo quân một trận đánh nước Thục mới lập, lòng quân dân còn chưa vững (Hồi 67). Tiếc thay Tào Tháo quá mỏi mệt, không nghe theo, bỏ lỡ cơ hội sớm thống nhất Trung Hoa. Quả thực, việc Tào Tháo đánh tan Hán Trung làm rung chuyển nước Thục, ngay cả Khổng Minh và Lưu Bị cũng run như cầy sấy… Nhưng đó cũng là số trời để dòng họ Tư Mã thống nhất Trung Hoa chứ không phải họ Tào. Và đối thủ của Gia Cát Lượng bắt đầu lộ mặt.

Tập 7 của Tam Quốc Diễn nghĩa (Bản cũ, 8 tập, 120 hồi) là hồi diễn tả cuộc chiến giữa 2 đối thủ Gia Cát – Tư Mã. Sau cái chết của các anh hùng thuộc “thế hệ một”: Tào Tháo, Lưu Bị, …, thế hệ thứ hai nổi lên với Hoàng đế nước Ngụy là Tào Phi tin dùng Tư Mã Ý ra sức đối địch với nước Thục. Khổng Minh hiểu sức yếu của nước mình, lấy công làm thủ, liên tiếp đánh Ngụy để giữ nước.

Thất bại đầu tiên của Ý trước Lượng là dùng mưu đem 6 đạo quân tấn công nước Thục với vị chúa trẻ ngu dốt Lưu Thiện mới lên ngôi sau thất bại của Lưu Bị ở trận Hào Đình, không ngờ Khổng Minh ngồi trong tướng phủ vạch kế đánh tan âm mưu này, Ý đành lui về lấy thế thủ và hiểu rằng Ý đang gặp một đối thủ đáng gờm, khó mà “nhai” được.

Khổng Minh cũng hiểu mình có một đối thủ khó nhằn, nên khi bắt đầu kế hoạch tiến quân đánh Ngụy, đã nghĩ ngay đến Tư Mã Ý và đau đầu lo về đối thủ này. Mã Tốc nhân thể lấy lòng Gia Cát với một kế bày kế ly gián làm Tân Ngụy chủ Tào Tuấn nghi ngờ Ý, tước hết binh quyền đuổi về quê. Một thời gian dài vắng Ý, nước Ngụy như rơi vào thảm cảnh thất bại. Đại tướng quân Tào Chân dẫu giỏi cầm quân vẫn không phải đối thủ của Gia Cát, Vương Lãng dù giỏi mồm mép vẫn không tránh khỏi bị Gia Cát giở giọng mắng chết trước trận tiền, Quách Hoài khéo cầm quân vẫn chẳng ngờ quỷ kế Gia Cát, và nước Ngụy như run rẩy trước vị “thần nhân” Gia Cát, thế nhưng, đúng lúc đó thì Tào Tuấn lại sáng suốt biết dùng Tư Mã Ý.

Lần đầu trở lại của Tư Mã Ý đã khiến Gia Cát ăn không ngon ngủ không yên, Ý chơi trò “tiền trảm hậu tấu” đập tan âm mưu phản loạn của Mạnh Đạt (hồi 95), nhân thể tiến quân đánh Nhai Đình. Ở trận Nhai Đình, ban đầu Ý đã tưởng mình thất bại khi quân báo Khổng Minh đã cho người đóng giữ Nhai Đình rồi, nhưng trời giúp Ý khi Khổng Minh để Mã Tốc (chứ không phải là Vương Bình) làm chủ tướng giữ Nhai Đình. Tư Mã lúc này hơn hẳn Khổng Minh, nhận ra con người của Mã Tốc, và dễ dàng đánh bại Mã Tốc chiếm Nhai Đình khiến cho Khổng Minh bất đắc dĩ phải dùng không thành kế ở Tây Thành mới thoát khỏi tay Tư Mã.

Không thành kế ở Tây Thành (hồi 95) là một trận chiến độc đáo cân não giữa hai đối thủ. Tư Mã Ý thua Gia Cát ở trận này vì quá hiểu Gia Cát. Ý rút kinh nghiệm Gia Cát không nghe lời Ngụy Diên tiến quân theo hang Tí Ngọ mà đi theo con đường Kỳ Sơn, đồ rằng Gia Cát cực kỳ cẩn thận, không bao giờ một mình ngồi gảy đàn trên thành đánh quả liều với Ý cả, và dường như Ý sợ trước một Khổng Minh cực kỳ ung dung đánh đàn trên thành, bên dưới là một cổng thành mở toang, chỉ có vài dân chúng đang quét thành. Ý thua thật sự ở trận này!

Đấu trận đồ, Ý thua Gia Cát (Hồi 100 – Khổng Minh đấu trận nhục Trọng Đạt), đấu quỷ kế, Ý cũng thua, để đến nỗi Trương Cáp chết vì tên bắn trong hẻm núi Kiếm Các, đấu tài danh chế tạo, Ý lại thua Gia Cát trong trận chiến trâu gỗ ngựa máy. Hiển nhiên vậy, Khổng Minh là người nghĩ ra trâu gỗ ngựa máy thì hẳn phải hiểu hơn Trọng Đạt chứ, vì thế nên Trọng Đạt cướp được trâu ngựa gỗ lại nhân thế bắt chước làm theo lại thành trò cười cho quân Thục, để quân Thục nhân thế dùng binh cướp sạch lương thảo, cướp tr�
��i đánh bại Tư Mã. Còn gì nữa nhỉ? Địa lôi phải thua thiên lôi, Khổng Minh dùng kế lừa cha con Trọng Đạt vào hang Thượng Phương, định dùng địa lôi đốt chết cha con Tư Mã, nhưng số trời đã định cho dòng họ Tư Mã nên nổi cơn mưa dập tắt địa lôi, cha con Ý thoát chết, dù quân tướng bị đánh cho tan tành. Trọng Đạt cũng từng tưởng cha con mình đến đây là tận số, từng nhảy xuống đất ôm hai con mà khóc tướng lên rằng “Ba cha con ta hôm nay phải chết ở đây thôi” (hồi 103), có lẽ lần này Ý khóc và sợ thật sự.

Sau những thất bại đó, Ý hiểu rằng mình chẳng thể đấu nổi Khổng Minh, nên đành nhẫn nhịn ém quân chờ thời. Quân Thục vào sâu trong nước Ngụy chẳng thể ở lâu, Khổng Minh tự mình làm mọi việc chẳng thể khỏe mà sống lâu (đây giống như trò báo thù của Hoàng Thường tác giả Cửu âm Chân kinh là cách trả thù hay nhất là sống lâu hơn kẻ thù). Ý phải nhẫn nhịn đến mức Khổng Minh gửi khăn yếm đàn bà đến cho Ý khích Ý ra trận, nhưng Ý lại nhẫn nhịn cúi lạy và nhận khăn, chịu tiếng nhục (hồi 103).

Sứ giả tới dâng thư và một cái hộp rồi nói:

– Thừa Tướng tôi gửi tới Ðô Ðốc.

Tư Mã Ý mở hộp ra thì thấy toàn khăn yếm và đồ đàn bà để tang, lại xé thư ra xem.

Thư rằng: Ðã là đại tướng tại sao không cầm quân mà lại trốn trong hang. Như thế còn thua đàn bà con gái. Nay ta gi cho người khăn yếm và đồ đàn bà để tang, nếu ngươi không dám ra đánh, hãy cúi lạy và lĩnh đồ này trước ba quân để nhận làm một đàn bà góa.

Tư Mã Ý xem thư xong trong bụng căm tức lắm, nhưng vẫn cười bảo rằng: – Khổng Minh coi ta như đàn bà ru?

Rồi cúi lạy và nhận khăn yếm và cho sứ giả về...(Hồi thứ 103)

Có thể nói quân tướng chẳng ai hiểu Ý, trừ Ngụy chủ Tào Tuấn, thấy vậy giả vờ ra lệnh cấm không được ra đánh làm cho quân Tào yên tâm (dù trong bụng căm tức lắm) án binh bất động. Nếu Tư Mã chỉ vì sĩ diện của kẻ vũ phu mà ra đánh trận với Gia Cát thì chẳng những chẳng giữ nổi quân mình và nước Ngụy chẳng hiểu có giữ nổi giang sơn nữa không. Có thể xem cả đời Ý có nỗi nhục lớn nhất là sự nhẫn nhịn này, nhưng nó cũng đem lại vinh quang lớn nhất cho Ý: Chiến thắng đối thủ lớn nhất nhờ sự nhẫn nhịn. Với chữ NHẪN đạt được này, có thể so sánh Ý với Hàn Tín chấp nhận chịu nhục luồn qua háng tên hàng thịt ở chợ để lưu cái thân hữu dụng đi làm việc lớn. Tất nhiên cũng là trời cho Tư Mã Ý một vị minh chủ như Tào Tuấn, chứ nếu Ý không gặp Tào Tuấn mà gặp Tôn Quyền (ví dụ thế) thì liệu có hiểu Ý đến vậy để mà nhẫn nhịn không?

Và rồi cái gì đến cũng phải đến, Gia Cát chết vì kiệt sức trên gò Ngũ Trượng, Ý mừng lắm, đem quân đến đánh, nhưng bụng dạ vẫn còn hồ nghi Gia Cát bày trò quỷ. Bởi thế mà khi quân Thục lôi bộ tượng gỗ của Gia Cát lại, Ý chạy chối chết, sợ đến mức hỏi quân tướng “Đầu ta có còn không?” (hồi 104) và người Thục đã cho ra đời câu châm ngôn “Tử Gia Cát năng tẩu sinh Trọng Đạt” (Gia Cát chết còn dọa được Trọng Đạt sống) từ đó. Nhưng xét cho cùng, Tư Mã Ý đã thắng, thắng nhờ biết mình, biết đối thủ!

Và có lẽ sau đó, những chiến thắng của Ý trong mặt trận chính trị trong nước chẳng có gì đáng nói: giả già lừa Tào Sảng, cướp lấy binh quyền họ Tào, đánh bại Gia Cát Đản, bởi những kẻ đó đâu xứng là đối thủ của Tư Mã Ý. Có lẽ cả đời Ý chỉ phục có Gia Cát mà thôi.

Còn câu kết nói về Ý, đúng là nhớ lại câu mà sư huynh Đức Dũng có nhắc nhở mình “Quyền bính trong tay nặng quá, gỡ ra không được, cẩn trọng kẻo chết ba họ“. Và những thế hệ sau của họ Tư Mã đã hoàn thành ý nguyện của Ý, đoạt binh quyền, thống nhất Trung Hoa.

Còn nữa…

Đang tìm nhân vật cho kỳ sau. Ai recommend cho mình một nhân vật với nhỉ?

Những nhân vật hay nhất trong Tam Quốc Diễn nghĩa (Phần 6)

Chu Công Cẩn: Trời đã sinh ra Du, sao còn sinh ra Lượng 

 

Dạo này tôi cũng chưa có hứng viết blog, nhưng nhận được comment của một sư huynh (vốn là bạn hữu trà đá từ hồi còn vạ vật ở 334 Nguyễn Trãi) muốn tiếp tục đàm đạo về Chu Du, về Tư Mã Ý nên cố gượng ép mình viết vậy. Dẫu biết rằng mạch văn chẳng thể gượng ép được, nhưng thấy thịnh tình bạn hữu xa cách lâu ngày nên cũng cố khuya bàn phím vậy.

Có lẽ Chu Du là một trong số ít các nhân vật đặc sắc thuộc hàng ngũ Đông Ngô, một nhân vật đặc sắc cả về văn học và lịch sử, người đã góp phần quan trọng vào chiến thắng Xích Bích chia ba thiên hạ. Với những cuộc tranh đấu với “tri kỷ” Gia Cát Khổng Minh, Chu Du bị người đời gán cho cái “mác” là “hẹp hòi, ghanh ghét tài năng”, nhưng với tôi, Chu Du không phải con người như vậy (xin xem bài viết trước nói lên quan điểm của tôi về sự tranh đấu giữa Chu Du và Gia Cát LượngBản đồ Trung Hoa thời Tam Quốc ! )

 

 

Mở đầu cho cuộc đàm đạo về Chu Du, tôi lại muốn cùng mọi người đọc lại bài thơ Xích Bích hoài cổ” của Đỗ Mục vịnh về bãi sông Xích Bích, nơi diễn ra trận chiến Xích Bích nổi tiếng trong lịch sử, trận chiến đã đưa hai nhân vật Chu Du và Gia Cát Lượng bước vào trận chiến thật sự để tranh đoạt thế “Thiên hạ tam phân”:

Chiết kích trầm sa thiết vị tiêu, 

Tự tương ma tẩy nhận tiền triều.

Đông phong bất dữ Chu Lang tiện,

Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều.

Dịch thơ là:

Dưới cát gươm chìm sắt chửa tiêu

Mài rũa lắng nghe việc tiền triều

Gió đông nếu chẳng vì Công Cẩn

Đồng Tước đêm xuân khóa hai Kiều

Vâng, đúng là “Gió đông nếu chẳng vì Công Cẩn“, thì chẳng biết liên minh Tôn – Lưu có chống nổi 83 vạn tào binh hùng mạnh hay không, và chẳng biết Chu Công Cẩn có còn giữ nổi vị trí để tạo ra những cuộc tranh đoạt đầy thú vị với Ngọa Long cho hậu thế chúng ta cùng ngồi tán thưởng nữa hay không?

Chu Du tên chữ là Công Cẩn, vốn là anh em kết nghĩa với Tôn Sách (Tôn Bá Phù). Trời cho cái duyên cho 2 anh em kết nghĩa ấy lấy được 2 cô hoa hậu xứ Giang Đông thời đó là Đại Kiều (Tôn Sách) và Tiểu Kiều (Chu Du) con của Kiều Quốc Lão. Du vốn là người tài hoa, văn võ song toàn. Là một đại tướng nhưng Chu Du say mê âm nhạc. Có lần, Chu Du mời một kĩ nữ đàn tranh nổi tiếng đến biểu diễn. Kĩ nữ rất vui mừng, hồi hộp được mời, được phục vụ bậc anh hùng nổi tiếng nhất xứ Đông Ngô. Khi cô đàn, Chu lặng nghe, nhắm nghiền mắt. Nhưng cô lại muốn Chu vừa nghe đàn vừa nhìn ngắm sắc đẹp của cô. Cô nghĩ ra mẹo: gẩy sai một nốt nhạc, thế là Chu Du bừng mắt, cau mặt nhìn kĩ nữ như oán trách. Cô rất thích thú, lại gảy tiếp thật hay. Thi thoảng cô lại dùng mẹo ấy. Ai giỏi nhạc hơn ai, kĩ n��
� hay Chu
Công Cẩn? Cuộc gặp gỡ giữa một nhà nghệ sĩ biểu diễn và một nhà phê bình âm nhạc. Mỗi người đều có năng lực âm nhạc khác nhau. Và bài thơ của nhà thơ đời Đường Lĩ Đoan chính là miêu tả câu chuyện này:

Minh tranh kim túc trụ

Tố thủ ngọc phòng tiền

Dục đắc Chu lang cố

Thời thời ngộ phất huyền

(Minh Tranh, Lý Đoan)

Tác giả Phùng Hoài Ngọc dịch là:

Đàn minh tranh phím trụ vàng,

Bàn tay trắng đẹp của nàng trên dây

Muốn chàng quay mặt nhìn đây

Bồn chồn thi thoảng gẩy sai cung đàn.

Một vị tướng tài năng lại có tâm hồn nghệ sĩ như vậy, ắt không thể là người có bụng dạ hẹp hòi như thiên hạ vẫn lầm tưởng rằng Du vẫn ghanh ghét tài năng với Ngọa Long Gia Cát, tôi tin là như vậy!

Chu Du vì hận Tào Tháo có ý lăm le đoạt nàng Kiều của mình, quyết tâm đem tướng sĩ Đông Ngô một phen, đó là cái ý mà người thường dễ nhận ra, nhưng thực ra, Du hiểu rằng cuộc chiến với Tào Tháo là tất yếu nếu muốn giữ cơ nghiệp của Giang Đông. Bởi lẽ, với lũ mưu sĩ quan văn hèn nhát, hàng Tào Tháo thì sẽ có lợi cho họ, nhưng với những người có chí khí thuộc tầng lớp thân tộc họ Tôn nếu đầu hàng Tào Tháo tất sẽ bị giết để tránh mầm họa, đó là nguyên nhân sâu xa khiến Du cùng Tôn Quyền quyết tâm liên minh với Lưu Bị đánh Tào.

Một mẹo tương kế tựu kế của Du lừa Tưởng Cán khiến cho Tháo lập tức chém 2 tướng tài Sái Mạo và Trương Doãn (hai hàng tướng thủy quân của Kinh Châu), rồi dùng “Khổ nhục kế” sai Hoàng Cái trá hàng Tào… đủ thấy tài năng của Du rồi, chẳng cần bàn nhiều nữa!

Một người hết lòng vì chủ như Du, tất nhìn thấy cái mầm họa Ngọa Long – Lưu Bị, một con rồng đang nằm ngủ, nay thức giấc được đất Kinh Châu, được minh chủ biết sử dụng như Lưu Hoàng thúc, có lẽ gì chẳng dựng lên nghiệp lớn, đe dọa cơ nghiệp của Giang Đông. Chính vì thế, Du chẳng ngại ngần gì việc cắt cái mầm họa Lưu Bị – Gia Cát, đừng nên gán cho vị tướng quân này cái mác ghanh ghét nhân tài. Nếu Du ganh ghét, chắc chắn đã không cho Gia Cát Cẩn đi thuyết phục Gia Cát Lượng về phục vụ cho Tôn Quyền, chỉ trách rằng Gia Cát Cẩn tài năng chỉ bằng một góc em mình, không những chẳng hoàn thành việc được giao, trái lại còn thành trạng thái tạm gọi là “nhục mệnh vua“. Có lẽ đây là một bằng chứng duy nhất cho thấy Công Cẩn chẳng hề ganh ghét với Ngọa Long chút nào. Nhưng ta luôn thấy Công Cẩn thực sự biết tài mình còn thua xa Ngọa Long và thực sự thán phục Ngọa Long sau khi liên tiếp thất bại trong các cuộc đấu trí và đã bao lần than rằng:

– Gia Cát Lượng thật là thần cơ diệu toán, ta thật không bằng! (Hồi 46, Gia Cát Lượng nhân sương mù lấy tên của Tào Tháo)

Núi Xích Bích - Nơi diễn ra trận Xích Bích

Bi kịch của việc ngàn năm chẳng thanh minh được với hậu thế của Công Cẩn đơn giản từ một điều “Khổng Minh quá tài năng, lại chẳng bỏ Lưu về với Tôn, sẽ là đe dọa cho Tôn” mà thôi. Cái bi kịch ấy được đẩy lên đỉnh điểm với việc Ngọa Long “cầu” được gió đông, giúp cho Công Cẩn đang nằm bệnh vì lo gió đông bỗng chốc choàng dậy điều binh khiển tướng đánh bại Tào trong trận Xích Bích, đưa Du lên hàng ngũ những chiến tướng vĩ đại nhất thời Tam Quốc:

Muốn đánh giặc Tào

Phải dùng hỏa công

Muôn việc đủ cả

Chỉ thiếu gió đông

(Hồi 49)

Và Chu Du nghĩ rằng:

“Người này có phép đoạt được trời đất, hơn cả quỷ thần, nếu không trừ khử đi sau này tất nhiên gây hại cho Đông Ngô ta…” (Hồi 49)

Và sau đó, Chu Du đau lòng nhìn tập đoàn Lưu Bị chẳng tốn một tên quân, một mũi tên hòn đạn đoạt Kinh Châu ngay trước mắt mình, củng cố thế lực vững chắc, trong khi mà quân sĩ của Du hi sinh c��
� ngàn người, bản thân Du cũng bị trúng tên của Tào Nhân, và đây là một điểm báo cho chết của Du, chết một cách uất ức sau khi liên tiếp thất bại trong những cuộc đấu trí khác, nào là Chu Du bị vây khốn ở Kinh Châu khi định dùng kế “mượn đường giệt Quắc” giả đi đánh Tây Thục để cướp Kinh Châu, rồi định dùng em gái Tôn Quyền để nhử Lưu Bị hòng đánh đổi Kinh Châu nhưng đều bị Khổng Minh tương kế tự kế phá hỏng, đến nối mà:

“Chu Du kế giỏi yên thiên hạ

Đã mất phu nhân lại thiệt quân” (Hồi 55)

Câu thơ của Khổng Minh sai quân sĩ đọc nhân việc Lưu Bị ung dung cắp cô em gái xinh như mộng của Tôn Quyền về Kinh Châu trong sự căm tức của Chu Du làm cho mâu thuẫn giữa hai người đẩy lên đỉnh điểm, và sau đó là cái chết của Chu Du. Ai cũng nghĩ Chu Du chết một cách tức tưởi, nhưng thực ra ông chết cũng vì hết lòng lo cho Đông Ngô bởi thế lực của Lưu Huyền Đức ngày một mạnh, đang đe dọa vị trí của Đông Ngô. Và lời than vãn cuối cùng của Chu Du đã trở thành nổi tiếng ngàn năm:

“Trời đã sinh ra Du, sao còn sinh ra Lượng”

Nó cũng khiến cho chúng ta vẫn nghĩ rằng Công Cẩn vì ganh ghét với Khổng Minh mà chết. Mong mọi người hãy rộng lượng với Chu Du, ông ta không phải con người như vậy đâu, tôi tin như thế. Chu Du hết lòng lo lắng cho vận mệnh của Đông Ngô đến nối chết lúc còn khá trẻ (ông chết khi chỉ có 36 tuổi), hình như đó cũng là số mệnh của những vị tướng Đông Ngô luôn yểu mệnh: Tôn Kiên, Tôn Sách, Chu Du, Lã Mông, Lục Tốn…

Xin thưa với mọi người, chẳng phải Gia Cát Lượng là người gây ra cái chết của Chu Du đâu, nếu có chăng, thì đó chính là chủ của ông ta: Tôn Quyền. Lòng tham của Tôn Trọng Mưu thật quá đáng, ông ta làm chủ một vùng Giang Đông rộng lớn, giàu có, lại có Trường Giang hiểm trở làm bình phong, lại vẫn cố tham một mảnh đất Kinh Châu mà ai cũng muốn tranh đoạt. Cái lòng tham ấy đã khiến cho Chu Du phải tận lực, quyết giành lại để vừa lòng chủ. Nếu Tôn Quyền không quá tham lam quyết giành bằng được Kinh Châu, chắc hẳn Chu Du không bị chết sớm một cách tức tưởi như vậy. Có thể nói, Du giống Lượng ở chỗ, cả hai đều hết lòng vì chủ, chết khi mà tận sức mình vì chủ.

Hồi nhỏ, khi tôi mới đọc Tam Quốc, cũng từng nghĩ rằng Chu Du thật nhỏ nhen, ghen ghét với Gia Cát để rồi chết uất ức, nhưng rồi càng đọc tôi càng hiểu rằng, mình nghĩ về Chu Du như thế thì cũng thật nhỏ nhen, hãy rộng lượng một chút với Công Cẩn. Bản thân Gia Cát từng bao lần chết hụt vẫn một lòng rộng lượng với Công Cẩn cơ mà:

Thương ôi Công Cẩn, làm sao sớm khuất,

Ðành lẽ số trời, ai ai cũng xót

Lượng tôi tới đây, kính dâng ly rượu

Anh có linh thiêng xin về chứng giám

Nhớ xưa đi học, chơi với Bá Phù

Nhường cơm sẽ áo, một lòng thương nhau

Nhớ anh còn trẻ, chí cả ngàn trùng

Vẫy vùng một cõi, độc lập Giang Ðông

Quyền cao chức trọng, trấn gi Ba Khâu

Khiếp oai Lưu Biểu, đẹp dạ Ngô Hầu

Diện mạo như ngọc, Tiểu Kiều đẹp đôi

Rể tôi nhà Hán, hỏi được mấy người?

Anh hùng cái thế, chẳng chịu qui Tào

Trời xanh vổ cánh đại bàng bay cao

Phong tư cốt cách, Tưởng Cán ng ngàng

Hết đường thuyết khách, nói cười như không

Thương anh lừng lẩy, văn võ kiêm toàn

Hỏa công một trận, Xích Bích lừng vang

Làm sao sớm khuất, ai hi Chu Lang

Lượng tôi đau xót, huyết lệ hai hàng

Sống đ trung nghĩa, mất được thảnh thơi

Tuổi thọ ba chục, danh lưu muôn đời

Lòng tôi bối rối, vạn mối tơ vò

Tâm nầy lửa đốt, ruột héo gan khô

Giang Ðông tang tóc, ba quân bàng hoàng

Chúa thời tuôn lệ, bạn thời khóc than

Lượng tôi những tính nương tựa vào nhau

Giúp Lưu phò Hán, cùng Ngô phá Tào

Gây thế ỷ dốc, sớm hôm bàn mưu

Lượng tôi kém cỏi, mong trông cậy nhiều

Nào ngờ Công Cẩn, sớm khuất từ đây

Mênh mang chính khí, trời thẳm đất dầy

Anh linh chứng dám, rủ thương lòng này

Từ nay tri kỷ,biết ngỏ cùng ai ?

Thương ôi, có thiêng, xin về thượng hưởng….

Cho lời kết của bài này, tôi lại nói rằng nếu Chu Du và Gia Cát Lượng cùng phục vụ cho một chủ, hai người sẽ là những người bạn tốt của nhau, bởi họ cực kỳ hiểu nhau và đều có lòng vì chủ, vì nước cả. Thực sự, xét về tài năng cầm quân, Du chẳng kém gì Lượng cả, có chăng Du kém Lượng ở một cái đầu phân tích và con mắt tổng quát. Thực sự, Du chưa phải là một đối thủ xứng tầm của Gia Cát, đối thủ xứng tầm của Gia Cát chính là Tư Mã Trọng Đạt kia!

Còn nữa (Bài sau sẽ nói về Tư Mã Ý)…

Những nhân vật hay nhất trong Tam Quốc Diễn nghĩa (Phần 5)

Ngọa Long: Từ nay ta không còn được ra trận đánh giặc nữa. Trời xanh thăm thẳm, hận này biết bao giờ nguôi! 

 

Gia Cát Khổng Minh là nhân vật lịch sử của Trung Hoa, là người được dựng lên nhiều huyền thoại nhất thời Tam Quốc. Trong thực tế, tất nhiên Gia Cát Lượng ngoài đời chẳng thần nhân như trong Tam Quốc Diễn nghĩa, tuy nhiên, đây đúng là một con người huyền thoại, được người dân Trung Quốc tôn thờ như một vị thần thánh và coi như là một trong những tượng đài trí tuệ 5000 năm lịch sử của Trung Hoa. Không phải vì chuyện Tam quốc Diễn nghĩa hay mà người Trung Hoa thần thánh hóa ông như vậy mà chính bản thân con người thật của Gia Cát Lượng đúng là một con người của tài năng, đức độ. Suốt mấy nghìn năm, người dân Tứ Xuyên vẫn thờ Gia Cát Võ Hầu, cung kính gọi ông là Võ Hầu bởi công đức của Võ Hầu đối với người dân vùng Tứ Xuyên vậy. 

Tranh vẽ cổ tả chân dung Gia Cát Lượng

Võ Hầu vốn họ Gia Cát (諸葛), tên là Lượng, tự là Khổng Minh, sinh năm 181, cùng năm sinh với Hán Hiến đế Lưu Hiệp. Khổng Minh mồ côi cha mẹ từ thưở nhỏ, có anh trai là Gia Cát Cẩn làm mưu sĩ cho Tôn Quyền xứ Đông Ngô, và có một em là Gia Cát Quân (chỉ ẩn cư làm ruộng). Gia Cát Lượng vốn quê ở vùng Sơn Đông (gần với quê Khổng Tử), sau đó theo chú là Gia Cát Huyền làm quan ở Kinh Châu dưới trướng Lưu Biểu nên dời đến Nam Dương. Sau một thời gian giúp chú làm quan, Lượng chán cảnh quan trường, bỏ về vùng Long Trung, cày ruộng, đọc sách ngao du sơn thủy. Khổng Minh dựng lều tranh ở đồi Ngọa Long, nên lấy danh hiệu mình là Ngoại Long tiên sinh, thường thích ngâm bài “Lương phụ ngâm“, là một bài ca dao xứ nước Tề xưa:

Tề thành bên cửa dừng chân

Trông vời có phải Đãng Âm phía này

Phải rằng ba mộ còn đây

Rưng rưng chợt hiện chuyện ngày xa xưa

Hỏi quanh: Ai đó bây giờ ?

Điền Cương, Cổ Dã sức dư muôn người

Nam Sơn đủ sức chuyển dời

Ngờ đâu tuyệt địa, ngậm ngùi tài trai

Giữa triều quỉ kế đặt bày

Hai đào ba mạng chuyện này lạ sao!

Hỏi ai bày vẽ mưu sâu

Án Anh tướng quốc đứng đầu Tề quan.

Bài ca dao kể về chuyện quan tướng quốc nước Tề là Án Anh (dưới triều vua Tề Cảnh Công, cách Khổng Minh khoảng 700 năm) bày mưu giết 3 tráng sĩ công lao hiển hách, sức khỏe hơn người, nhưng ba tráng sĩ này đã cậy công lao, suýt gây loạn triều đình.

Chuyện Khổng Minh cưới vợ cũng đã là một chuyện gây hài hước ở xứ Nam Dương. Vợ Khổng Minh là con gái của ẩn sĩ Hoàng Thừa Ngạn, là bạn vong niên với Ngọa Long. Hoàng Thừa Ngạn đã tự mình nói với Ngọa Long rằng “Tôi có một đứa con gái, tuy xấu xí, mắt vàng, mình thấp, nhưng phẩm hạnh và trí tuệ có thể là một cặp với anh“. Nhận lời không do dự, và A Thừa, con gái Hoàng Thừa Ngạn trở thành người bạn trăm năm với Khổng Minh, cho đến lúc chết không có một lời chê trách nào. Dân Nam Dương có câu vè rằng:

Đừng học Khổng Minh cách cưới vợ

Chỉ được A Thừa gái xấu kinh

(Trần Thọ, Tam Quốc Chí)

Chuyện một người thông minh tuyệt đỉnh, đẹp trai hào hoa như Ngọa Long, chịu lấy một bà vợ như vậy, quả là một chuyện lạ! Và chính bà A Thừa này đã giúp Ngọa Long rất nhiều trong việc nâng cao học thức và kiến thức thực tế.

Người đời còn ngoa hơn, khi nói rằng, Khổng Minh chỉ ngồi khểnh lều tranh, đã biết thiên hạ chia ba, biết mọi chuyện trong thiên hạ. Thực ra không hẳn vậy, ta nhớ lại khi Lưu Bị lần đầu đến thảo lư, tiểu đồng của Ngọa Long từng trả lời rằng “Thầy tôi đi ngao du thiên hạ, khi thì trên bến dưới thuyền, khi thì đàm đạo với các nhà sư, khi thì lang bạt thăm bạn hữu, nhanh thì dăm ba bữa, chậm thì vài ba tháng có khi cả năm mới về…“. Đó là cách mà Ngọa Long học tập và thu thập thông tin trong thiên hạ. Vì thế, đừng nên nói rằng, Khổng Minh chỉ nằm khểnh nhà mà dám tự phụ sánh mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị, những vị thừa tướng, đại tướng tài ba thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Chỉ có những người bạn của Ngọa Long, mới công nhận Ngọa Long không hề tự phụ khi nói vậy, thậm chí Tư Mã Huy còn ví Ngọa Long với Trương Lương và Khương Tử Nha. Quả thật, một người mới chỉ 27 tuổi, làm quân sư trong vòng có hơn chục năm, đưa một người từ địa vị thất bại như Lưu Bị thành một ông hoàng đế nước Thục quả cũng xứng đáng với những lời tán thưởng trên của người đời.

Khổng Minh lần đầu cầm quân, đã đốt cháy đội quân tinh nhuệ của Hạ Hầu Đôn ở đồi Bác Vọng khiến cho quân Tào khiếp vía, sang Đông Ngô một mình khuya lưỡi biện bác đánh bại gần chục mưu sĩ đớn hèn của Đông Ngô muốn đầu hàng Tào Tháo, nói khích Chu Du, Tôn Quyền để họ quyết ý liên minh với Lưu Bị đánh Tào, rồi nhân lúc trai cò cắp nhau ngư ông đắc lợi, thừa lúc Chu Du – Tào Tháo nện nhau chí tử, lấy Kinh Châu không tốn một tên quân hay một mũi tên hòn đạn quả là đáng phục lắm thay. La Quán Trung mô tả Gia Cát Khổng Minh “có tài đoạt được trời đất, có phép tài như quỷ thần” (lời Chu Du) với tài hô mưa gọi gió, cầu gió đông nam, đem lại gió đông cho Chu Công Cẩn đánh bại Tào Tháo, bảo vệ Nhị Kiều khỏi “Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều“. Thực chất Khổng Minh đã nói với Lỗ Túc ngay từ đầu mà Chu Du đâu có hiểu “Làm tướng mà không thông thiên văn, chẳng tường địa lý, không thông trận pháp chỉ là tướng xoàng“. Cái việc Khổng Minh cầu gió đông chẳng qua chỉ là làm tăng cái vẻ thần bí, làm tăng vị thế của mình mà thôi, chứ thực ra Gia Cát Lượng vốn đã biết thời tiết sẽ có gió đông nam vào những ngày đó. Các sử gia đời sau không tin sử liệu cũ, cho rằng chi tiết Khổng Minh đoán trước thời tiết là vô lý vì Khổng Minh quê ở Nam Dương, sao biết được thời tiết xứ Giang Nam. Thực ra, Khổng Minh tuy sinh ra ở Nam Dương, nhưng tuổi thơ và thời thanh niên lang thang đây đó học đạo, việc biết thời tiết xứ Giang Đông chẳng có gì là lạ cả. Khổng Minh hơn Chu Du ở cái nhạy cảm đó.

Và rồi, Khổng Minh cứ như một ông thánh sống, chỉ nghe đến Khổng Minh, người ta nghĩ đến thế nào cũng có quỷ kế (đến gian manh như Tào Mạnh Đức cũng ghê răng với chú họ Gia Cát này): nào là 3 lần trêu tức Chu Du, mượn Kinh Châu, đoạt Ba Thục, chiếm Hán Trung, rồi 7 lần bắt-tha Mạnh Hoạch, sáu lần ra Kỳ Sơn, bày bát trận đồ vây Lục Tốn, một mình gảy đàn đuổi Tư Mã Ý, chết rồi vẫn còn dọa Tư Mã Ý chạy chối chết (Tử Gia Cát năng tẩu sinh Trọng Đạt), rồi hiển thánh núi Định Quân, dự đoán trước việc Đặng Ngải – Trung Hội tranh công nhau mà chết… Những điều ấy khiến người ta cảm nhận về một Khổng Minh như một đạo sĩ tài phép, có mưu kế xuất quỷ nhập thần. Quả thật, đọc Tam Quốc, ta thấy Khổng Minh là nhân vật duy nhất luôn được kẻ thù tán thưởng: nào là “Khổng Minh quả là kỳ tài, ta thật không bằng“, “ có tài đoạt được trời đất, có phép tài như quỷ thần ” (Chu Du), hay “Khổng Minh quả thật là Ngọa Long, ta thực kém xa lắm” (Lục Tốn), “Người này mới thực là kỳ tài thiên hạ” (Tư Mã Ý)… Mỗi khi ai đó thua Khổng Minh, họ đều tự hiểu tài của Khổng Minh và than trời tự trách mình tài năng thua Gia Cát. Đỉnh điểm đó là lời than còn vọng đến ngàn thu của Chu Du “Trời đã sinh ra Du, sao còn sinh ra Lượng“.

Hình ảnh huyền thoại của Không Minh với áo cánh hạc, quạt lông, khăn lượt

Khổng Minh được đời sau ca tụng nhiều không chỉ ở tài cầm quân hay kế xuất quỷ nhập thần, trong lịch sử, ông là một nhà chính trị vĩ đại, giúp ổn định nước Thục. Theo Lưu Bị vào Xuyên, Gia Cát Lượng xây dựng đất Ba Thục từ một nơi lộn xộn, không còn pháp luật thành một xứ giàu có của Trung Hoa, lòng dân ổn định. Ông biết nghe lời những người trung nghĩa như Triệu Vân, đem ruộng đất tốt trả cho dân chúng, dùng thuật đánh vào lòng người, ổn định tình hình miền Nam (7 lần bắt tha Mạnh Hoạch). Dân chúng vùng Vân Nam, Quý Châu nhớ đức Gia Cát đến mức lập đền thờ Gia Cát, gọi là “Cha Hiền”. Nhiều người khi đọc xong Tam Quốc, thường cho rằng Khổng Minh không biết đào tạo người kế tục, nhưng thực tế không phải vậy. Trong cuốn sử Tam Quốc Chí của Trần Thọ, Trần Thọ đã ghi lại việc Khổng Minh đào tạo và trọng dụng bao người tài xứ Tây Thục: nào là Tưởng Uyển, Phí Vĩ, Đổng Doãn ở tài trị quốc, Đặng Chi ở tài ngoại giao, Khương Duy, Liêu Hóa, Trương Dực, Mã Đại, Ngụy Diên những tướng tài cầm quân… Nước Thục bị mất không phải ở việc Khổng Minh không đào tạo nhân tài mà do lỗi của Lưu Thiện mà thôi. Hơn nữa, không ai có đủ tài được như Gia Cát cả. Việc một người có tư thù với Khổng Minh là nhà sử học Trần Thọ (cha có thù với Gia Cát Lượng) viết một cách công tâm ca ngợi ông càng cho thấy công đức của Gia Cát Lượng với nước Thục như thế nào. Ta nhớ lại câu chuyện 2 người là Lý Nghiêm và Liêu Lập. Lý Nghiêm là một người được Lưu Bị ủy thác cùng gánh vác với Khổng Minh trách nhiệm giúp nước Thục, Lý Nghiêm phụ trách việc quân lương, vì gian dối giả tin “Đông Ngô vào cướp nước” để Khổng Minh đang liên tiếp thắng trận tại Kỳ Sơn phải rút về. Hậu chủ Lưu Thiện giận muốn giết, Khổng Minh xin tha, giáng xuống làm thứ dân, dùng con của Nghiêm là Lý An thay chức. Liêu Lập là người có tài, nhưng luôn tự phụ khinh người, hống hách không coi ai ra gì, còn tự nhận là “Khổng Minh thứ 2”, bị Khổng Minh cách chức đuổi đi. Đến khi Khổng Minh mất, hai người này đau buồn đến chết là vì sao? Đơn giản vì họ hiểu rằng nếu Khổng Minh còn sống thì họ còn có cơ hội được trọng dụng, chứ nếu Khổng Minh chết đi thì không ai biết tài và tha thứ cho họ cả. Tài và đức của Khổng Minh là ở chỗ đó. Khổng Minh đem quân bình nam, đánh Mạnh Hoạch, bảy lần bắt bảy lần tha (thất cầm túng Mạnh Hoạch), đánh vào nhân tâm làm cho người nam cảm ân đức suốt đời không phản lại, đó chẳng phải là tài năng xuất chúng sao? Ta nhớ lại chuyện Đông Chu Liệt Quốc, Quản Trọng đưa Tề Hoàn Công lên làm bá chủ chư hầu đều là việc đánh vào nhân tâm cả, vậy Khổng Minh cũng đáng so với Quản Trọng lắm chứ? Nhạc Nghị làm tướng nước Yên, đánh bại nước Tề, đưa Yên Chiêu Vương lên làm chủ chư hầu, Khổng Minh đem 1/3 giang sơn Trung Hoa loạn lạc thành nước Thục giàu có cho họ Lưu, cũng đâu kém Nhạc Nghị? Việc ngồi trong tướng phủ, vạch kế sách đánh bại năm đạo quân xâm chiếm nước Thục vừa có tang, hóa phải Nhạc Nghị dễ dàng mà làm được?

Có thể nói, trong suốt cuộc đời mình, Gia Cát Lượng có 3 cái sai lầm lớn:

– Đã không sớm nhìn ra con người vũ phu của Quan Vũ, để làm mất Kinh Châu, Quan Vũ bị giết dẫn đến việc tan vỡ liên minh Lưu-Tôn.

– Không kiên quyết can ngăn Lưu Bị đánh Đông Ngô, dẫn đến việc 60 vạn quân Thục bị đốt chết ở Hào Đình, nguyên khí nước Thục bị tổn thất nặng nề, khó lòng khôi phục được.

– Sai lầm sử dụng Mã Tốc ở trận Nhai Đình làm mất vị trí trọng yếu, khiến cho việc ra quân của quân Thục trở nên rất khó khăn.

Và rồi, dù đã cố gắng hết mình nhưng

Kỳ Sơn chỏ ngọn cờ đào

Một tay mong chống trời cao ngàn trùng

Ngờ đâu vận đã cùng khôn gượng

Nửa đêm gò Ngũ Trượng sao sa…

Khổng Minh cố gắng vì nước đến chết mới thôi. Đến lúc sắp chết vẫn còn sắp xếp mọi chuyện an bài cho nước Thục. Lời cuối cùng của Khổng Minh thật là xúc động, khiến tôi cảm phục ông từ khi tôi mới chỉ là một chú bé con còn chưa hiểu hết chuyện đời: “Từ nay ta không còn được ra trận đánh giặc nữa, trời xanh thăm thẳm, hận này biết bao giờ nguôi“. Khổng Minh chết đi, để lại bao đau đớn cho tướng sĩ nước Thục, Hậu chủ Lưu Thiện xem xét gia sản của ông thì quả thực đúng như lời ông dâng biểu về trước khi lâm chung, nhà ông thật thanh đạm, Khổng Minh không hề đem quyền thế của mình để biến nhà mình thành một gia tộc giàu có mà trái lại bắt con cháu mình tự làm ăn nuôi thân. Khổng Minh chết khiến bao người Thục đau buồn, có người tự vẫn mà chết (tiêu biểu là Liêu Lập và Lý Nghiêm). Khổng Minh chết đi vẫn để lại cho đời bao di sản: nỏ liên châu (bắn 10 mũi tên một lúc), công trình trâu gỗ ngựa máy (giúp việc vận tải trở lên nhẹ nhàng hơn), Bát trận đồ, Xuất sư biểu (áng văn vẫn được coi là một trong những thiên cổ hùng thư của Trung Hoa, một biểu xin ra trận thật xúc động lòng người và đầy hùng khí), Âm phù kinh… Người đời sau mãi mãi ca tụng Gia Cát, các đối thủ của ông cũng thương tiếc ông. Hình ảnh Gia Cát Khổng Minh với “áo cánh hạc, đầu đội khăn lượt, tay cầm quạt lông, ung dung thanh thoát như một vị tiên” đã trở thành hình ảnh bất tử của Khổng Minh (có nhiều đạo sĩ tu tiên đời sau đem hình tượng Võ Hầu để tôn thờ làm vị thánh Đạo Giáo). Người xứ Tây Xuyên hàng ngàn năm sau khi Võ Hầu mất, vẫn còn giữ tục đội khăn trắng để tưởng nhớ Võ Hầu. Quả thật, Khổng Minh xứng đáng là “Vạn đại quân sư”, xứng đáng được người đời tán thưởng. Bài viết này kết thúc với bài thơ của Đỗ Phủ (nhà thơ sau Khổng Minh hơn 600 năm) viếng Khổng Minh ở đền thờ của Gia Cát Võ Hầu ở xứ Tây Xuyên.

Thục tướng từ đường hà xứ tầm

Cẩm quan thành ngoại bách sâm sâm

Ánh giai bích thảo tự xuân sắc

Cách diệp hoàng ly không hảo âm

Tam cố tần phiền thiên hạ kế

Lưỡng triều khai tế lão thần tâm

Xuất sư vi tiệp thân tiên tử

Trường sử anh hùng lệ mãn khâm

Tạm dịch:

Đền thừa tướng ở đâu đây

Mé ngoài thành Cẩm mấy cây bách già

Cỏ xuân ánh mặt thêm hoa

Oanh vàng trong lá hững hờ véo von

Vì dân ba lượt tìm luôn

Hai triều giúp rập tấc son lão thần

Quân chưa thắng đã từ trần

Anh hùng nhớ đến lệ tràn thấm khăn

Đền thờ Gia Cát Lượng ở Thành Đô, Tứ Xuyên

 

Còn nữa…

Bài sau sẽ nói về 2 đối thủ của Gia Cát Khổng Minh: Chu Du (Chu Công Cẩn) và Tư Mã Ý (Tư Mã Trọng Đạt)

Gia đình ni cô Nghi Lâm – Giá trị của sự nhân bản

Gia đình ni cô Nghi Lâm – Giá trị của sự nhân bản

Nếu ai đó nói, cửa Phật cấm thất tình nhục dục, xin hãy xem lại. Tôi còn nhớ khi xem phim Bao Thanh Thiên, Bao Thanh Thiên có nói rằng “Nếu cửa phật không còn chỗ cho tình cảm, cho những giọt nước mắt thì sao có thể phổ độ chúng sinh được“. Xét cho kỹ, thấy lời của Bao Công nói cũng thật chí lý. Bởi vì xét ra, giá trị cao nhất của con người là tình cảm, mà cửa Phật hướng con người ta vào chữ “Thiện” mà diệt đi tình cảm thì sao có thể trở thành tôn giáo lớn nhất ở Phương Đông?

Tôi cũng là một người mê đọc tiểu thuyết Kim Dung đến cuồng nhiệt, đọc đến mức “hơi nhiễm”. Và cái mà tôi vẫn tâm đắc nhất khi đọc Kim Dung là cái nhân bản trong cái xã hội giang hồ trong tiểu thuyết kiếm hiệp. Và gia đình của nàng tiểu ni cô Nghi Lâm và mối tình câm lặng của nàng là đỉnh cao của cái nhân bản ấy.

Gia đình ấy gồm: Hòa thượng bất giới, Á bà bà trong Hằng Sơn, ni cô Nghi Lâm. Liệu ta có thể gọi họ là một gia đình không? Tại sao lại có một gia đình mà toàn là ni cô với hòa thượng vậy? Cái gia đình ấy xuất phát từ một con người kỳ quặc, Bất Giới hòa thượng, thưở xưa lão chẳng phải là hòa thượng gì, bất ngờ gặp một ni cô, ngay lập tức lão “điên đảo thần hồn và ngỏ lời muốn lấy nàng làm vợ“, lão yêu nàng với một tình yêu thật sự và tự nguyện trở thành một hòa thượng để được gần nàng với lý luận “Ta quyết ý lấy má má ngươi làm vợ chứ không phải là má má ngươi muốn lấy ta. Nếu để Đức Bồ Tát trách phạt má má ngươi, làm phiền lụy nàng sau khi chết thì thật tệ bạc với nàng vì thế ta xuất gia làm hòa thượng để sau này đức Bồ Tát có trách phạt thì hai vợ chồng ta cùng chịu dưới địa ngục” (xem Tiếu Ngạo Giang Hồ, Hồi 203). Vậy là mối tình giữa một hòa thượng và một ni cô bén duyên từ đó. Lão lấy pháp hiệu là Bất Giới, có nghĩa là hòa thượng không theo giới luật nào cả. Khi đọc đến đoạn này, tôi thực sự bị Tiếu Ngạo giang hồ làm cho mê hoặc bởi có lẽ ngoài Kim Dung ra, chưa từng có nhà văn nào dám “to gan” cho hòa thượng và ni cô yêu nhau, và còn cho họ có con cả. Xét cho cùng, Phật giáo sinh ra chẳng phải để mang con người ta về với Phật tổ, về cõi niết bàn (ta nhớ rằng đỉnh cao của giác ngộ trong Phật giáo là hình ảnh lưng thắt bầu rượu dạo chơi giữa chợ), cũng chẳng phải để đem con người ta ngày ngày gõ mõ tụng kinh, mà cái cuối cùng là để con người ta hướng đến cái thiện, làm cho con người sống ở đời yêu thương nhau. Vậy cớ gì Phật tổ hay Bồ Tát lại nỡ lòng quở trách đôi tình nhân kỳ lạ này? Có lẽ nếu ta đem đặt mối tình này lên bàn thế sự trong cái xã hội giang hồ trong tiểu thuyết Kim Dung, sẽ có rất ít người ủng hộ họ, số người ấy liệu có ai ngoài Hoàng Dược Sư, Phong Thanh Dương, Lão Ngoan đồng Chu Bá Thông, là Tiêu Tương Dạ Vũ Mạc Đại tiên sinh, là cặp vợ chồng Lệnh Hồ Xung-Doanh Doanh, là Võ Đang Tổ sư Trương Chân Nhân… và ở đời thực, tôi cũng nằm trong số người ủng hộ và cầu chúc cho tình yêu của họ. Có lẽ đức Bồ Tát bắt phạt hai người họ bằng cách khiến cho ni cô kia ghen đến mức vô lý với Ninh Trung Tắc rồi đùng đùng bỏ đi, khiến cho Bất Giới hòa thượng cả đời lang thang giang hồ để tìm kiếm (Tôi thật kính phục lão về chung tình), và rồi lão suýt tự vẫn khi bị chính bà vợ của mình treo vào trong mình dòng chữ “Con người này tham dâm, hiếu sắc vô tình bạc hãnh nhất thiên hạ“. Ai cũng nghĩ đó là dòng chữ dành cho Điền Bá Quang, nhưng chỉ có Bất Giới hiểu, đó là vợ lão vẫn còn ghen với lão đó. Và khi càng ghen, càng hận, có nghĩa là còn yêu. Và số phận mỉm cười với họ khi Á Bà Bà mà Nghi Lâm cứ tưởng là bà lão câm điếc lại chính là người vợ mà Bất Giới cả đời lặn lội đi tìm, và Phật Tổ đã không quở trách họ, ngược lại còn đem hai con người ấy trở về với nhau. Vâng, hai con người, chứ không phải một hòa thượng và một ni cô.

Photobucket - Video and Image Hosting

Sản phẩm của tình yêu ấy, là một cô con gái xinh đẹp, thánh thiện có tấm lòng bồ tát, bồ tát như thể cô là con của phật vậy. Nghi Lâm thừa hưởng sắc đẹp của mẹ, cái thánh thiện của nhà phật, rủi thay, cô cũng là một ni cô, một ni cô “đẹp tựa hòn ngọc minh châu trong sáng không ngấn vết“. Dường như số mệnh báo trước cho việc Nghi Lâm cũng vướng vào cái mộng ái tình như cha mẹ mình. Cái đẹp thánh thiện của nàng không giúp nàng thoát khỏi nỗi sầu của một tình yêu câm lặng với anh chàng Lệnh Hồ lãng tử, kẻ mà bị gọi là “ngươi hay ăn nói thiếu đứng đắn, chẳng trách tiểu sư muội không thích ngươi“.

Có lẽ đức Bồ Tát còn trách phạt vợ chồng Bất Giới bằng cách bắt con gái họ, một ni cô phải vướng vào mộng ái tình, nhưng lại để nàng yêu đơn phương với Lệnh Hồ Xung. Nếu trách ai, có lẽ nàng chỉ nên trách tên Vạn lý Độc hành Điền Bá Quang mà thôi. Nếu như không phải Điền Bá Quang bắt nàng với ý đồ xấu (nhưng Bất Giới hòa thượng thì lại khen Điền Bá Quang quả là biết nhìn mặt hàng, biết mê cái đẹp của con gái lão, không như Lệnh Hồ chẳng có con mắt nhìn cái đẹp gì cả, quả là thật sảng khoái với Bất Giới), thì Lệnh Hồ Xung không phải xả thân mình cứu nàng, để nàng không phải “suốt đời suốt kiếp cầu cho Lệnh Hồ huynh bình an“. Sự xuất hiện trong tòa sảnh của Lưu Chính Phong, sự hồn nhiên ngây thơ của Nghi Lâm đã ngay lập tức cứu cho thanh danh của gã tửu đồ lãng tử Lệnh Hồ Xung. Và bất kỳ ai có chút nhạy cảm cũng linh cảm được rằng nàng đã bắt đầu vướng vào nỗi khổ lụy của tình yêu, với gã “Lệnh Hồ đại ca” đó. Con chim sơn ca hồn nhiên của phái Hằng Sơn đã bất ngờ bị trúng mũi tên của vị thần tình yêu Cupide. Mũi tên đã xuyên qua tim vị tiểu ni, nhưng lại quá đỗi lặng lẽ vô thanh, nên cô chẳng hề hay biết (cứ như là “Tình yêu đến em không mong đợi gì” vậyImage). Nghi Lâm yêu Lệnh Hồ từ khi nào? Có lẽ từ khi nàng chứng kiến cảnh anh chàng này xả thân cứu mình thoát khỏi sự làm nhục của Thái hoa dâm tặc Điền Bá Quang, nhưng cái tình yêu ấy, chỉ được xác nhận khi nàng đưa anh chàng thoát khỏi kỹ viện, cùng ngắm cảnh nơi chân núi Hành Sơn, và lần đầu tiên trong đời mình, tiểu ni cô Nghi Lâm đã biết ghen, mà biết ghen có nghĩa là đã yêu rồi “Nghi Lâm lòng như se lại, thầm nghĩ: Té ra huynh ấy chỉ muốn cho Linh San sư muội của huynh ấy đến bầu bạn. Y mong mình đi kêu cô ấy tới càng sớm càng hay. Rồi không cầm được nước mắt, dòng lệ rơi lã chã… Đột nhiên nàng lại òa lên khóc ròng, vừa khóc vừa dậm chân: Tôi không phải là… tiểu sư muội của Lệnh Hồ đại ca… đại ca… trong lòng đại ca lại nhớ tới cô tiểu sư muội kia!” (Tiếu ngạo giang hồ, Hồi 34). Có lẽ đây là lúc mà Nghi Lâm “dũng cảm” nhất để cho lòng mình vượt khỏi vị Bồ Tát đang quản thúc nàng, để cho ta thấy, nàng đích thực là một cô gái thật sự, cũng biết yêu thương, biết ghen và biết bày tỏ cảm xúc. Có lẽ những tính cách này khiến cho Nghi Lâm dù không phải là một nhân vật chính, nhưng lại hay hơn hết thảy những nhân vật chính khác như Tiểu Long Nữ, Vương Ngọc Yến… Và tiểu ni cô ấy cũng như bao thiếu nữ khác, cũng biết xốn xang trong lòng khi được gã Lệnh Hồ khen đẹp (quả thật, cô đẹp thật, và Lệnh Hồ Xung không hề khen giả dối) “Nếu tiểu sư muội mà xấu thì trong thiên hạ làm gì có người đẹp? Tự cổ chí kim có hàng ngàn vạn công chúa mà có cô nào bằng sư muội đâu. Nghi Lâm nghe gã tán dương mình trong lòng xốn xang vui mừng” (Tiếu ngạo giang hồ, Hồi 35). Vâng, có lẽ không cô gái nào không thích người khác tán dương sắc đẹp của mình, và cái này càng khiến tôi thích thú với nhân vật này hơn. Và khi mới đọc đến đoạn này, tôi đã từng mong sao gã Lệnh Hồ Xung kia yêu thương nàng để mối tình của nàng đừng trở thành một mối tình câm lặng. Nhưng “mấy ai được sống như mình đã mơ“, người ta vẫn bảo thế. Đức Bồ Tát trừng phạt vợ chồng Bất Giới khiến cho mối tình của Nghi Lâm cứ theo những dòng kinh ấy mà câm lặng, dù nó vẫn âm ỉ cháy một cách mãnh liệt trong nàng, nhưng nó vẫn mãi chỉ là một mối tình “hồn bướm mơ tiên” mà thôi. Khi cùng đồng môn Hằng Sơn theo “Lệnh Hồ đại ca” phiêu bạt giữa giang hồ hiểm ác vì tai nạn của bản phái, thì những ánh mắt quan hoài thầm kín của tiểu ni cô dành cho gã lãng tử đó vô cùng đằm thắm và chan chứa biết bao sự thương yêu của một mối tình câm lặng (giá như nó đánh đổi cho Nhạc Linh San, có lẽ đã không gây cho Lệnh Hồ Xung nhiều nỗi đau trong lòng đến vậy). Như một nhà tu hành toạ thiền, quên đi ngoai cảnh mà chỉ chú tâm quán tưởng một đích duy nhất là thiền định, thì tiểu sư thái Nghi Lâm dường như suốt đời chỉ “quán tưởng” mỗi một hình ảnh của Lệnh Hồ Xung! Chớ trêu hơn, sao Bồ tát nỡ để cho Nghi Lâm hiểu cái nỗi hàm oan mà anh chàng Lệnh Hồ gặp phải, lại để cái anh chàng Lệnh Hồ (dù đã giả trang làm tướng quân ngờ nghệch) cứu cả đoàn ni cô Hằng Sơn, rồi lại run rủi đẩy cái anh chàng ấy thành “Chưởng môn sư huynh” của phái Hằng Sơn, khiến cho cái tình yêu trong tim nàng càng trở nên quay quắt đến tội nghiệp. Và Kim Dung dường như cảm thông với nỗi lòng của nàng, khi đưa đến bên nàng “Á bà bà” để nàng tâm sự nỗi lòng và bao tâm sự được nàng kể lể với Á bà bà ấy, như một chút an ủi khi cô sắp phải chia tay vĩnh viễn với gã “Lệnh Hồ đại ca” giảo quyệt mồm năm miệng mười mà cô ngày đêm tưởng nhớ.

Photobucket - Video and Image Hosting

Chúng ta đã đã bao lần chứng kiến Nghi Lâm nhỏ lệ, mà có lẽ chủ yếu chỉ vì Lệnh Hồ Xung. Sau này, khi cô tiếp chưởng phái Hằng Sơn, tôi tin rằng vị tân chưởng môn đó sẽ vẫn rất nhiều phen phải tiếp tục khóc thầm. Vì chắc chắn nàng chưa thể quên hn vị Chưởng môn sư huynh” đang sống hạnh phúc và tiêu dao giang hồ cùng Nhậm Doanh Doanh, dù đó là điều mà cô nhiều phen thành tâm cầu nguyện cùng Bồ Tát. Có lẽ hai câu thơ dưới đây cũng tương tự như cõi lòng của Nghi Lâm, như những giọt lệ giữa trang kinh mà nàng vẫn tụng:

Khuya về nhẹ mở trang kinh

Trang nào cũng thấy bóng hình của em…

Tôi không phải là người văn hay chữ tốt, cũng lại càng không giỏi nghị luận văn học. Tôi không biết phải nói thế nào cho hay về Nghi Lâm, về Bất Giới hòa thượng, những nhân vật mà tình yêu của họ khiến tôi thực sực xúc động và càng khâm phục Tra Lương Dung lão tiên sinh thật tài tình và cũng thật nhân bản khi đem tình yêu đến với họ. Có lẽ trong đời thường chẳng có được một cặp như vợ chồng Bất Giới hòa thượng. Tôi ủng hộ Bất Giới, bởi thấy ông biểu hiện thực sự là một CON NGƯỜI (chứ không như những gã tu hành khác, mồm thì niệm nam mô, cấm người khác tà dâm, còn bản thân thì mê dâm dục, mê quyền lực). Suốt đời, Bất Giới chỉ chạy theo có hai chữ “tình yêu”, cũng như suốt quãng đời trong câu chuyện Tiếu Ngạo giang hồ, Nghi Lâm phải đau khổ vì mối tình câm lặng của mình. Nhưng họ không hối hận vì tình yêu của mình, bởi họ biết yêu, đó là tình cảm cao nhất của con người. Không có một lề luật nào đáng gọi là nhân bản nếu nó ngăn cản tình yêu đích thực, và trong sáng của con người cả!