Phải chăng Chu Du thật sự ganh ghét với Gia Cát?

Hôm qua mình đang ngồi làm việc, tự nhiên một cậu học sinh hỏi là “Anh ơi! Có phải là Chu Du chưa chết hẳn, nằm trong quan tài dụ Gia Cát đến để định ám sát, ai ngờ chú Khổng Minh cao tay hơn, ấn nắp quan tài khiến Chu Du chết hẳn?” Nghe câu hỏi cảm thấy hơi buồn cười, nghĩ công nhận người ta vẽ ra lắm huyền thoại thật, vẽ ra một huyền thoại về Gia Cát Lượng đã là kinh lắm rồi, ai ngờ còn vẽ thêm những điều kinh khiếp thế. Nhân thể đêm nay khó ngủ, viết chút bàn luận một chút về hai con người này vậy, dù sao cũng là những nhân vật mà mình yêu thích nhất trong Tam Quốc, cuốn tiểu thuyết mà mình bắt đầu đọc từ hồi năm tuổi, và đến nay, có lẽ không thể nhớ nổi mình đã đọc được bao nhiêu lần rồi mà vẫn mê mẩn vì nó.

Xin mở đầu bài này bằng bài thơ “Xích Bích hoài cổ” của Đỗ Mục vịnh về bãi sông Xích Bích, nơi diễn ra trận chiến Xích Bích nổi tiếng trong lịch sử, trận chiến đã đưa hai nhân vật Chu Du và Gia Cát Lượng bước vào trận chiến thật sự để tranh đoạt thế “Thiên hạ tam phân”:

Chiết kích trầm sa thiết vị tiêu, 

Tự tương ma tẩy nhận tiền triều. 

Đông phong bất dữ Chu Lang tiện,

Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều.

Dịch thơ là:

Dưới cát gươm chìm sắt chửa tiêu

Mài rũa lắng nghe việc tiền triều

Gió đông nếu chẳng vì Công Cẩn

Đồng Tước đêm xuân khóa hai Kiều

Photobucket - Video and Image Hosting

 

Có lẽ nhiều người đọc Tam Quốc đều thích thú với Gia Cát Khổng Minh (và tôi cũng vậy), và càng thú vị hơn khi đọc những đoạn đấu trí giữa hai nhân vật này (tất nhiên là Khổng Minh đều giành phần thắng), khi mới đọc Tam Quốc, tôi cũng như bao người khác đều nghĩ một điều rằng “Chu Du thật hẹp hòi, ba lần bảy lượt muốn hại Khổng Minh, rốt cuộc chết tức tưởi”, nhưng khi xét kỹ lại, tôi nghĩ cũng đừng nên quá khắt khe với Công Cẩn.

Mới lần đầu gặp nhau khi Lỗ Túc dẫn Khổng Minh vào tiếp kiến Chu Du, khi ấy, Khổng Minh đang đóng vai trò thuyết khách để thuyết phục Đông Ngô liên minh cùng Lưu Huyền Đức chống Tào, và Khổng Minh đã khiến cho Chu Du nổi khùng và quyết chí đánh Tào qua việc kể cho Công Cẩn nghe về mong muốn của Tào Tháo:

Lúc Lượng này còn ở Long Trung, có nghe Tào Tháo lập một cái đài ở mé sông Chương Hà, gọi là đài Ðồng Tước. Ðài ấy cực kỳ tráng lệ. Tháo sai trang hoàng tô điểm lộng lẫy, rồi tuyển nhiều gái đẹp trong thiên hạ để đưa về đấy. Vả lại, Tào Tháo là đứa háo sắc, nghe nói bên Giang Ðông này có Kiều công nào đó sinh đặng hai người con gái, cô chị là Ðại Kiều, cô em là Tiểu Kiều, cả hai đều có dung nhan chim sa cá lặn với vẻ yểu điệu nguyệt thẹn hoa nhường. Nên Tào Tháo thề rằng: “Ta một là dẹp an bốn biển, lập nên Ðế nghiệp. Hai là lấy được hai nàng Kiều bên Giang Ðông đem về để vào đài Ðồng Tước, dùng vui lúc tuổi già, dầu có thác ta cũng chẳng hờn.” Nay Tào Tháo tuy dẫn binh trăm vạn, lườm lườm như cọp gầm, muốn nuốt Giang Ðông, chứ thật ra chỉ vì hai người con gái ấy mà thôi. Sao Tướng quân chẳng đi tìm Kiều công, bỏ ra ngàn lượng vàng, mua lấy hai người con gái ấy, rồi đem sang sông nạp cho Tào Tháo. Tháo được hai mỹ nữ ấy, ắt hả hê vui sướng mà rút quân lập tức. Ðó là cái kế “Phạm Lãi dâng Tây Thi”, nên làm ngay đi thôi!

Chu Du nghe qua, tái mặt, vặn hỏi:

– Tào Tháo muốn được hai nàng Kiều, vậy có gì làm bằng chứng?

Khổng Minh nói:

– Con trai nhỏ của Tào Tháo là Tào Thực tự là Tử Kiến, có tài hạ bút thành văn. Khi xây xong đài Ðồng Tước, Tào Tháo có sai làm một bài phú gọi là Ðồng Tước đài phú. Trong bài phú ấy, ý hắn muốn làm Thiên tử, lại thề bắt hai nàng Kiều.

(Trích La Quán Trung, Tam Quốc diễn nghĩa, Hồi 44)

Và cái bằng chứng ấy là câu thơ của con Tào Tháo là Tào Thực nói về mong ước bắt hai nàng Kiều về Đài Đồng Tước:

Tìm hai Kiều phương Nam về sống,

Vui cùng nhau giấc mộng hồi xuân.

Thực ra, đây là trò chơi chữ của Khổng Minh để chọc tức Chu Du, hai câu thơ ấy thực ra là:

Bắc hai cầu Ðông, Tây nối lại,

Như cầu vồng sáng chói không gian…

Ta biết rằng hai nàng Kiều ở Giang Nam khi ấy là con Kiều Quốc Lão, là Đại Kiều (vợ Tôn Sách, chủ cũ đã mất của Chu Du) và Tiểu Kiều (vợ Chu Du) là hai người con gái xinh đẹp sắc nước hương trời. Khổng Minh đã dùng mưu ấy đánh vào Chu Du khiến Công Cẩn quyết ý đánh Tào.

Và sau khi thỏa thuận liên minh với Tôn Quyền, Chu Du về nhà nghĩ rằng:

– Gia Cát Lượng biết tận đáy lòng Ngô Hầu, tài trí lại hơn ta, sau này ắt là mối nguy cho Giang Ðông. Chi bằng ta giết quách hắn đi thì hay hơn. (xem hồi 44, Tam Quốc diễn nghĩa)

Nhưng Lỗ Túc là người theo chủ trương hòa hoãn, đã hiến kế để vẹn toàn đôi đường rằng:

– Nay Ðông Ngô có Gia Cát Cẩn là anh của hắn, đang lãnh chức Tham mưu. Vậy phải sai Gia Cát Cẩn đến đó dùng tình cốt nhục mà dụ hắn về giúp cho chúng ta thì hay hơn.

Và Chu Du lập tức tán thành, sai Gia Cát Cẩn (là anh cả của Khổng Minh) đi đến thuyết phục em mình bỏ Lưu theo Tôn. Thật không ngờ ông anh Gia Cát Tử Du, gặp ông em cao tay hơn, chưa kịp thuyết phục thì đã bị ông em làm cho câm họng, ta hãy xem đoạn này trong hồi 44 của Tam quốc:

Gia Cát Cẩn nói rồi liền từ giữ Châu Du, lên ngựa đi thẳng đến quán dịch tìm gặp Khổng Minh.

Khổng Minh hay được tin, rước vào khóc lạy. Anh em vừa hàn huyên mấy câu, Cẩn đã rưng rưng nước mắt, sụt sịt khóc, hỏi rằng:

– Em biết việc Bá Di, Thúc Tề chăng?

Khổng Minh thầm nghĩ:

– Ðây chắc là Chu Du sai anh ta đi dụ ta đây!

Nghĩ rồi liền đáp:

– Thưa anh, Di, Tề là hai người hiền xưa.

Gia Cát Cẩn lại nói:

– Bá Di, Thúc Tề tuy phải chết đói dưới núi Thủ Dương mà anh em không n ỡ lìa nhau. Nay anh em ta cùng ruột cắt ra, cùng chung sữa mẹ, mà mỗi người lại thờ một chúa, cách biệt đôi nơi, sớm tốt không được thấy mặt nhau, sánh với Bá Di, Thúc Tề thì chẳng hổ lắm sao?

Khổng Minh đáp:

– Lời anh nói đó là tình, còn việc em giữ đây là nghĩa. Anh với em đều là tôi của nhà Hán. Nay Lưu Hoàng thúc là con cháu tôn thất, nếu anh bỏ được Ðông Ngô về làm tôi Hoàng thúc, thì trông lên không hổ thẹn là kẻ bề tôi nhà Hán, mà trông lại thì anh em chúng ta sẽ được gần gũi nhau, tình nghĩa vẹn toàn cả hai. Chẳng hay ý anh ra sao?

Gia Cát Cẩn ngao ngán nghĩ thầm:

– Ta đến dụ hắn, té ra ta lại bị hắn dụ!

Đọc đến đây ta lại tán thưởng Gia Cát Khổng Minh có tài ứng đối, không làm mất lòng anh, trái lại không bị rơi vào thế khó xử. Qua đây ta bắt đầu thấy, không phải Chu Du hoàn toàn muốn giết Khổng Minh vì ghen ghét. Ta hãy hiểu thời điểm đó, Trung Hoa phân chia tứ tán, các thế lực khắp nơi nổi dậy. Lưu Bị lúc đó tuy thế yếu, nhưng thực ra không hề yếu bởi có tài thu hút nhân tâm, lại có Quan, Trương, Triệu là các mãnh tướng muôn người không địch nổi, thêm một Khổng Minh tài năng siêu việt, ắt sẽ lên sự nghiệp lớn, tất nhiên sẽ đe dọa đến cơ nghiệp của Đông Ngô. Chu Du muốn trừ Khổng Minh không hẳn vì ghen ghét (nếu ghen ghét đã không cho Gia Cát Cẩn đi chiêu dụ), mà cũng vì chủ mình mà thôi, ai vì chủ lấy mà, hãy thông cảm cho Công Cẩn ở điều đó.

Và rồi, liên tiếp các cuộc đấu trí sau, Công Cẩn luôn thua Khổng Minh, và đã bao lần than rằng:

– Gia Cát Lượng thật là thần cơ diệu toán, ta thật không bằng! (Hồi 46, Gia Cát Lượng nhân sương mù lấy tên của Tào Tháo)

Quả thật Gia Cát Lượng không chỉ hơn Chu Du ở chỗ có tài “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” mà còn rất hiểu đối thú của mình, đó là điều khiến ông luôn thắng Chu Du trong các cuộc đấu trí giữa hai người:

Sự lo sợ về sự đe dọa của Khổng Minh đối với Chu Du lên đến đỉnh điểm khi Khổng Minh giúp Chu Du cầu gió đông nam (thực ra là tài đoán biết trước thời tiết mà thôi, ai mà cầu được), giúp Công Cẩn thực hiện được kế hỏa công bởi:

Muốn đánh giặc Tào

Phải dùng hỏa công

Muôn việc đủ cả

Chỉ thiếu gió đông

(Hồi 49)

Và Chu Du nghĩ rằng:

“Người này có phép đoạt được trời đất, hơn cả quỷ thần, nếu không trừ khử đi sau này tất nhiên gây hại cho Đông Ngô ta…” (Hồi 49)

Nhưng một lần nữa, Chu Du lại thất bại bởi Khổng Minh đã đoán trước, sai Tử Long đón sẵn, an toàn bỏ Đông Ngô về với Lưu Huyền Đức.

Và sau đó, là liên tiếp những cuộc đấu trí khác, nào là Chu Du bị vây khốn ở Kinh Châu khi định dùng kế “mượn đường giệt Quắc” giả đi đánh Tây Thục để cướp Kinh Châu, rồi định dùng em gái Tôn Quyền để nhử Lưu Bị hòng đánh đổi Kinh Châu nhưng đều bị Khổng Minh tương kế tựu kế phá hỏng, đến nối mà:

“Chu Du kế giỏi yên thiên hạ

Đã mất phu nhân lại thiệt quân” (Hồi 55)

Câu thơ của Khổng Minh sai quân sĩ đọc nhân việc Lưu Bị ung dung cắp cô em gái xinh như mộng của Tôn Quyền về Kinh Châu trong sự căm tức của Chu Du làm cho mâu thuẫn giữa hai người đẩy lên đỉnh điểm, và sau đó là cái chết của Chu Du. Ai cũng nghĩ Chu Du chết một cách tức tưởi, nhưng thực ra ông chết cũng vì hết lòng lo cho Đông Ngô bởi thế lực của Lưu Huyền Đức ngày một mạnh, đang đe dọa vị trí của Đông Ngô. Và lời than vãn cuối cùng của Chu Du đã trở thành nổi tiếng ngàn năm:

“Trời đã sinh ra Du, sao còn sinh ra Lượng”

Nó cũng khiến cho chúng ta vẫn nghĩ rằng Công Cẩn vì ganh ghét với Khổng Minh mà chết. Mong mọi người hãy rộng lượng với Chu Du, ông ta không phải con người như vậy đâu, tôi tin như thế. Chu Du hết lòng lo lắng cho vận mệnh của Đông Ngô đến nối chết lúc còn khá trẻ (ông chết khi chỉ có 36 tuổi), hình như đó cũng là số mệnh của những vị tướng Đông Ngô luôn yểu mệnh: Tôn Sách, Chu Du, Lã Mông, Lục Tốn.. Sinh thờil, Chu Du là một vị tướng văn võ toàn tài, đặc biệt có tài về âm nhạc, chắc chắn tâm hồn cũng rất khoáng đạt. Cái mâu thuẫn với Khổng Minh không xuất phát từ lòng ganh ghét cá nhân, mà là xuất phát từ mưu toan cho đất nước, lo cho vận mệnh của Đông Ngô mà thôi. Và bài văn tế của Khổng Minh trước linh cữu Công Cẩn đã dẹp tan những ý nghĩa về mâu thuẫn hai người trong quần thần Đông Ngô:

Thương ôi Công Cẩn, làm sao sớm khuất,

Ðành lẽ số trời, ai ai cũng xót

Lượng tôi tới đây, kính dâng ly rượu

Anh có linh thiêng xin về chứng giám

Nhớ xưa đi học, chơi với Bá Phù

Nhường cơm sẽ áo, một lòng thương nhau

Nhớ anh còn trẻ, chí cả ngàn trùng

Vẫy vùng một cõi, độc lập Giang Ðông

Quyền cao chức trọng, trấn giử Ba Khâu

Khiếp oai Lưu Biểu, đẹp dạ Ngô Hầu

Diện mạo như ngọc, Tiểu Kiều đẹp đôi

Rể tôi nhà Hán, hỏi được mấy người?

Anh hùng cái thế, chẳng chịu qui Tào

Trời xanh vổ cánh đại bàng bay cao

Phong tư cốt cách, Tưởng Cán ng ngàng

Hết đường thuyết khách, nói cười như không

Thương anh lừng lẩy, văn võ kiêm toàn

Hỏa công một trận, Xích Bích lừng vang

Làm sao sớm khuất, ai hi Chu Lang

Lượng tôi đau xót, huyết lệ hai hàng

Sống đ trung nghĩa, mất được thảnh thơi

Tuổi thọ ba chục, danh lưu muôn đời

Lòng tôi bối rối, vạn mối tơ vò

Tâm nầy lửa đốt, ruột héo gan khô

Giang Ðông tang tóc, ba quân bàng hoàng

Chúa thời tuôn lệ, bạn thời khóc than

Lượng tôi những tính nương tựa vào nhau

Giúp Lưu phò Hán, cùng Ngô phá Tào

Gây thế ỷ dốc, sớm hôm bàn mưu

Lượng tôi kém cỏi, mong trông cậy nhiều

Nào ngờ Công Cẩn !, sớm khuất từ đây

Mênh mang chánh khí, trời thẳm đất dầy

Anh linh chứng dám, rủ thương lòng nầy

Từ nay tri kỷ,biết ngỏ cùng ai ?

Thương ôi, có thiêng, xin về thượng hưởng….

Khổng Minh nghẹn ngào mãi mới đọc hết, đọc xong gục mặt xuống đất khóc lóc như mưa, thảm thương vô cùng, đầu tóc rủ rượi,�làm cho các tướng đang tức giận muốn ăn tươi nuốt sống Khổng Minh cũng phải nói với nhau:

– Người ta cứ nói Công Cẩn với Khổng Minh bất hòa, nhưng nay xem như vậy, thì có lẻ là thiên hạ xét sai.

(Hồi 57)

Và tôi tin rằng, nếu Chu Du và Gia Cát Lượng cùng phục vụ cho một chủ, hai người sẽ là những người bạn tốt của nhau, bởi họ cực kỳ hiểu nhau và đều có lòng vì chủ, vì nước cả. Kết thúc bài này, xin được đọc những câu thơ mà tôi rất thích trong bài Xích Bích hoài cổ của Đỗ Mục:

Dưới cát gươm chìm sắt chửa tiêu

Mài rũa lắng nghe việc tiền triều

Gió đông nếu chẳng vì Công Cẩn

Đồng Tước đêm xuân khóa hai Kiều

Vâng, gió đông nếu không vì Chu Công Cẩn, có lẽ sẽ chẳng có những cuộc đấu trí đầu lý thú giữa hai vị tướng kiệt xuất thời Tam Quốc, hai người bạn kình địch ở hai thế lực: Công Cẩn và Khổng Minh.

Photobucket - Video and Image Hosting

Author: ducthe

Simple: I am Duc-The

4 thoughts on “Phải chăng Chu Du thật sự ganh ghét với Gia Cát?”

  1. Khen ngợi ti năng của V Hầu – khng một bi văn, bi ph no bằng được cu ni cuối cng của Cng Cẩn. V ca ngợi Chu Du, hay nhất vẫn l lời điếu của Giac Ct Lượng. Chỉ c những con người kiệt xuất như vậy mới c thể nhận xt về nhau chnh xc đến thế.

  2. Bc Thế ở bn đ chắc ko c cơ hội xem lại Tam Quốc diễn nghĩa hiện đang chiếu trn VCTV7 TH cp,phim cũng mới chiếu tập m Gia Ct Lượng đến viếng Chu Du.
    Cng nhận ti viết của bc Thế thật đấy,bi phục bi phục

  3. Thực ra mình nghĩ bạn nên đọc thêm Tam Quốc Chí của Trần Thọ thì tốt hơn. La Quán Trung viết Tam Quốc Diễn Nghĩa dựa theo tài liệu lịch sử là TQC của Trần Thọ nhưng đến nay, các nhà sử học không một ai lấy TQDN của La Quán Trung làm tư liệu lịch sử cả. Lý do rất đơn giản vì La Quán Trung đã hư cấu rất nhiều trong tác phẩm của mình. Để hiểu rõ hơn, bạn có thể đọc tại đây:
    http://vi.wikipedia.org/wiki/Chu_Du#Ch.E1.BA.BFt_tr.E1.BA.BB
    http://danso.giadinh.net.vn/van-hoa/nhung-bia-dat-chet-nguoi-trong-tam-quoc-dien-nghia-16676.htm
    http://giadinh.net.vn/van-hoa/noi-oan-day-dat-cua-chu-du-truoc-gia-cat-luong-16921.htm

    1. Cảm ơn bạn! Tôi bình luận văn học chứ đâu có bình luận lịch sử!

Leave a comment