Thương mại hóa nghiên cứu công nghệ: mô hình công ty spin-off

spinoffMột trong những đầu ra của nghiên cứu khoa học là các công nghệ mới có thể triển khai ứng dụng trong cuộc sống, đem lại lợi ích kinh tế cho cả xã hội cũng như bản thân người làm nghiên cứu. Để có thể triển khai các kết quả nghiên cứu, việc thành lập các doanh nghiệp công nghệ để thương mại hóa các kết quả này là một việc không thể thiếu. Chuyển giao công nghệ cho các tập đoàn công nghệ là một hình thức cho phép triển khai các nghiên cứu, nhưng cách này thường đòi hỏi việc “bán” sở hữu tài sản trí tuệ của nhà nghiên cứu. Thành lập các công ty khởi nghiệp do chính nhà khoa học đồng sở hữu với cơ quan nghiên cứu là một cách vừa cho phép thương mại hóa công nghệ, vừa cho phép nhà khoa học thu được lợi ích lâu dài từ việc sở hữu tài sản trí tuệ của mình, và chính cơ quan nghiên cứu cũng qua đó thu được lợi ích kinh tế. Đây chính là mô hình các công ty spin-off (university spin-off company hoặc technology spin-off company) rất phổ biến ở các nước phát triển.

Khái niệm “university spin-off company” hoặc “academic spin-off company” không mấy phổ biến ở Việt Nam, nhưng rất phổ biến ở các nước phát triển, đặc biệt ở các nước có nền khoa học phát triển, và thậm chí ngay nước láng giềng nhỏ bé của Việt Nam là Singapore [1]. Công ty công nghệ spin-off được hiểu là các công ty công nghệ triển khai các kết quả nghiên cứu ứng dụng của các nhà khoa học với hình thức đồng sở hữu của cơ sở nghiên cứu và nhà phát minh, và được quản lý độc lập với cơ sở nghiên cứu. Công ty này phát triển và sản xuất sản phẩm từ công nghệ được phát triển bởi nhà nghiên cứu, và bán sản phẩm ra thị trường thông qua các kênh phân phối thích hợp. Hoặc ở quy mô thấp hơn, công ty spin-off có thể là một kênh trung gian để tiếp tục phát triển công nghệ nhằm chuyển giao tới các doanh nghiệp sản xuất lớn hơn [2].

Công viên Khoa học Cambridge, công viên khoa học đầu tiên tại Anh được thành lập năm 1970 bởi Trinity College (Viện Đại học Cambridge) cho mục đích làm cơ sở cho chuyển giao công nghệ từ Cambridge. Cambridge Science Park hiện là đại bản doanh của hơn 100 doanh nghiệp spin off được thành lập bởi Viện Đại học Cambridge.

Hình thức công ty “spin-off” xuất hiện lần đầu tiên ở Vương quốc Anh vào cuối thế kỷ 19 với sự xuất hiện của nhiều công ty công nghệ được thành lập bởi các trường đại học nghiên cứu tiên phong trong cách mạng công nghiệp, mà điển hình là hai trung tâm khoa học Cambridge và Oxford. Cho đến giữa thế kỷ 20, mô hình các công ty với đồng sở hữu của nhà khoa học và trường đại học tiếp tục được phát triển và nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã được phát triển và duy trì đến ngày nay [3]. Và mô hình này nhanh chóng phát triển ở Mỹ và Anh từ giữa đến cuối thế kỷ 20, với một mốc quan trọng vào năm 1980, với Đạo luật  Bayh–Dole được phê duyệt ở Hoa kỳ nhằm luật hóa hoạt động của mô hình công ty này [4]. Từ đây, mô hình này nhanh chóng được phát triển ở nhiều nước như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản,… và trở thành một giải pháp thích hợp cho phép nhà phát minh vừa giữ được tài sản trí tuệ, vừa thu được lợi nhuận từ kinh tế đồng thời cơ sở nghiên cứu cũng được hưởng lợi ích lâu dài.

Để có thể thành lập được các công ty spin-off thì điều đầu tiên (quan trọng nhất) là nhà nghiên cứu tạo ra được kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng (cho thị trường) và có khả năng thương mại hóa. Và cơ sở nghiên cứu sẽ hỗ trợ việc thương mại hóa thông qua các quỹ đầu tư khởi nghiệp (các trường đại học lớn trên thế giới đều có ngân quỹ như thế này) và đầu tư cho nhà nghiên cứu nhằm hình thành công ty (tất nhiên patent sở hữu trí tuệ luôn được đăng ký trước đó để bảo vệ sản phẩm trí tuệ bởi luật pháp). Điểm quan trọng ở đây là nhà phát minh không phải là người làm thuê cho khoản đầu tư này mà được cùng hưởng cổ phần trong doanh nghiệp (đồng thời là người sáng lập và lãnh đạo mảng kỹ thuật, công nghệ của công ty). Với những công nghệ cần có vốn đầu tư ban đầu lớn mà cơ sở không đủ khả năng đầu tư, họ sẽ kêu gọi đầu tư từ các nguồn đầu tư bên ngoài (quỹ đầu tư, doanh nghiệp,…) để cùng góp vốn. Đây chính là cách Đại học Quốc gia Singapore hỗ trợ PGS. Phan Toàn Thắng cách đây hơn 10 năm để mở công ty dựa trên phát minh tế bào gốc cuống rốn của anh. Có thể phân biệt công ty “university spin-off” và các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up entrepreneurs) theo bảng so sánh dưới đây:

  Spin-off Start-up
Thành lập bởi Trường đại học (cơ sở nghiên cứu, …) Bên ngoài trường đại học
Công nghệ Sở hữu bởi trường đại học Mua giấy phép công nghệ
Vốn đầu tư Trường đại học (cơ sở nghiên cứu) Bên ngoài trường đại học
Quản lý Các nhà nghiên cứu của trường đại học Người ngoài trường đại học

Bên cạnh những lợi ích kinh tế mà cơ sở nghiên cứu (cùng nhà nghiên cứu) thu được khi công ty hoạt động có hiệu quả, thì cơ sở nghiên cứu có thể hưởng lợi từ chính những thành tựu công nghiệp của công ty cho quá trình đào tạo. Nhà nghiên cứu (vẫn giữ chức vụ trong cơ sở nghiên cứu) sẽ đem chính những kinh nghiệm (R&D, quản trị,…) thực tiễn từ công ty truyền thụ lại cho các nhà nghiên cứu đi sau (sinh viên, thực tập viên,…) trong cơ sở và chính công ty có thể đầu tư ngược lại cho cơ sở nghiên cứu để nghiên cứu tìm kiếm những thành tựu lớn hơn nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng nghiên cứu và nguồn nhân công chất lượng cao. Điều này thực hiện thông qua các đề tài công nghiệp đầu tư trực tiếp cho các phòng thí nghiệm [5].

Mô hình chuyển giao công nghệ của Stanford University.
Mô hình chuyển giao công nghệ của Stanford University.

Theo thống kê của HEFCE (Higher Education Funding Council for England), các trường đại học của Vương quốc Anh đã đóng góp 3,3 tỉ bảng Anh (khoảng 5,6 tỉ USD) cho nền kinh tế Anh trong năm 2010-2011 [6] trong đó lợi nhuận từ các công ty spin-off (năm 2010 có tới gần 1300 công ty spin-off) mới thành lập là 2,1 tỉ bảng (3,5 tỉ USD) và tạo ra 18,000 việc làm. Tính trung bình tiền đầu tư nghiên cứu thì cứ mỗi 24 triệu bảng Anh đầu tư có khả năng tạo ra một công ty spin-off (trong khi con số này ở Mỹ lên tới 56 triệu bảng) [6]. Hiệp hội Các nhà Quản lý Công nghệ của Đại học Mỹ (Association of University Technology Managers, AUTM) đã thống kê: trong vòng 20 năm (1980-1999) kể từ khi đạo luật Bayh–Dole về công ty spin-off được phê chuẩn, các công ty spin-off ở Mỹ đã đóng góp 33,5 tỉ USD cho nền kinh tế và tạo ra 280000 việc làm [7] và trung bình mỗi năm có hơn 200 công ty spin-off được đăng ký thành lập trên tổng số trên 132 trường đại học ở Mỹ. Từ năm 198, chính phủ Hoa kỳ có một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu nhỏ mang tên Small Business Innovative Research (SBIR) với sự tham gia hỗ trợ của 12 cơ quan ngang bộ trong Chính phủ Hoa Kỳ. Năm 2004, chương trình SBIR đã giải ngân hơn 2 tỉ USD cho việc hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp spin-off [8], và tới năm 2009 đã trao cho tổng số 112500 công ty spin off với tổng đầu tư lên tới 26,9 tỉ USD. Các doanh nghiệp spin-off từ đại học Hoa Kỳ đã góp phần quan trọng trong việc tạo nên thung lũng Silicon ở California.

Ngay trong khối ASEAN, Singapore tuy là một quốc gia nhỏ chỉ với 2 trường đại học nghiên cứu chính (Đại học Quốc gia – NUS, và Đại học Công nghệ Nanyang – NTU), cùng với hệ thống các viện nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ (A*STAR) là những nơi ươm mầm cho các công ty công nghệ spin off. Chỉ tính trong 5 năm (1998-2003), đã có hơn 70 doanh nghiệp spin off được thành lập từ các cơ quan này [9]. Với nguồn đầu tư dồi dào từ ngân sách chính phủ cùng với cơ chế thoáng trong thủ tục hành chính, Singapore là một trong những quốc gia năng động nhất Châu Á trong việc phát triển mô hình spin off.

Phân bố đầu tư spin-off từ chương trình SBIR trên các bang của Hoa Kỳ [8].
Phân bố đầu tư spin-off từ chương trình SBIR trên các bang của Hoa Kỳ [8].
Đặc điểm quan trọng của các công ty spin off là quy mô khởi đầu vừa và nhỏ với số vốn đầu tư không quá lớn (tất nhiên tùy thuộc từng lĩnh vực cụ thể) và dễ dàng thích ứng với sự thay đổi của thị trường. Giáo sư Xiaogang Peng (Đại học Arkansas, Hoa Kỳ) trong bài tổng quan về cơ hội và thách thức đối với mô hình spin off [8] đã ví mô hình spin off giống như các con thuyền nhỏ đi trên sóng nước, dễ dàng thích ứng với các con sóng dữ nhờ sự linh động. Mô hình các công ty spin off vừa và nhỏ hiện đang được yêu thích và đầu tư mạnh ở nhiều quốc gia Châu Âu do khả năng tạo việc làm tốt, tận dụng cơ sở hạ tầng nghiên cứu từ chính các trung tâm nghiên cứu phát triển, nơi được đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại đủ khả năng phục vụ cho cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu phát triển, vừa tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo từ đây. Với quy mô vừa và nhỏ, khả năng thu hồi vốn của spin off nhanh hơn cùng với chi phí thấp hơn cho việc xây dựng cơ sở vật chất cũng như chi phí quản trị. Bên cạnh đó, các trường đại học lớn hiện này còn tính đến sự “xung đột” giữa chức năng làm học thuật (của nhà nghiên cứu) và chức năng làm kinh doanh (khi quản lý doanh nghiệp spin off) nên đều có những văn bản thỏa thuận rất rõ ràng về phân công các nhiệm vụ mà nhà khoa học cần hoàn thành.

Trở lại với Việt Nam, không thể không thừa nhận một thực tế đáng buồn là nền khoa học còn ở mức thấp so với mặt bằng thế giới. Nhưng ở trong bức tranh tối về nền khoa học Việt Nam thì vẫn có một số điểm sáng của một số nhà khoa học có năng lực, có tâm huyết và say mê với nghề nên đã tạo ra một số kết quả có ý nghĩa khoa học và ứng dụng, cũng như tiềm năng thương mại hóa. Tuy nhiên, thuật ngữ  “spin off” dường như còn khá mới mẻ và mô hình này thực chất chưa được phát triển. Ở nhiều trường đại học và cơ sở nghiên cứu, các kết quả có tính ứng dụng và thương mại hóa thường được chuyển giao một cách vội vã và chưa tính đến lợi ích lâu dài cho chính nhà nghiên cứu và cơ sở nghiên cứu, hoặc trong nhiều trường hợp các kết quả bị bỏ qua vì không có tiền đầu tư làm thương mại hóa. Trong một bài phỏng vấn gần đây trên Tạp chí Kiến thức [10], PGS. TS. Phạm Văn Nho (Đại học Quốc gia Hà Nội), người theo đuổi các nghiên cứu ứng dụng vật liệu nano đã “than thở” rằng các sản phẩm của ông không có khả năng đưa đến thị trường vì vừa thiếu tiền khởi nghiệp, vừa không đủ khả năng giới thiệu bán sản phẩm,…

Những bức xúc của PGS Nho cũng chính là một thực tế phản ánh sự thiếu hỗ trợ từ chính trường đại học và nhà nước trong việc hỗ trợ các nhà khoa học thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Bên cạnh việc thiếu các nguồn đầu tư thì chính sự thiếu cơ chế khởi nghiệp nhằm cân bằng lợi ích kinh tế của nhà khoa học và cơ quan quản lý cũng là một nguyên nhân gây khó khăn. Và mô hình spin off chính là một giải pháp tốt cho những lợi ích này. Để có thể phát triển được mô hình này, điều đầu tiên tất nhiên phải đến từ chính nghiên cứu của các nhà khoa học: các kết quả có tính ứng dụng. Thứ hai là hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cần chặt chẽ để giúp nhà nghiên cứu có thể bảo vệ sản phẩm của mình. Thứ ba là các quỹ đầu tư khởi nghiệp từ chính phủ trực tiếp cho các cơ quan nghiên cứu cho mục đích spin off, cùng với hệ thống pháp lý chặt chẽ, rõ ràng quy định về quyền lợi các bên (nhà nghiên cứu, cơ quan sở hữu,…), và cơ chế thông thoáng, thủ tục hành chính gọn nhẹ. Và thứ tư, cần sự quản lý độc lập (theo đúng mô hình spin-off) của các công ty khởi nghiệp khỏi hệ thống hành chính và học thuật của trường đại học, viện nghiên cứu nhằm để các công ty này vận hành theo đúng cơ chế thị trường. Rất mong Bộ Khoa học Công nghệ, các cơ quan điều hành nghiên cứu khoa học (Quỹ NAFOSTED,…) cần nghiên cứu xây dựng các quỹ khởi nghiệp spin off để hỗ trợ các nghiên cứu ứng dụng, cùng với việc xây dựng hệ thống văn bản pháp quy nhằm luật hóa mô hình này.

Tham khảo

[1]          Chỉ tính một Phân khoa Kỹ thuật (Faculty of Engineering) của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã tạo ra gần 60 công ty spin-off từ các kết quả nghiên cứu tại đây, tính từ công ty đầu tiên được thành lập năm 1988. http://www.eng.nus.edu.sg/research/ResAchievement%20-%20Spin-Off.htm

[2]          R. P. O’Shea, H. Chugh, T. J. Allen, “Determinants and consequences of university spinoff activity: a conceptual framework”, J. Technol. Transf. (DOI 10.1007/s10961-007-9060-0), 2007.

[3]          Điển hình là Tập đoàn Oxford Instruments (http://www.oxford-instruments.com/) là một trong những công ty spin-off lớn nhất được thành lập từ Viện Đại học Oxford vào năm 1959 và là một trong những tập đoàn lớn trên thế giới sản xuất các thiết bị khoa học chất lượng cao hiện nay.

[4]          S. Shane, “Academic Entrepreneurship: University Spinoffs and Wealth Creation”, Elgaronline Publishing, 2004 (DOI: 10.4337/9781843769828.00008).

[5]          Ví dụ như Bộ Khoa học và Giáo dục Bậc cao (Ministry of Higher Education and Science) của Đan Mạch có riêng một chương trình cho các nghiên cứu sinh công nghiệp (The Industrial PhD Programme) nhằm quản lý tư vấn cho nghiên cứu sinh cũng như nhà đầu tư công nghiệp. http://ufm.dk/en/research-and-innovation/funding-programmes-for-research-and-innovation/find-danish-funding-programmes/postgraduates-in-the-private-sector/industrial-phd/

[6]          HEFCE, 23/07/2012: “UK universities contribute to economic growth”, http://www.hefce.ac.uk/news/newsarchive/2012/news73740.html

[7]          R.P. O’Shea et al., “Entrepreneurial orientation, technology transfer and spinoff performance of U.S. universities”, Res. Pol. 34, 994 (2005).

[8]          X. Peng, “University spin-offs: Opportunity or challenge?”, Nature Materials 5, 923 (2006).

[9]          C. C. Hang, “Commercialization Of Publicy Funded Research : Singapore Experience”,?

[10]      “Nhà khoa học không phải “con buôn””, Tạp chí Kiến thức, 16/04/2014 http://kienthuc.net.vn/diem-nong/nha-khoa-hoc-khong-phai-con-buon-331482.html

 

Bản rút gọn của bài viết được đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn (số ra ngày 17/7/2014).

TBKTSG1

TBKTSG2