Hồi ký Trường hè Khoa học (phần 4): Những con người tự tìm đến nhau

Trong những phần trước, tôi chỉ mải “khoe khoang” về những “chiến tích” khó nhọc những ngày đầu tiên của VSSS mà ba chúng tôi (tôi, Hưng và anh Dương) đã trải qua. Nhưng thực tế, đó chỉ là những viên gạch ban đầu cho căn nhà VSSS mà thôi. VSSS trở nên được nhiều bạn trẻ yêu khoa học ở Việt Nam biết đến có phần đáng kể (nếu như không muốn nói là phần lớn) đến từ đoạn sau – tức là lúc mà VSSS đi qua khỏi cái lần đầu tiên còn bỡ ngỡ. Có nghĩa từ một đốm lửa nhỏ như que diêm của lần đầu tiên, VSSS lần thứ hai bắt đầu trở thành một đám lửa (tạm coi như gặp một đống củi để cháy lên) kể từ lần thứ hai, khi  rất nhiều các anh chị làm khoa học tại Việt Nam tự nguyện đứng lên góp sức cùng ba chúng tôi. Và chính họ, mới chính là những người tạo ra VSSS như hôm nay.

VSSS’01 kết thúc, và nhiều tháng sau, tôi vẫn nhận được tin nhắn từ các bạn học viên khóa 1: “Anh ơi, năm tới Trường hè có tiếp tục không?” Chắc chắn một điều là ba chúng tôi đều muốn nó tiếp tục, nhưng cũng còn ngập ngừng  suy nghĩ xem nó nên tiếp tục như thế nào. Nhiều bạn học viên còn nhiệt tình: “Nếu các anh tổ chức, em rất sẵn sàng hỗ trợ các anh”. Lúc đó tôi đã trôi dạt sang Đan Mạch, Hưng đã quay trở lại Singapore, anh Dương đang lập nghiệp ở Hà Nội. Thế rồi đến tháng 1/2014, chúng tôi lại quyết tâm sẽ tổ chức VSSS lần thứ hai vào mùa hè 2014 với nội dung mở rộng hơn so với năm đầu tiên. Suốt mùa xuân năm 2014, chúng tôi cùng suy nghĩ mở rộng, và điều hiển nhiên sẽ cần có thêm nhiều bạn bè làm khoa học cùng “vung đao tương trợ”. Bản thân tôi không phải là người có quan hệ trong giới làm khoa học (nhiều bạn chắc biết tôi từng có biệt danh Vạn lý Độc hành), nhưng anh Dương và Hưng thì có nhiều bạn bè trong giới học thuật hơn (và ở nhiều ngành nghề khác nhau). Tôi có rủ một người bạn thân lúc đó đang làm việc tại Thụy Điển về vào mùa hè, nhưng đáng tiếc bạn tôi lại bận rộn nên từ chối. Chuyện tôi kể rồi cũng đến tai một người bạn thân khác, là anh Nguyễn Đức Dũng – sư huynh cùng sư phụ, và anh đã “trách” tôi: “Trời, chuyện hay ho thế này mà mày không rủ anh ngay từ đầu. Được rồi, mùa hè này anh sẽ góp sức!” – thế là VSSS đã có thêm một con người. Nguyễn Đức Dũng là một trong số hiếm hoi các giảng viên nam độc thân nên từ khi tham gia VSSS, anh luôn có sức hút lớn với nhiều nữ học viên vì sự hâm mộ giành cho anh.

Cho đến gần tháng 4/2014, anh Dương và Hưng khiến tôi mừng như phát khóc khi đem tới VSSS lần thứ hai một loạt gương mặt mới từ giới nghiên cứu khoa học xã hội và kinh tế như các anh Nguyễn Ngọc Anh, Trần Trọng Dương, Nguyễn Đức Thành, Đinh Hồng Hải hay chị Nguyễn Tô Lan; hay những anh em thuộc giới nghiên cứu đa ngành như anh Nguyễn Ngọc Huy, Nguyễn Châu Lân,.. Sự có mặt của họ khiến chương trình VSSS lần thứ hai khi thông báo tuyển sinh đã trở nên không còn đơn điệu mấy bài khoa học kỹ thuật như năm đầu. Chỉ có vài giờ sau khi tôi thông báo, tôi lại nhận được một lời “trách yêu” từ một người bạn thân khác, anh Đặng Văn Sơn: “Sao chú làm những thứ này lại không rủ anh thế? Liệu có còn slot giảng nào cho anh tham gia được không? Anh muốn làm một bài về đạo văn?” Ai mà có thể từ chối được những “lời trách” đầy tính xây dựng như vậy, và thêm anh Đặng Văn Sơn đã gia nhập VSSS. Lần thứ này khi quay trở lại Hà Nội, lãnh đạo Đại học Khoa học Tự nhiên lại còn ưu ái chúng tôi hơn cả lần thứ nhất. Họ mở cửa hội trường đẹp nhất Hà Nội, hội trường Ngụy Như Kon Tum trong tòa nhà cổ kính của Đại học Đông Dương tại 19 Lê Thánh Tông cho chúng tôi sử dụng trong ba ngày học. Có lẽ là một sự ưu ái chưa từng có với một nhóm thanh niên trẻ – xét cho cùng chẳng phải là người của nhà trường. Và anh Nguyễn Thanh Bình và chị Thúy Giang, những người hết lòng ủng hộ chúng tôi ở phía nhà trường, chỉ tổng kết ngắn gọn vì sao họ lại ưu ái chúng tôi đến vậy: “Thì có ưu ái lớp học này cũng là mong nhiều cán bộ trẻ và sinh viên trường được học thêm những điều hữu ích thôi!”.

Buổi tối trước hôm VSSS lần thứ hai khai mạc, cả nhóm giảng viên có một bữa tiệc – từ đó bữa tiệc như vậy luôn thành truyền thống của VSSS, và tôi cũng lần đầu được nói chuyện và kết bạn với những anh chị làm nghiên cứu (không phải là dân khoa học vật liệu như tôi) như anh Ngọc Anh, hay chị Tô Lan,..(tất nhiên cả hai đàn anh ngành vật liệu mà tôi nhắc bên trên là Sơn và Dũng nữa). Tất cả đều như chung một suy nghĩ khá đơn giản khi đến với VSSS. Họ đều không chờ “được mời”, mà ngay lập tức ngỏ lời tham gia VSSS khi được nghe anh Dương, hay Hưng kể về hoạt động này, bởi họ đều thấy lớp học tuy nhỏ, nhưng có chút gì ý nghĩa đối với giới trẻ. Sự tham gia cũng như một trách nhiệm của họ với nền học thuật nước nhà. Với chung suy nghĩ này, nhóm nhanh chóng thân thiết như thể đã từng quen từ trước, và từ đó trở đi, họ đã trở thành những gương mặt quen thuộc giảng dạy và tổ chức các kỳ VSSS sau này. Sau này, VSSS còn có thêm sự tham gia tổ chức của chị Tú Mai, cũng đến từ sự “đồng cảm” và “cùng ý tưởng về sự đóng góp cho cộng đồng”. Năm tiếp theo, tức là VSSS’03, chúng tôi lại có thêm những người “nghĩa hiệp” cùng nhảy ra góp sức cùng. Đó là hai “nữ hiệp” Mai Hương và Thu Hường – hai người ban đầu thậm chí đăng ký tham dự VSSS như một học viên – lúc đó họ đã là những tiến sĩ khoa học và cho rằng mình còn thiếu nhiều kỹ năng nên muốn học hỏi thêm. Nhưng khi đàm đạo cùng chúng tôi, họ rất vui gia nhập đội ngũ giảng dạy VSSS, và kể từ đó, Mai Hương trở thành luôn một nữ giảng viên cứng của VSSS (cùng với các nữ giảng viên khác như chị Tô Lan, hay Lê Minh tham gia sau này). Thực tế thì khi tham gia giảng dạy VSSS, giảng viên cũng học được rất nhiều điều, từ các giảng viên khác và cả từ chính các học viên.

Và tôi cũng quên chưa nhắc tới một cựu học viên, Nguyễn Bảo Huy, đã ngay lập tức đứng ra giúp chúng tôi các công tác hậu cần và chuẩn bị kỹ thuật ngay khi chúng tôi thông báo VSSS trở lại. Bảo Huy cũng suy nghĩ rất đơn giản: pay it forward. Và năm đó, Huy là leader của đội tình nguyện của VSSS, đã hỗ trợ chúng tôi rất hiệu quả cho sự thành công của VSSS lần thứ hai. Bảo Huy vẫn luôn đặt tình cảm với VSSS, cậu ta năm tiếp theo khi chuẩn bị sang trời Tây làm PhD còn kịp làm khách mời của VSSS (chia sẻ của cựu học viên) với một bài chia sẻ kinh nghiệm apply thành công học bổng PhD, và năm 2020, chính thức trở lại VSSS làm một giảng viên cho bài giảng về học bổng. Và ngoài Bảo Huy, còn rất nhiều bạn cựu học viên khác đều đã trở lại chung tay hỗ trợ chúng tôi tổ chức các kỳ trường hè, như Trang, Vân, Mai, Linh,.. Tên của họ không được nhắc đến nhiều khi trường hè được giới thiệu bởi họ đứng sau hậu trường giúp đỡ chúng tôi, nhưng đóng góp của họ thì không hề nhỏ chút nào, rất thầm lặng nhưng cũng vô cùng to lớn.

VSSS lần thứ hai đã hoàn toàn khác so với lần tổ chức đầu tiên vì nó đã không còn chỉ gói gọn trong những vấn đề khoa học kỹ thuật (chuyên môn của những người giảng dạy lần đầu), mà đã trở nên phong phú hơn nhiều với những phương pháp tư duy, nghiên cứu của phía ngành xã hội, kinh tế của các anh chị em đến với VSSS từ lần thứ hai. Đối với tôi, một sự cảm ơn đối với họ có lẽ còn chưa đủ – nhưng thôi, cứ nói mãi cảm ơn lại trở thành những lời khách sáo. Thú thật là có lúc tôi cũng có đôi chút “mệt mỏi” vì sự tham gia của họ: sự phong phú trong các bài giảng của VSSS đã hút lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển tăng chóng mặt, và tất nhiên mấy anh em làm tuyển sinh chúng tôi lại phải mệt mỏi hơn để chọn ra một số lượng học viên nhất định. Nhưng “sự mệt mỏi” này là điều có lẽ ai cũng muốn, một sự mệt mỏi khiến chúng tôi có thêm niềm vui và động lực để cố gắng duy trì VSSS.

(Còn nữa)..

Hồi ký Trường hè Khoa học (Phần 3)

Tôi đã viết hai phần trước cách đây lâu quá nhưng giờ nhân chuyện VSSS đang post các câu chuyện chưa kể, tôi thấy mình nên viết tiếp hồi ký còn dang dở này.

Lại nói tới kỳ VSSS đầu tiên tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN), khi chốt chương trình tôi và Hưng muốn ít nhất hai ngày và đề nghị phía Trường hỗ trợ phòng học cho 2 ngày. Anh Nguyễn Văn Bình, mặc dù rất ủng hộ chúng tôi, lại vẫn e ngại rằng khóa học boring làm học viên ngủ hết thì chán lắm, nên đề nghị nên trong một ngày thôi. Nhưng chúng tôi vẫn tự tin vào kế hoạch và nhất quyết xin hai ngày. Và rồi chị Giang cũng ủng hộ kế hoạch hai ngày, thế là anh Bình cũng yên tâm chốt! Thế là VSSS bắt đầu với hai ngày giảng dạy.

Ảnh này chụp ở VSSS 2019, tôi dùng như một hình ảnh ví dụ (tiếc là ở kỳ đầu tiên chúng tôi không giữ lại bức ảnh nào)

Những người quản lý như anh Bình, chị Giang nhiệt tình ủng hộ, với mong muốn sinh viên và nhất là những cán bộ nghiên cứu trẻ của trường sẽ hưởng lợi từ những khóa học như thế này. Thế nhưng VSSS ban đầu chẳng gây chút thiện cảm nào với những nhà nghiên cứu trẻ của trường. Tôi giới thiệu khóa học tới nhiều anh em cán bộ trẻ. Những câu trả lời chung là: ồ vậy hả anh? OK, em xem nào,.. à, mấy thứ này thì có gì đâu anh,.. Có bạn già dặn hơn chút thì căn vặn tôi: các anh có cần dạy mấy thứ này không, khéo lại nhồi nhét những thứ mặt tối làm khoa học Việt Nam vào sinh viên thì không hay,… Thoáng chút buồn nhưng tôi vẫn được an ủi phần nào vì cũng có không ít các bạn sinh viên đại học của Trường đăng ký tham gia.

Cả ba chúng tôi đều hồi hộp khi đến ngày VSSS ra mắt. Hưng là người chuẩn bị cho việc lên lịch, mời Phạm Thái Sơn và anh Ngô Đức Thành cho các bài giảng, tôi thì vật vã với cậu con trai ốm yếu nên đến trước ngày VSSS khai mào, chẳng mó tay vào việc gì. Sáng ngày 5/8, tôi dậy sớm và đến trường Tự nhiên, Hưng cũng đến sau tôi có vài phút. Hai chúng tôi ngồi ăn sáng ở cổng trường, nơi trước đây tôi vẫn hay lê la trà đá, và khi chuẩn bị vào trường thì Sơn cũng tới. Cả ba nhìn nhau có phần hơi hồi hộp (vì không rõ sẽ ra sao) và khi lên tới phòng học thì nhiều bạn học viên đã tới nơi. Chúng tôi làm quen với nhau và đợi ít phút đến giờ bảo vệ trường mở cửa phòng học. Thật bất ngờ, đúng giờ đăng ký như chúng tôi thông báo tới các học viên trúng tuyển, các học viên có mặt đầy đủ để đăng ký học. Lần đầu tổ chức khiến chúng tôi làm việc khá luộm thuộm, cũng chẳng nghĩ gì đến chuyện này thì anh Dương lại tỏ ra là người hơn hẳn chúng tôi việc này. Anh Dương đã chuẩn bị sẵn cho mấy người tổ chức chúng tôi thẻ đeo tên (dù thiết kế vôi và khá giản dị những cũng rất đàng hoàng) để học viên nhận ra chúng tôi, và cũng chuẩn bị sẵn một bạn tình nguyện viên (tôi còn nhớ tên là Vân Anh) giúp chúng tôi đăng ký và điểm danh, mọi người nhanh chóng vào phòng học và VSSS chính thức bắt đầu!

VSSS được bắt đầu trong một phòng họp ấm cúng, có vẻ hơi chật chội một chút cho hơn 80 con người ngồi. Nhà trường khá ưu ái cho chúng tôi mượn một phòng họp trên tầng 4 nhà T1. Trường hè khai mạc (hay tạm gọi là “khai giảng” cho oai đi) rất ngắn gọn với một diễn văn ngắn của anh Bình – đại diện nhà trường và vài lời mở đầu của anh Dương, VSSS đi thằng vào vấn đề luôn – lớp học bắt đầu liền. VSSS được mở đầu với bài của anh Dương “Nghiên cứu khoa học và Tự do học thuật” (và bài này sau này luôn là bài mở đầu ở các kỳ VSSS tiếp theo). Thoáng chút rụt rè ban đầu (có lẽ tất cả chúng tôi đều có chút hồi hộp ban đầu), lớp học có vẻ hơi trầm trầm pha chút ngỡ ngàng vì những điều có vẻ như hơi lạ trong bài giảng. Chúng tôi đã cố gắng tạo ra một không khí mới bằng cách chơi “song kiếm hợp bích”. Anh Dương đóng vai trò giảng viên chính, tôi, Hưng và Sơn cùng nhau tung hứng bằng cách dùng chính những trải nghiệm nghiên cứu của bản thân để bổ sung những chỗ trống trong bài giảng của anh Dương, và làm cho lớp học bắt đầu sôi động hơn. Và lối giảng này bắt đầu trở lên hiệu quả bắt đầu với những cánh tay dơ lên kèm với những câu vặn hỏi lại chúng tôi. Chúng tôi lại đi đến một quyết định “ác” hơn nữa, là tạo ra một số quy định trở thành những “điều luật bất thành văn” trong những thảo luận và trao đổi ở VSSS sau này: (1) “Không có ai tên là THẦY trong lớp học này! Chỉ có những người có kinh nghiệm hơn, hoặc đi trước để truyền lại cho người còn chưa biết! Và xưng hô sẽ là anh, chị,..!”, (2) “Mọi điều liên quan tới học thuật được trao đổi trong lớp học sẽ được bảo vệ, không hề sợ bất kỳ một quy chụp nào”. “Hiến pháp bất thành văn” này làm không khí lớp học trở nên vui vẻ và cởi mở hơn, bức tường “thầy – trò” như bị đạp đổ làm cho nhiều học viên mạnh dạn “bật lại” mấy giảng viên – điều mà chúng tôi đang trông đợi. Và cứ như vậy, lớp học đầu tiên của VSSS đã không còn như lớp học truyền thống ở Việt Nam, chẳng có ai chép từng lời của người dạy, cũng chẳng có khép nép “thưa thầy”, mà đầy ắp những “tranh cãi” và trải nghiệm mới. Phải nói thêm rằng, ý nghĩ mình là thầy của những học viên này chưa từng xuất hiện trong đầu chúng tôi. Chúng tôi thuần túy như những người đi trước họ một chút và chia sẻ những gì mình từng trải nghiệm với họ.

Tôi, Sơn, Hưng cùng tiếp theo sau anh Dương hoàn thành bài giảng của mình trong ngày. Ban đầu, chúng tôi đã dự trù trước rằng có thể sẽ nhiều người bỏ dở, nhưng hóa ra chúng tôi đã nhầm to (kể ra cũng nên xin lỗi anh chị em học viên vì những suy nghĩ sai trái ban đầu về các bạn :)). Không một ai bỏ về giữa chừng! Lớp học đầu tiên của buổi sáng thậm chí mọi người “nhập đồng” đến độ quên ăn trưa, và tôi phải lên tiếng tạm dừng khi nhìn đồng hồ đã gần một rưỡi chiều (tôi hiểu là ở Việt Nam mọi người thường đi ăn lúc trước 12h trưa). Chúng tôi phải tạm dừng lại để tất cả đi ăn trưa, và hẹn quay lại lúc 2h, và khi chúng tôi quay lại lúc 2h, tất cả học viên đã quay lại đầy đủ đễ sẵn sàng tiếp tục những “tranh cãi” đầy vui nhộn! Trường ĐHKHTN tiếp đãi chúng tôi không hề tệ chút nào, giải lao giữa buổi đều có trà nước, bánh ngọt ăn nhẹ, rất chuẩn “tea break” của các hội thảo khoa học. Lớp học buổi chiều còn “kinh dị” hơn! Cả lớp như quên mất thời gian, đến mức nhân viên bảo vệ phải gõ cửa giục chúng tôi ra về, lúc đó đã gần 8h tối! Lúc đó tất cả mới thấm mệt, nhưng không ai cảm thấy chút phí hoài với thời gian đã bỏ ra.

Sáng ngày thứ hai, tôi đến lớp sớm hơn chút so với giờ dạy, và đã có rất đông học viên có mặt để chuẩn bị buổi “hành xác”. Hôm nay mọi người đã gần gũi với nhau hơn hôm đầu tiên rất nhiều, và tôi đã được nhiều bạn “quây” hỏi đủ thứ chuyện (và tất nhiên cũng chủ yếu xoay quanh những chủ đề từ hôm trước). Có bạn kể với tôi họ khá bất ngờ về phong cách của mấy “anh thầy” đã dạy họ, rằng chưa từng thấy có kiểu dạy mà thầy chạy quanh lớp, ai thích thì tùy tiện cắt lời, rồi nào là thầy ngồi ngay trên bàn để cãi nhau tay đôi với học trò (vẫn chưa hết kiểu thầy – trò :P), chả giống kiểu học mà họ đã từng trải qua ờ Việt Nam.

(Còn nữa…)

UTEM và Photonic crystal: Con đường mới cho nghiên cứu photonics?

Lần đầu tiên kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM) được sử dụng để quan sát các tương tác lượng tử kết hợp giữa điện tử tự do và hốc quang tử đã mở ra những hiểu biết mới về các tương tác lượng tử trong các linh kiện quang tử. Nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ Technion – Israel đã phát triển công cụ dựa trên kính hiển vi điện tử truyền qua siêu nhanh cho phép quan sát được động học của ánh sáng khi bị bẫy trong các vật liệu nano quang tử. Công trình này có thể sẽ mở ra một xu hướng nghiên cứu mới trong quang tử học (photonics) với các khả năng quan sát trực tiếp các tương tác quang – lượng tử.

Quang tử học và thử thách siêu nhanh

Quang tử học – photonics  là ngành khoa học kĩ thuật nghiên cứu về thu phát và điều khiển ánh sáng, đặc biệt là việc sử dụng ánh sáng như một công cụ mang thông tin. Quang tử học hứa hẹn tạo ra các linh kiện với tốc độ siêu nhanh nhờ tốc độ tương tác rất nhanh của ánh sáng. Trong một tinh thể quang tử (photonic crystal), tương tác giữa xung ánh sáng cực ngắn ở trường gần và điện tử tự do – các hạt với dải năng lượng liên tục (khác với điện tử nằm trong liên kết chỉ chiếm các mức năng lượng rời rạc) tạo ra rất nhiều hiệu ứng quang học phi tuyến. Vì các tương tác với xung ánh sáng diễn ra ở tốc độ rất nhanh việc ghi nhận các hình ảnh ở kích thước nano là một thử thách lớn.

Hình 1. Ảnh chụp hệ thiết bị UTEM tại Viện Công nghệ Technion-Israel, được xây dựng từ thiết bị TEM JEOL JEM-2100 Plus.

Kính hiển vi điện tử truyền qua (transmission electron microscope – TEM) là một công cụ quan sát và phân tích với độ phân giải siêu cao ở cấp độ nguyên tử. Chùm điện tử của TEM đồng thời có thể đóng vai trò như một nguồn sóng điện tử tự do cung cấp cho các tinh thể quang tử. Thế nhưng các thiết bị TEM thông thường – nơi mà các chùm điện tử là chùm sóng liên tục – thường có tốc độ ghi ảnh hay phổ khá chậm (từ micro, 10-6 đến mili 10-3 giây), nên các nó không phải là công cụ được yêu thích trong các nghiên cứu về photonics, nơi cần tới khả năng phân giải thời gian lên tới pico (10-12) hay thậm chí femto (10-15) giây.

UTEM và con đường mới cho photonics

Hình 2. Nguyên lý thí nghiệm, trái: thiết bị UTEM với xung UV kích thích nguồn điện tử và kích thích mẫu vật; phải: tương tác trên mẫu bởi chùm điện tử tự do (sóng điện tử của UTEM) và xung ánh sáng, và tương tác quang này diễn ra trong hốc quang tử. Ảnh từ Nature 582, 50–54(2020).

Nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ Technion-Israel đứng đầu là  Ido Kaminer đã tìm ra giải pháp kết hợp công cụ TEM cho nghiên cứu photonics bằng việc xử dụng thiết bị UTEM (Ultrafast TEM – TEM siêu nhanh – hình 1) để quan sát các cấu trúc nano photonics.[i] UTEM là một thiết bị TEM sử dụng chùm xung điện tử cực ngắn (cỡ femto giây),[ii] cho phép ghi nhận ảnh và phân tích với độ phân giải thời gian lên tới femto giây. Để làm được điều này, chùm điện tử phát ra ở thiết bị TEM được sản sinh bằng cách dùng một xung ánh sáng cực mạnh kích thích lên cathode của nguồn điện tử (hình 2), vừa đồng thời đóng vai trò nguồn bức xạ ghi ảnh, đồng thời cũng là xung điện tử tự do để tác dụng lên mẫu vật. Xung ánh sáng này cũng kích thích mẫu – là một hốc quang tử SiN, vì vậy mà việc kích thích quang lên mẫu và quá trình ghi nhận ảnh, ghi phổ, được đồng bộ hóa bởi một xung ánh sáng gốc.

Hình 3. Quan sát trực tiếp tương tác lượng tử trong hốc quang học bằng UTEM: a) Ảnh TEM của một lỗ trên màng SiN, b) Ảnh EFTEM của lỗ cho hình ảnh Bloch-mode của hốc quang học, c) các mode dao động của điện tử phản ánh xác suất chiếm chỗ của điện tử trong các mức năng lượng, d) hàm Rabi theo vị trí trong hốc, e) phổ EELSS đo theo từng vị trí trong hốc cho phép xác định cấu trúc vùng năng lượng trong hốc. Hình từ Nature 582, 50–54(2020).

Sự kết hợp tuyệt vời này cho phép nhóm nghiên cứu lần đầu tiên quan sát được tương tác lượng tử một cách trực tiếp diễn ra trong hốc quang tử bằng việc chụp ảnh siêu nhanh (hình 3). Kết hợp với ghi nhận phổ tổn hao năng lượng điện tử (Electron Energy Loss Spectroscopy – EELS) phân giải trong thời gian thực, thời gian sống của photon trong tương tác động với điện tử tự do cũng được đo đạc một cách chính xác.

Giáo sư Kaminer phấn khởi chia sẻ trên Phys.org:[iii] “Thành tựu này thậm chí sẽ trở nên ảnh hưởng lớn hơn nếu chúng tôi tiếp tục nghiên cứu các vật liệu quang tử nano khác. Với một kính hiển vi với độ phân giải siêu cao, chúng tôi đang bắt đầu một bước tiến mới (cho các nghiên cứu photonics)”. Cách tiếp cận mới này có thể mở ra một xu thế mới cho nghiên cứu photonics với những ứng dụng cực kỳ rộng mở, ví dụ trong các công nghệ QLED, hay máy tính quang – lượng tử,..

Tổng hợp từ Nature & Phys.org

Bài viết này cũng được đăng trên Tạp chí Tia sáng ngày 23/6/2020

Tài liệu tham khảo và chú giải

[i] Wang et al., “Coherent interaction between free electrons and a photonic cavity“, Nature 582, 50–54(2020). Access: https://www.nature.com/articles/s41586-020-2321-x

[ii] UTEM thực chất là thiết bị đã được thương mại hóa, từ những phát kiến từ đầu những năm 2000 bởi nhóm nghiên cứu của Ahmed Zewail ở Caltech. Ahmed Zewail (1946 – 2016, nhà vật lý, hóa học người Ai Cập) được trao giải Nobel Hóa học năm 1999 cho những đóng góp trong nghiên cứu lý hóa ở tốc độ siêu nhanh. Xem thêm: Lobastove at al., “Four-dimensional ultrafast electron microscopy“, PNAS 102, 7069-7073 (2005). https://doi.org/10.1073/pnas.0502607102

[iii] Phys.org 4/6/2020: https://phys.org/news/2020-06-one-of-a-kind-microscope-enables-breakthrough-quantum.html.

Cuộc cách mạng trong quan sát và phân tích dưới cấp độ nguyên tử

Kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM) đã trở thành một công cụ quan sát và phân tích quen thuộc và hữu hiệu phổ biến khắp thế giới trong suốt hơn 80 năm qua. Những phát triển về công nghệ ghi nhận trong thời gian gần đây càng biết thiết bị này trở thành công cụ mạnh hơn bao giờ hết với các khả năng quan sát và phân tích siêu cấp mà các thiết bị khác không thể có được. Những tiến bộ này đang giúp các nhà khoa học vượt qua ngưỡng cửa nguyên tử để nhìn sâu vào thế giới vi mô, không chỉ hữu hiệu đối với các nghiên cứu cơ bản mà cả các nghiên cứu ứng dụng.

(Xem bài viết trên Tia sáng, số ra ngày 12/1/2019)

David Muller bên kính hiển vi FEI Titan.

Từ kính hiển vi quang học tới kính hiển vi điện tử truyền qua

Từ nhiều thế kỷ trước, các nhà khoa học luôn khao khát nhìn được tận mắt các cấu trúc nhỏ bé mà mắt thường không thể nhìn thấy. Antonie van Leeuwenhoek (1632 – 1723), nhà khoa học người Hà Lan, với phát minh ra kính hiển vi quang học vào cuối thế kỷ 17 đã hiện thực hóa mơ ước quan sát thế giới vi mô. Sự ra đời của kính hiển vi quang học, sử dụng ánh sáng khả kiến và thấu kính thủy tinh giúp cho thế giới vi sinh vật lần đầu tiên được quan sát. Ở thời đại của Leeuwenhoek, các công cụ ghi ảnh còn rất hạn chế nên các hình ảnh quan sát được thậm chí phải vẽ lại bằng tay. Nhờ công cụ kính hiển vi, các nhà khoa học đã lần đầu tiên nhìn được các tế bào và các vi khuẩn mà trước đó họ không có cách gì nhìn được.[1] Cho đến ngày nay, kính hiển vi sử dụng ánh sáng khả kiến được trang bị nhiều kỹ thuật tối tân hơn rất nhiều so với thời đại của Leeuwenhoek, với các công cụ ghi ảnh, các hệ thống tạo ảnh với nhiều cơ chế tương phản, vi chỉnh,.. Với sự kết hợp của nhiều hiệu ứng quang học đặc biệt, kính hiển vi quang học có thể phân giải tới cấp độ vài chục nanometer, và thành tựu gần đây nhất đã được trao giải Nobel Hóa học năm 2014.

Với các nhà nghiên cứu vi sinh vật, vài chục nanomet có thể là kích cỡ rất nhỏ so với các cấu trúc mà họ từng mong ước. Nhưng giới hạn phân giải này còn quá lớn đối với các thế giới vi mô trong mắt các nhà nghiên cứu vật lý, vật liệu, nơi các cấu trúc có kích cỡ vài hàng trăm lần nhỏ hơn như vậy, ví dụ đơn giản như khoảng cách giữa các mặt tinh thể hay bán kính nguyên tử vào cỡ vài Å tới dưới 1 Å (1 Å = 1/10 nm = 1/10.000.000.000 m). Có nghĩa là ánh sáng khả kiến hoàn toàn trở nên vô ích khi cố “nhìn” các cấu trúc này.[2] Sự phát hiện ra tia X, bức xạ điện từ có bước sóng cực ngắn, và việc sử dụng tia X trong phân tích tinh thể học giúp cho các nhà khoa học xác định chính xác các kích thước siêu nhỏ trong cấu trúc tinh thể, nhưng tia X việc tạo ra các thấu kính hội tụ X để biến thành các hình ảnh không hề dễ dàng.[3]

Hình 1. Độ phân giải của kính hiển vi điện tử TEM đã được nâng cấp hàng ngàn lần kể từ khi lần đầu tiên xuất hiện hơn 80 năm trước. Hình được sửa đổi từ hình nguyên bản trên Nature. [4]

Thật may mắn là các nhà khoa học lại nhìn thấy một loại sóng khác tiềm năng, sóng điện tử. Điện tử là một hạt vật chất (mang điện tích), nhưng theo nguyên lý de Broglie nó cũng đồng thời là một sóng khi chuyển động. Là một hạt mang điện tích âm, có khối lượng, khi được gia tốc bằng điện trường, điện tử có thể chuyển động như một sóng có bước sóng cực ngắn. Cũng nhờ điện tích, các tia điện tử có thể được điều khiển tính truyền qua từ trường tương tự như ánh sáng truyền qua thấu kính thủy tinh.[5] Đây là những cơ sở quan trọng để một thiết bị hiển vi mới ra đời vào năm 1931: kính hiển vi điện tử truyền qua (Transmission Electron Microscope – TEM), bởi Ernst Ruska và Ruska và Knoll. Thiết bị được ra mắt lần đầu tiên vào tháng 4/1932 với độ phóng đại chỉ vỏn vẹn 14 lần.[6] Thế nhưng, chỉ sau đó vài tháng, Ruska đã nâng cấp chất lượng của thiết bị này và khiến cả thế giới kinh ngạc với độ phóng đại 12 ngàn lần – một độ phóng đại mà không một thiết bị nào khác có thể làm được khi đó. TEM khiến giới khoa học khắp thế giới mê mẩn và chạy đua để tạo ra các thiết bị mới tối tân hơn. Nó nhanh tróng được phát triển và thương mại hóa ở Anh, Đức, Mỹ, Nhật, với độ phân giải đạt tới 2 nm vào năm 1944 cùng độ phóng đại 100 ngàn lần. Và hơn 10 năm sau đó, nhân loại lần đầu tiên quan sát được hình ảnh các mặt tinh thể platinum phthalocyanine (C32H16N8Pt) bởi các nhà nghiên cứu ở Anh vào năm 1956,[7] và hình ảnh các nguyên tử Silicon trong mạng tinh thể sau đó hơn 23 năm ở Đức,[8] bằng kỹ thuật “hiển vi điện tử truyền qua phân giải cao” (High-resolution Transmission Electron Microscopy – HRTEM). Ngày nay, HRTEM đã trở thành một kỹ thuật chụp ảnh quen thuộc có thể thực hiện ở hầu hết các thiết bị TEM để quan sát các mạng tinh thể với độ phân giải phổ biến từ 0,8 – 3 Å (thậm chí đạt tới 0,5 Å)[9]. Trong nhiều thập kỷ, TEM liên tục được phát triển với sự phát minh ra các kỹ thuật ghi ảnh như CCD camera, hay nguồn điện tử siêu đơn sắc, giúp cho TEM trở thành thiết bị quan sát tối tân với độ phân giải mà không thiết bị nào có thể đạt được. Bên cạnh khả năng quan sát, TEM là một thiết bị phân tích tối tân nhờ tương tác giữa điện tử và mẫu vật. Việc phân tích phổ năng lượng các bức xạ phát ra từ tương tác này (ví dụ tia X), hoặc phân tích phổ năng lượng điện tử truyền qua cho phép ghi nhận các nguyên tố hóa học, hay các liên kết quá học, và cho phép TEM vượt ra ngoài biên giới quan sát để trở thành một thiết bị phân tích cực mạnh với độ phân giải và chính xác cao.

Hình 2. Từ những hình ảnh phân giải cao đầu tiên của mạng tinh thể platinum phthalocyanine (a) ghi nhận lần đầu tiên năm 1959,6 cho tới các nguyên tử Ag trong mạng tinh thể của một hạt nano (b), các nguyên tử Si trong mạng tinh thể (c) và đơn nguyên tử Si (màu vàng) trong mạng tinh thể graphene (d).[10] Các bức ảnh (b,c) được chụp bởi tác giả bằng kỹ thuật HRTEM và HR-STEM tại Manchester có độ phân giải lần lượt 1,1 Å và 0,7 Å.

Một biến thể của TEM được manh nha từ năm 1938 là STEM (Scanning Transmission Electron Microscopy), có nghĩa là “kỹ thuật hiển vi điện tử truyền qua quét”, là chế độ hoạt động ở TEM dựa trên một chùm điện tử hội tụ thành một mũi dò siêu nhỏ, và quét qua mẫu (như các chùm tia điện tử quét trong màn hình TV cũ).[11] Kỹ thuật này cho phép xây dựng ra hình ảnh theo từng điểm ảnh được quét, và độ phân giải phụ thuộc vào kích thước mũi dò điện tử. Với sự phát triển của thấu kính từ và các kỹ thuật loại trừ quang sai, người ta đã xây dựng các thiết bị STEM với mũi dò điện tử siêu nhỏ tới mức dưới 0,5 Å.[12] Điều này cho phép thực hiện song song việc chụp các bức ảnh hiển vi siêu phân giải kết hợp với các phép phân tích với độ phân giải siêu cao, và hiện thực ước mơ quan sát các nguyên tử của nhân loại (Hình 2).

Cách mạng quan sát và phân tích

Sự phát triển của TEM càng thôi thúc các nhà nghiên cứu phân tích vật liệu đi sâu hơn vào thế giới vi mô ở mức độ hạ nguyên tử. David Muller cùng nhóm nghiên cứu của ông tại Đại học Cornell (Hoa Kỳ) đã giành nhiều năm sử dụng TEM để phân tích cấu trúc nguyên tử của vật liệu MoS2. Họ gặp phải nhiều trở ngại khi cố tìm cách “nhìn” vị trí và động học các nguyên tử lưu huỳnh (S) trong mạng tinh thể MoS2. Điều khó khăn ở đây là nếu dùng chùm điện tử năng lượng quá cao (nhằm tạo ra độ phân giải lớn) thì lại dẫn tới việc phá hủy mạng tinh thể. Nhóm của Muller đã cố gắng hạ năng lượng chùm điện tử xuống 80 kV.[13] Nhóm đã đạt một thành tựu vượt bậc với bức ảnh mạng tinh thể MoS2 (hình 3) với độ phân giải kỷ lục 0,39 Å bằng cách phát triển thiết bị ghi nhận chùm điện tử siêu nhạy (có thể ghi nhận từng điện tử đơn lẻ tới cả chùm mạnh), kết hợp với phương pháp phục hồi ảnh ptychography.[14] Thiết bị ghi nhận chùm điện tử của nhóm Muller được gọi là “cảm biến mảng điểm ảnh hiển vi điện tử” (electron microscope pixel-array detector – EMPAD) với khả năng “Vừa ghi nhận được các chấm đen trên mặt trời, mà đồng thời có thể chụp được ảnh khuôn mặt bạn tôi ở dưới bóng cùng một lúc” (theo lời của Muller).4 Thành tựu này làm kinh ngạc cả các nhà sản xuất lớn về thiết bị này: “Họ đã vượt qua các hãng lớn một cách kinh ngạc” – nhận xét của Damien McGrouther, nhà vật lý ở Đại học Glasgow (Anh) đang hợp tác phát triển thiết bị này cùng với công ty Quantum Detector ở Oxford (Anh). Phát minh của Muller về cảm biến này đã được chuyển giao cho tập đoàn Fisher Scientific hiện đang sở hữu thương hiệu kính hiển vi điện tử FEI nổi tiếng. Muller phấn khích ví von về công cụ TEM của mình: “Kính hiển vi nguyên bản nếu ví như máy bay cánh quạt thì giờ chúng tôi đang có một máy bay phản lực.

Hình 3. David Muller bên kính hiển vi FEI Titan (trái) và hình ảnh các mạng tinh thể MoS2 trước và sau khi xử lý nhờ thuật toán ptychography. Nút khuyết nguyên tử lưu huỳnh S được chỉ ra ở vị trí mũi tên.[15]

Phát triển các cảm biến và camera ghi nhận điện tử siêu nhạy và siêu nhanh đang trở thành một cuộc cách mạng trong việc nâng cao độ phân giải cho TEM. Ngày nay, các camera siêu nhanh có thể cho phép chụp tới 1000 khung hình trên giây để ghi lại các quá trình động học ở thang nguyên tử. Nhờ sự hỗ trợ của các kỹ thuật chế tạo, ngày nay TEM đã không còn đơn thuần là chiếc máy chụp ảnh và phân tích tĩnh, mà nó đã và đang được biến thành một phòng thí nghiệm trong buồng chân không để quan sát các quá trình động học vi mô (từ việc đốt nóng, làm lạnh, phản ứng pha lỏng, khí,..). Và xu thế này đang giúp các nhà khoa học hiểu được tường tận quá trình phản ứng, hay động học phân tử ở cấp độ nguyên tử. Cách tiếp cận này được gọi là “in-situ TEM”, cho phép các nhà khoa học tiến hành vừa quan sát sự thay đổi cấu trúc (ở cấp độ nguyên tử) song song với việc đo đạc tính chất, qua đó hiểu một cách chính xác mối tương quan giữa tính chất và cấu trúc vật liệu, hay sự tạo thành các cấu trúc và tính chất trong các quá trình phản ứng ở cấp độ nguyên tử. Đã có nhiều nhà khoa học dùng thuật ngữ “lab in a TEM” để mô tả TEM như một phòng thí nghiệm ở cấp độ nguyên tử.

Thay lời kết

Kính hiển vi điện tử truyền qua, TEM, một công cụ quan sát và phân tích tối tân được dùng trong các nghiên cứu thế giới vi mô, đã và đang âm thầm thực hiện một cuộc cách mạng trong việc tìm hiểu thế giới vi mô ở cấp độ nguyên tử và hạ nguyên tử. Trong hơn 80 năm tồn tại, nhân loại đã từng bước nâng cấp TEM và biến nó thành một “phòng thí nghiệm” phân tích tinh vi mà không một thiết bị phân tích nào có thể sánh được. Đã có hai giải Nobel được trao cho các thành tựu về TEM[16] như một sự ghi nhận sự đóng góp vĩ đại của công cụ này cho các nghiên cứu về thế giới vi mô.

Tài liệu tham khảo và chú thích

[1] Các công trình của Antonie van Leeuwenhoek được xuất bản trên các tạp chí của Hiệp hội Hoàng gia Anh (Royal Society), hiện nay có thể tham khảo tại: https://web.archive.org/web/20110717184722/http://www.vanleeuwenhoek.com/Letters.htm

[2] Giới hạn phân giải của các thiết bị hiển vi dùng thấu kính và bức xạ bị giới hạn bởi bước sóng của bức xạ. Trường hợp kính hiển vi quang học, ánh sáng có bước sóng từ hơn 300 nm – 700 nmm, sẽ không thể phân giải các cấu trúc nhỏ dưới một nửa thang này.

[3] Tia X có bước sóng nằm trong khoảng 0,01 – 10 nm, có nghĩa là nó có khả năng tạo phân giải ở cấp độ nanomet. Ngày nay, nhân loại cũng có cả kính hiển vi tia X với độ phân giải vào cỡ 10 – 30 nm.

[4] Tư liệu từ Nature (https://www.nature.com/articles/d41586-018-07448-0).

[5] Các công trình của Hans Busch (1884 – 1973), một giáo sư vật lý ở Đại học Jena tiên đoán về tính chất truyền các tia điện tử qua từ trường tương tự như sự truyền sáng qua thấu kính là cơ sở cho phát minh về thấu kính từ vào năm 1928 bởi nhóm của Adolf Matthias, và là cảm hứng để Ernst Ruska và Max Knoll phát minh ra TEM vài năm sau.

[6] Trong bài giảng Nobel năm 1986 khi được trao giải Nobel Vật lý 1986, Ernst Ruska thú nhận rằng lúc đầu ông và Max Knoll đãrất thất vọng và thậm trí xấu hổ không dám gọi là “kính hiển vi”.

[7] J. W. Menter, F. P. Bowden, The direct study by electron microscopy of crystal lattices and their imperfections, Proc. R. Soc. A 236, 119–135 (1956).

[8] Xem thêm: https://www.tf.uni-kiel.de/matwis/amat/def_en/kap_6/backbone/r6_3_4.html

[9] Thiết bị Jeol ARM300F TEM được lắp đặt tại PTN Diamond (Anh) có thể đạt độ phân giải tới 50 pm (0,5 Å). Xem chi tiết: https://www.diamond.ac.uk/Instruments/Imaging-and-Microscopy/ePSIC/Capabilities/JEOL-ARM300F-.html

[10] Ảnh từ SuperSTEM gallery: https://www.superstem.org/research/picture-gallery

[11] STEM phải đợi tới hơn 30 năm sau mới thật sự được phát triển nhờ việc tạo ra nguồn phát điện tử có chất lượng cao.

[12] Thiết bị siêu phân giải STEM mạnh nhất thế giới được xây dựng tại PTN SuperSTEM (Daresbury, Anh) có thể chụp ảnh và phân tích với độ phân giải tới 0,5 Å (xem thêm https://doi.org/10.1016/j.ultramic.2017.03.016).

[13] Năng lượng chùm điện tử phổ biến ở TEM là 80 – 300 kV, một số thiết bị cá biệt dùng năng lượng cực lớn có thể từ 400 – 1000 kV.

[14] Ptychography là thuật toán lần đầu được mô tả bởi Hegerl and Hoppe vào năm 1972, và sau đó được phát triển thành phương pháp khôi phục sóng dựa trên nhiễu xạ bởi nhà vật lý John Rodenburg ở Đại học Sheffield (Anh), lần đầu được giới thiệu kết hợp trong các kỹ thuật hiển vi điện tử vào năm 2012.

[15] Jiang, Y. et al. Electron ptychography of 2D materials to deep sub-ångström resolution, Nature 559, 343–349 (2018).

[16] Nobel Vật lý năm 1986 cho Ernst Ruska về phát minh ra TEM (cùng chia giải với Heinrich Rohrer, Gerd Binnig về phát minh ra STM), và Nobel Hóa học năm 2017 cho Joachim Frank, Richard Henderson, Jacques Dubochet về những đóng góp cho cryo-TEM.

Phòng Thí nghiệm Sinh học Phân tử Cambridge – Thành công đến từ tự do nghiên cứu và phi hành chính

Ngày 3/10/2018, Ủy ban Nobel Stockholm thông báo về giải thưởng Nobel Hóa học năm 2018, xướng tên Sir Greg Winter, nhà khoa học sinh hóa người Anh (cùng chia giải với hai nhà khoa học khác người Mỹ), cựu phó giám đốc của Phòng Thí nghiệm Sinh học Phân tử Cambridge (MRC-LMB). Trước đó một năm, một thành viên khác của đơn vị này là Richard Henderson cũng vừa được trao giải Nobel Hóa học cho các đóng góp về kính hiển vi điện tử cryo. Việc một phòng thí nghiệm hai năm liên tục được nhận giải Nobel danh giá (trước đó đã có tới 11 giải Nobel được trao cho các nghiên cứu từ đơn vị này) là một thành tích xuất sắc là hiếm một trung tâm nghiên cứu nào trên thế giới có thể đạt được. Những thành tựu của MRC-LMB là một minh chứng cho thành công trong nghiên cứu khoa học đến từ tự do nghiên cứu và đơn giản hóa các cấu trúc quản lý hành chính, có thể là một bài học hữu ích cho nhiều quốc gia muốn đầu tư trọng điểm cho khoa học.

Lịch sử phát triển và  những thành công vang dội

Phòng Thí nghiệm Sinh học Phân tử Cambridge (tên tiếng Anh MRC Laboratory of Molecular Biology) là một trung tâm nghiên cứu đặt tại phía nam thành phố Cambridge (Vương quốc Anh), nơi có Viện Đại học Cambridge lừng danh. Trung tâm nghiên cứu này nhận tài trợ trực tiếp từ Hội đồng Nghiên cứu Y khoa (Medical Research Council) của Chính phủ Anh, và ví thế trong tên gọi có thêm chữ viết tắt MRC của Hội đồng này. So với lịch sử nghiên cứu khoa học đồ sộ của nước Anh, MRC-LBM quả là còn khá “non trẻ” với 56 năm tuổi đời, nhưng những thành tựu của MRC-LBM thì không hề thua kém bất cứ một đơn vị có bề dày lịch sử nào.

Năm chính thức LBM được thành lập là 1962, cách đây 56 năm, nhưng LBM bắt đầu được manh nha từ năm 1947 bởi các nhà vật lý ở Phòng Thí nghiệm Cavendish danh tiếng của Viện Đại học Cambridge. Vào năm 1947, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Anh quốc (MRC) quyết định tài trợ cho hai nhà khoa học Max Perutz và John Kendrew ở Cavendish để thành lập một đơn vị nghiên cứu cấu trúc protein dựa trên tinh thể học tia X. Đơn vị này được đặt tại PTN Cavendish mang tên “Unit for Research on the Molecular Structure of Biological Systems” và nó nhanh tróng phát triển và trở thành nơi khai sinh cho ngành sinh học phân tử với các nghiên cứu về sinh học phân tử, bao gồm cấu trúc DNA, cấu trúc virus,.. Cấu trúc xoắn kép của DNA được xây dựng năm 1953 chính ngay tại phòng thí nghiệm này, và đơn vị được đổi tên là “MRC Unit for Molecular Biology”. Frederick Sanger là nhà khoa học đầu tiên của nhóm nghiên cứu này được trao giải Nobel Hóa học năm 1958 về cấu trúc protein và insulin.[1] Giải Nobel của Sanger là một cú hích lớn cho giới nghiên cứu sinh hóa ở Anh và MRC nhanh chóng nhận thấy tiềm năng ứng dụng to lớn trong y học của các nghiên cứu tại đơn vị này và quyết định đầu tư và phát triển đơn vị này thành một phòng thí nghiệm trọng điểm. Tháng 5 năm 1962, MRC-LMB được thành lập thành một phòng thí nghiệm độc lập dựa trên đơn vị trước đó. Max Perutz là chủ tịch đầu tiên của phòng thí nghiệm, bao gồm ba bộ môn chính: nghiên cứu cấu trúc đứng đầu là John Kendrew, di truyền phân tử đứng đầu là Francis Crick và hóa học protein đứng đầu là Frederick Sanger. Và ngay trong năm đó, các nghiên cứu của LMB lại được vinh danh bằng giải Nobel Y học giành cho Francis Crick và Jim Watson (cho các nghiên cứu về cấu trúc DNA) và giải Nobel Hóa học cho John Kendrew và Max Perutz (cho các nghiên cứu về cấu trúc haemoglobin & myoglobin) – một sư ra mắt thành công chưa từng có trong lịch sử và danh tiếng của MRC-LMB chính thức được xác lập.

Cho đến nay, đã có 12 công trình khoa học của LMB được trao giải Nobel khoa học, với 15 nhà nghiên cứu của LMB được nhận giải Nobel, cùng với 11 nhà khoa học khác là các cựu sinh viên và nhà khoa học từng làm việc hoặc bắt đầu nghiên cứu tại LMB được nhận giải Nobel. Có nghĩa là LMB, một phòng thí nghiệm với 400 nhà khoa học (trong đó có 130 postdoc và 90 nghiên cứu sinh) đã đóng góp cho thế giới tới 16 Nobel gia, chủ yếu trong lĩnh vực y sinh và hóa học, và được gọi là “Nhà máy sản xuất giải Nobel”.[2] Nhiều thành tựu khoa học được tạo ra từ LMB được coi là thay đổi thế giới, như cấu trúc DNA của Crick, xác định trình tự DNA của Sanger, tế bào gốc vạn năng của John Gurdon,[3] giải mã bộ gen người của John Sulston,.. Và gần đây nhất, các nghiên cứu tại LMB đã hai lần liên tục được trao giải Nobel Hóa học (2017, 2018). Không chỉ thành công rực rỡ trong các nghiên cứu cơ bản, MRC LMB cũng là một trung tâm chuyển giao công nghệ y sinh thành công, tạo ra thu nhập hơn 700 triệu bảng từ các hợp đồng chuyển giao công nghệ và các công ty spin-off (ví dụ như Domantis, Cambridge Antibody Technology, Ribotargets, Protein Design Labs, Celltech, Biogen).[4]

1024px-cmglee_cambridge_lmb_lecture

Một giờ seminar tại LMB (22/6/2018), ảnh từ wikipedia.org.

Bài học từ thành công của MRC LMB

LMB nhận tài trợ trực tiếp từ hội đồng MRC theo ngân sách cho từng 5 năm (con số tài trợ cho 2012-2017 là 170 triệu bảng Anh) và xây dựng cấu trúc theo từng nhóm nghiên cứu (hiện tại LMB có hơn 50 nhóm nghiên cứu). LMB thu hút các nhà nghiên cứu trẻ bằng chương trình MRC’s Programme Leader-Track (PLT) scheme.[5] Chương trình này trả lương cho nhà nghiên cứu LMB (lương khởi điểm hiện tại là £51,608 – £61,942) theo một tenure-track ban đầu là 6 năm, và bất kỳ thời điểm nào trong thời gian tenure-track, nhà nghiên cứu đều có thể được chuyển sang dạng biên chế vĩnh viễn khi được đánh giá đủ năng lực. Đã có không ít các nhà nghiên cứu trẻ không thể có được biên chế tại LMB sau tenure track nhưng phần lớn đều thành công và tiếp tục các nghiên cứu của họ. Việc tuyển dụng nhanh chóng và tài chính hiệu quả cho phép LMB thu hút các nhà khoa học trẻ tiềm năng với những ý tưởng nghiên cứu mới, thậm chí ngay cả các nhà khoa học chỉ mới tốt nghiệp nghiên cứu sinh chưa lâu. Một trường hợp được giám đốc Hugh Pelham ca ngợi như một minh chứng của việc thu hút giới trẻ là tiến sĩ Jason Chin, gia nhập LMB năm 2003 chỉ sau khi làm postdoc tại Mỹ vài tháng, và hoàn toàn thuyết phục được các nhà tuyển dụng của LMB sau bài thuyết trình. Jason Chin nhanh chóng trở thành một nhà khoa học xuất sắc của LMB và nhận giải thưởng của Châu Âu cho nghiên cứu xuất sắc. Venki Ramakrishnan, nhà khoa học của LMB giành giải Nobel Hóa học năm 2009 thuật lại kinh nghiệm tuyển dụng tại LMB rằng “Chúng tôi không quá quan tâm đến việc ứng viên có các bài báo impact-factor cao hay không, mà chúng tôi có các tiêu chuẩn riêng ít đánh giá hơn về công bố khoa học, mà một trong những yếu tố quan trọng là ứng viên có dám theo đuổi các mục tiêu dài hạn, các thử thách khoa học mới”. Ramakrishnan chia sẻ rằng “chúng tôi lắng nghe thuyết trình của họ, mang họ tới thăm cơ quan của chúng tôi để thảo luận về ý tưởng, mục tiêu nghiên cứu để cảm nhận đó có phải là ứng viên tốt hay không”.[6]

201105708vrapernobelculture_ramakrishnan_200x200_3

Venki Ramakrishnan trong giờ uống trà giải lao với các sinh viên của mình (ảnh chụp của phóng viên Vivienne Raper năm 2011.

Là một phòng thí nghiệm của Anh, nhưng LMB là một môi trường quốc tế hóa cao độ với nhiều quốc gia khác nhau ở tất cả các châu lục, và số lượng nhà khoa học “quốc nội” chỉ chiếm chưa tới 1/3. Tổng số cán bộ hiện tại của LMB là 650 người trong đó bao gồm hơn 400 nhà nghiên cứu và hơn 180 nhân viên hỗ trợ nghiên cứu (kỹ thuật viên, nhân viên hành chính). Bộ máy của LMB nổi tiếng trên thế giới là có truyền thống cực kỳ tinh gọn với mức cơ cấu hành chính tối giản. Cấu trúc quản lý hiện tại chỉ có Ban giám đốc, xuống tới các trưởng nhóm. Trong gần 20 năm đầu mới thành lập, LMB thậm chí không hề có giám đốc chính thức và chỉ có một nhân viên hành chính duy nhất Audrey Martin (kèm với một chú chó hàng ngày).[7] Max Perutz, giữ chức vụ chủ tích LMB từ 1962-1979 (không phải giám đốc) khi tổng kết những kinh nghiệm ở LMB có một câu rất vắt tắn “Không có chính trị, không hội đồng, không phản biện, chỉ có những con người cực kỳ tài năng mà thôi” (No politics, no committees, no referees, just talented highly motivated people). Khi nghiên cứu kinh nghiệm thành công của LMB, nhà khoa học ở Đại học Quốc gia Chung-Hsing (Đài Loan) đã kết luận rằng “Họ đã gạt quan liêu sang một bên để nghiên cứu tiến bước”.[8]

Nghiên cứu tại LMB là các nghiên cứu cơ bản và rất sâu. Logic thông thường mà nhiều người thường cho rằng các nghiên cứu cơ bản có thể tiềm năng cho các giải Nobel nhưng không đem lại nhiều lợi nhuận kinh tế cho ứng dụng thì LMB lại chứng minh điều này không hoàn toàn chính xác. Bên cạnh tiền đầu tư trực tiếp của MRC, LMB còn tạo ra hàng trăm triệu bảng lợi nhuận từ các công nghệ mình tạo ra từ các nghiên cứu thông qua hợp đồng chuyển giao công nghệ và các công ty spin-out. Một điểm khiến lãnh đạo LMB luôn tự hào là LMB là mảnh đất của các ý tưởng nghiên cứu tiên phong, hoàn toàn mới chưa từng được làm ở nơi nào khác trên thế giới, và điều này đạt được nhờ cả văn hóa làm việc tại LMB là “những giờ giải lao vui vẻ” (tea-break triumphs). Những giờ uống trà, cà phê giải lao của LMB là những thời gian thư giãn vui vẻ tạo ra sự kết nối giữa các thành viên của LMB, và nó cũng là thời điểm mà mọi ý tưởng có thể đem thảo luận và mổ xẻ. Không khí ngang bằng được tạo ra giữa các thành viên LMB và không hề có sự khác biệt nào giữa lãnh đạo với nhân viên, hay sinh viên với giáo viên hướng dẫn trong các tranh luận tại LMB. LMB khuyến khích thảo luận và kết nối trong các thành viên, một sinh viên được khuyến khích thảo luận vấn đề của mình không chỉ với giáo viên hướng dẫn của mình, mà cả với bất kỳ một nhà nghiên cứu có kinh nghiệm khác để tìm lời tư vấn, tìm các cách giải quyết vấn đề.

800px-cmglee_cambridge_lmb_lab

Một phòng thí nghiệm tại LMB (ảnh chụp ngày 22/6/2013 từ Wikipedia.org).

Các nhà nghiên cứu tại LMB được khuyến khích theo đuổi các vấn đề nghiên cứu lớn, các ý tưởng hoàn toàn mới thay vì bó hẹp trong việc tạo ra các bài báo khoa học theo chỉ tiêu. Và LMB là một trong số ít phòng thí nghiệm ở Anh nơi mà áp lực công bố khoa học được xem là không cao. “LMB có một truyền thống là cố gắng tuyển dụng những người tài giỏi và để mặc họ tự do làm việc” – Leo James, trưởng nhóm nghiên cứu trong bộ môn Hóa học Protein và Acid Nucleic cho biết. Tất nhiên để có được điều này thì phải kể đến một phần không nhỏ đến từ ngân quỹ dồi dào mà MRC cấp cho LMB theo chu kỳ 5 năm một lần (ví dụ con số 2012-2017 là 170 triệu bảng Anh), và ngân quỹ này sẽ được cấp cho các nhóm (bên cạnh các đề tài bên ngoài mà các nhóm có được) thông qua các dự án và việc cấp kinh phí này được tiến hành nhanh hơn rất nhiều so với thời gian xin các dự án bên ngoài. Tất nhiên mô hình có tính chất bao cấp này cũng được cảnh báo rủi ro một khi các nhà khoa học mất đi động lực khám phá mới.

Thay lời kết

Sự thành công của Phòng Thí nghiệm Sinh học Phân tử Cambridge trong hơn 50 phát triển trong cả nghiên cứu cơ bản và ứng dụng là một ví dụ tốt để nhiều nước học tập (mô hình LMB đã được tái bản cả ở Mỹ). Sự thành công này không chỉ là trong một vài thời điểm mà nó được tạo ra liên tục trong suốt quá trình phát triển của đơn vị. Sự thành công đó được đánh giá là đến từ môi trường làm việc phi hành chính, phi chính trị, tự do nghiên cứu và cởi mở. Bỏ qua các cơ cấu quan liêu để giúp nghiên cứu cất cánh – đó là bí quyết đơn giản mà nhiều người đã tổng kết từ sự thành công của LMB, và có thể là một bài học quý giá cho Việt Nam khi mà nước ta đang có tham vọng tạo những đầu tư nghiên cứu trọng điểm.

 Xem bài viết được đăng trên Tia sáng (17/10/2018)

Tài liệu tham khảo và chú thích

[1] Frederick Sanger lần thứ 2 được trao giải Nobel Hóa học là năm 1980 cho các thành tựu về giải trình tự DNA

[2] https://www2.mrc-lmb.cam.ac.uk/about-lmb/fast-facts/

[3] John Gurdon được trao giải Nobel Y học năm 2012 cho các thành tựu nghiên cứu về tế bào gốc vạn năng chủ yếu từ hơn 10 năm ông làm việc tại MRC LMB (1971-1983).

[4] https://www2.mrc-lmb.cam.ac.uk/about-lmb/

[5] Tham khảo: https://mrc.ukri.org/about/mrc-jobs/

[6] Vivienne Raper (2011): “A Nobel Prize–Winning Culture”, Science http://dx.doi.org/10.1126/science.caredit.a1100063

[7] W. Bynum, “What makes a great lab?”, Nature 490, 31–32 (2012).

[8] M-L. Wong, “Bureaucracy bypass let research flourish”, Nature 490, 487 (2012).

Lái xe và học lái xe ở Anh (phần 2)

Trong phần trước, tôi đã giới thiệu sơ qua về chuyện lái xe ở Anh, cũng như chuyện sở hữu xe, bảo hiểm xe, và các chi phí phát sinh khi “nuôi” một chiếc ô tô ở Anh. Chi phí nuôi xe thực tế cũng không hề rẻ, nhưng có một điều rất rõ ràng là có xe hơi riêng là một điều rất tiện lợi (dù bạn có thể không dùng thường xuyên). Và để lái xe thì điều đầu tiên là bạn cần phải biết lái xe và có bằng lái xe. Bài viết này sẽ giới thiệu về học lái xe và thi lái xe ở Anh.

Phần 2. Học lái xe và lấy bằng lái xe ở Anh

Bằng lái xe (driving licence) ở Anh cũng là một dạng “giấy tờ tùy thân”, hay “chứng minh thư nhân dân”: là một thẻ chip được thiết kế để chống làm giả, trên đó lưu cả thông tin cá nhân của chủ thẻ (trên chip). Địa chỉ nơi ở chủ chủ sở hữu (cùng với ảnh, ngày sinh, loại bằng lái, ngày cấp,..) được in trực tiếp trên bằng lái, nên nó cũng được dùng như một giấy tờ xác định địa chỉ. Một người được phép thi lấy bằng lái xe ở Anh nếu như:

  • Tối thiểu 17 tuổi,
  • Cư trú ở Anh hợp pháp với thời hạn cho phép tối thiểu 180 ngày (6 tháng) : sinh viên quốc tế, lao động quốc tế,.. ở Anh với visa loại cư trú tối thiểu 6 tháng có thể được phép đăng ký thi lấy bằng lái xe (có nghĩa là những người có visa dạng du lịch, thăm thân sẽ không được cấp bằng lái ở Anh);

Bằng lái xe của Anh có thời hạn 10 năm, và được phép dùng để lái xe ở 97 quốc gia và vùng lãnh thổ (mà không cần đổi bằng lái hoặc thi sát hạch), và được coi là bằng lái xe “powerful” nhất thế giới. Vậy thì việc bạn sở hữu một bằng lái xe của Anh chẳng những tiện lợi khi lái xe ở Anh mà còn cực kỳ tiện lợi khi đi nước ngoài. Và phần này sẽ chia sẻ những kinh nghiệm lấy bằng lái xe ở Anh. Chú ý là mọi thông tin chi tiết bạn có thể check trên website của chính phủ Anh.

david-cameron-spoof-drivi-008
Bằng lái xe của Cựu Thủ tướng Anh David Cameron có địa chỉ tại 10 Downing Street, London (nơi cư trú khi ông này còn là thủ tướng). Ảnh từ http://theukister.co.uk/.

Để có bằng lái xe, bạn cần vượt qua 2 kỳ thi sát hạch: i) thi lý thuyết trên máy tính và ii) thi lái thực hành trên phố, và hãy nhớ rằng nước Anh luôn “tự hào” là nơi khó nhất thế giới để có được bằng lái xe ô tô (cũng vì thế mà chiếc bằng lái xe ở Anh rất có giá trị). Báo Guardian của Anh đã thuật lại câu chuyện của một người Mỹ (là một nghiên cứu sinh ở Đại học Cambridge) vừa lấy được bằng lái ở Anh, và có những so sánh thú vị giữa thi lái xe ở Mỹ và Anh. Anh này coi bằng lái xe ở Anh như một bằng “tiến sĩ lái xe”, và khó hơn rất nhiều so với việc có được bằng lái xe ở Mỹ: một kỳ thi lý thuyết cực kỳ khó, phải cẩn thận như thế nào khi lái xe, phải đi chính xác ra sao,…  khi thi lấy bằng ở Anh. Anh ta cũng lý giải một điều dễ hiểu là ở Anh mật độ dân cư cao gấp 8 lần Mỹ, đường phố hẹp hơn,.. đòi hỏi người ta cần phải cẩn trọng hơn rất nhiều so với ở Mỹ nên việc đòi hỏi cao khi cấp bằng lái xe ở Anh là điều dễ hiểu. Và với anh ta, việc lấy được bằng lái Anh giúp anh ta trở nên lái xe cẩn trọng hơn rất nhiều và hoàn toàn đáng tự hào khi cầm chiếc bằng lái Anh.

Chi tiết hơn, dưới đây là những bước cần làm để qua hai kỳ thi trên. Chính phủ Anh cũng hướng dẫn như bước cơ bản  tại đây:

  1. Đăng ký một bằng lái xe tạm thời (provisional driving licence)

Bằng lái xe tạm thời  (provisional driving licence) là chiếc bằng đầu tiên (nó cũng có thể được dùng làm giấy tờ tùy thân – một điều thú vị kể từ 2011, giấy tờ tùy thân kiểu như “thẻ căn cước”, “chứng minh thư nhân dân” ở Anh đã không còn tồn tại) bạn cần có để có đăng ký thi lý thuyết, học lái xe và thi lái xe. Bạn có thể làm việc này hoàn toàn trực tuyến hoặc đăng ký ở bưu điện. Để làm trực tuyến, bạn cần thực hiện trên trang web của chính phủ, trả £34 lệ phí (bằng thẻ thanh toán trực tuyến: VISA, Mastercard,.. – phí tính ở thời điểm năm 3/2018). Sau khi bạn hoàn thành việc này, DVLA (Cục Quản lý Phương tiện và Cấp bằng lái – Driver & Vehicle Licensing Agency) sẽ gửi đến cho bạn một form để yêu cầu xác định thân nhân của bạn, bạn chỉ việc làm đúng những chỉ dẫn trong form (rất đơn giản) và gửi lại form đó cho DVLA, và bạn sẽ nhận lại chiếc bằng lái tạm thời (có in chữ L – Learner, hoặc D nếu bạn Wales) trong vòng 3 tuần. Chiếc bằng này bạn có thể dùng trong vòng 20 năm. (Người ta sẽ thu chiếc bằng tạm thời này để cấp cho bạn bằng lái chính thức khi bạn đỗ kỳ thi sát hạch lái xe).

uk-driving-licence_provisional_front_flag
Một ví dụ về bằng lái xe tạm thời – Provisional Driving License (Ảnh: https://www.ereg-association.eu/)

  1. Học lý thuyết và thi lý thuyết

Bạn phải tự học về lý thuyết cơ bản (luật đường bộ, các quy tắc cơ bản khi tham gia giao thông,..) qua các tài liệu chính thức của Chính phủ Anh:

  • Bộ tài liệu chuẩn về các quy tắc tham gia giao thông đường bộ The Highway Code;
  • Tài liệu học thi được bán rất phổ biến (ví dụ như tại đây);

Thi lý thuyết lái xe tại Anh sẽ gồm 2 phần thi:

  • Thi trắc nghiệm kiến thức cơ bản (về các quy tắc tham gia giao thông, cứu thương,..), bao gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm trong vòng 57 phút (làm trên máy tính). Bạn cần trả lời đúng ít nhất 43/50 câu hỏi. Có khoảng đâu đó 950 câu hỏi (dạng multiple choice) trong ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm thi lý thuyết, bạn có thể mua DVD thi lý thuyết (Driving Test Success All Tests) về để học và luyện các bài thi thử.
  • Thi nhận biết rủi ro khi lái xe (hazard perception test): 3 phút sau khi hoàn thành phần trắc nghiệm, bạn sẽ phải ngồi theo dõi 14 video clip mô phỏng việc lái xe trên đường phố, và click chuột vào các tình huống mà bạn cho rằng có thể có rủi ro (hay hiểm họa) cần đề phòng khi lái. Với 14 clip này, điểm tối đa là 75, và bạn cần đạt tối thiểu 44/75 điểm để đạt phần thi này. Phần đông người trượt lý thuyết đều ở phần thi này. Bạn nên thực hành kỹ trước khi thi để hiểu quy tắc (DVD lý thuyết mà tôi đề cập ở trên cũng có nội dung ôn luyện cho phần này).

Để đỗ kỳ thi lý thuyết, bạn cần pass cả hai phần thi nói trên, và khi hoàn thành bài thi, bạn sẽ được biết ngay kết quả, và nhận giấy chứng nhận pass kỳ thi lý thuyết ngay lập tức nếu bạn đỗ. Bạn sẽ dùng giấy này khi thi thực hành.

theory-test-question-screen
Một câu hỏi ví dụ của thi lý thuyết (Ảnh: https://www.learnerdriving.com/)

Lệ phí thi lý thuyết là £23 (tính đến tháng 3/2018), và bạn có thể tự mình đặt thi lý thuyết trên mạng (tùy chọn trung tâm thi tiện nhất cho bạn, tùy chọn thời gian và ngày thích hợp). Kỷ lục về thi trượt lý thuyết là một phụ nữ ở Ilford đã thi tới 113 lần mà chưa đỗ (trong khi kỷ lục cho quý ông là 107 lần).

  1. Học lái xe và tìm thầy học lái xe

Bạn có thể học lái xe trên đường ngay khi có bằng lái xe tạm thời mà không cần phải đợi tới khi đỗ lý thuyết (đỗ lý thuyết là điều kiện để được thi thực hành). Việc học lái xe ở Anh khá tự do, và là một thị trường nhộn nhịp. Tự do theo nghĩa là bạn có thể dùng người nhà có trên 3 năm kinh nghiệm cầm lái ngồi cạnh để dạy bạn lái xe (với điều kiện xe bạn phải gắn biển L – learner, và xe có mua bảo hiểm cho bạn lái – chú ý là bảo hiểm cho learner sẽ khá đắt vì theo nguyên tắc, người mới học lái bao giờ cũng có nhiều rủi ro hơn so với người đã có bằng lái). Thị trường là ở chỗ có rất nhiều thầy dạy lái xe (driving instructor), nhiều trường dạy lái xe (driving school) với giá cả cạnh tranh nhau – mức trung bình theo giờ là khoảng £20/h (giá cả năm 2018, vùng Manchester). Giá này có thể cao hơn tùy theo người dạy, tùy khu vực, hoặc cũng có thể thấp hơn, tương tự như hàng hóa trên thị trường.

Chỉ cần dùng google search vài từ khóa liên quan tới dạy lái xe kèm theo khu vực mà bạn đang sống, bạn sẽ dễ dàng tìm được danh sách những người dạy lái xe gần nơi bạn sống. Chính phủ Anh có danh sách các driving instructor được cấp phép của chính phủ, bạn có thể dễ dàng tìm được những người đó gần khu vực bạn cần (tại đây) kèm theo các thông tin liên lạc chi tiết của họ (hãy tham khảo danh sách này để tránh bị lừa bởi những kẻ vô danh). “Kinh hoàng” hơn nữa là hàng năm chính phủ công bố cả danh sách tỉ lệ đỗ của học trò các driving instructor (tại đây) và bạn có thể tham khảo để chọn lấy một instructor hiệu quả. Điều này dẫn đến thị trường làm driving instructor cũng rất cạnh tranh để kiếm được tiền từ người học. Các instructor sẽ phải tận tình dạy làm sao cho học trò mình đậu (chứ ko phải cứ làm người ta trượt rồi học tiếp kiếm tiền mà hay), giá cả cũng phải cạnh tranh với người khác, đón người học tận cửa, đưa về đến tận nơi sau khi kết thúc. Về điểm này học lái xe ở Anh hơn đứt đất nước Đan Mạch mà tôi từng học, giá học thì đắt cắt cổ (gấp 2-3 lần UK), không cạnh tranh, người dạy thì kiêu như con hiêu, tự vác xác đến trường học, tự vác xác về, thầy dạy không care lắm tới việc làm sao để trò đỗ (hay ít nhất với instructor của tôi ở Đan Mạch là như vậy). Nước Anh không yêu cầu số giờ học tối thiểu để được phép thi lái xe (kể cả bạn không học giờ nào, nhưng nếu pass lý thuyết, nhảy lên xe lái chuẩn lúc thi là được cấp bằng). Vì cạnh tranh nên nhiều driving instructor cũng có nhiều dịch vụ dạy lái khác nhau: dạy theo giờ, hay dạy tập trung nhanh, gói học chọn gói,… Và hầu như bạn có thể đặt học lái tùy theo giờ giấc mà bạn chọn. Có những người học nhanh thì mất khoảng 20h học lái đã thi đỗ và lái tự tin, có những người có thể mất nhiều hơn thế vài lần,.. (vợ tôi chỉ mất chưa tới 40h lái xe, và đỗ ngay lần học đầu tiên).

Bằng lái xe của Anh phân làm 2 loại: bằng lái xe số sàn (manual) hoặc số tự động (automatic). Bạn cần chọn loại nào dễ với bạn để học và thi (chú ý là bằng lái xe số sàn có thể dùng để lái xe số tự động, nhưng ngược lại thì không).

  1. Đặt lịch thi và thi lái xe

Việc thi lái xe ở Anh có thể chủ động chọn (địa điểm, thời gian) bởi người thi. Có nghĩa là bạn có thể chọn thi ở bất kỳ trung tâm thi lái xe nào (bạn có thể tìm tại đây), vào thời gian tùy theo bạn đặt (tất nhiên tùy theo có còn slot trống). Sau khi có kết quả đỗ thi lý thuyết, bạn có thể đặt lịch thi lái (tại đây). Chi phí thi lái xe hiện nay là £62 cho ngày thường, hoặc sẽ là £75 nếu bạn muốn thi vào cuối tuần, hay là ngày nghỉ lễ hoặc buổi tối (chú ý là không phải trung tâm nào cũng có các giờ thi như vậy và không phải lúc nào cũng có thi vào các thời gian đặc biệt như vậy). Cách chung mà mọi người thường làm là học lái xe cho tới khi bạn quen với việc lái, sau đó đặt lịch thi (để có một mốc phấn đấu) và sau đó học tập trung để thi đõ chứ không học lan man không biết ngày tháng (vì vừa tốn tiền mà lại không có đích phấn đấu).

rule-182-do-not-cut-in-on-cyclists_orig
Một tình huống thi lái xe: Bạn sẽ trượt nếu hành xử như tình huống bên trái (major fault), và hành vi bên phải là đúng và an toàn (biết nhường xe đạp). Ảnh: https://www.highwaycodeuk.co.uk

Kinh nghiệm thi lái xe ở Anh là bạn chọn một trung tâm thi không quá xa nơi bạn ở (ví nếu xa quá thì hàng ngày bạn mất thời gian lái xe đến đó khi học lái) làm nơi thi chính, tìm thầy dạy có kinh nghiệm ở khu vực đó và hàng ngày học lái ở xung quanh khu vực thi. Instructor có kinh nghiệm tức là người từng có nhiều học trò thi đỗ tại đó, họ sẽ thuộc các tuyến đường mà thi sát hạch chạy qua và hiểu các vấn đề của từng tuyến đường để dạy ta. Bạn có thể tham khảo danh sách các trung tâm nào tỉ lệ đỗ (lần đầu) cao để chọn, hoặc tránh các trung tâm tỉ lệ trượt cao để tránh không thi ở đó nếu ngại. Mức độ dễ hay khó ở các trung tâm sát hạch không phải do người chấm (examiner) dễ hay khó, mà thường đến từ các tuyến đường phức tạp hay đơn giản (ví dụ với người thiếu kinh nghiệm thì lái trong trung tâm đông đúc có thể là khó), vì thế quan trọng vẫn là việc bạn lái xe ra sao.

3a9ddf58e6e24451ace9fef578925000
Khi thi sát hạch, examiner sẽ ngồi ghế bên cạnh bạn. Trong tình huống này, examiner phải thò tay vào tay lái giúp bạn, có nghĩa là bạn đã tạo ra một tình huống nguy hiểm và bạn sẽ bị trượt vì gây ra lỗi nguy hiểm này (Ảnh: https://www.autotrader.co.uk/)

Để thi đỗ bạn sẽ phải lái xe mà không bị mắc quá 15 lỗi nhỏ (minor faults) và không có một lỗi lớn (major faults; major faults lại được liệt làm hai dạng là serious fault – lỗi nghiêm trọng và dangerous fault – Bài thi sẽ bị stop nếu bạn gây ra dangerous fault, ví dụ như suýt đâm vào người khác) nào. Hãy nhớ là dù bạn chỉ có một lỗi nhỏ (hay thậm chí không có lỗi nhỏ nào), nhưng có một lỗi lớn thì sẽ vẫn trượt (hay là mắc tới 16 lỗi nhỏ thì chắc chắn trượt). Cách thức thi như sau (tham khảo tại đây):

  • Thời gian thi khoảng 40-45 phút;
  • Bạn cần có mặt tại trung tâm thi vào giờ thi mà bạn đã book (thường được khuyên là có mặt trước 15 phút), và examiner đầu tiên sẽ kiểm tra bằng lái xe tạm thời và yêu cầu bạn ký vào bảng chấm thi (việc này nhằm check đúng người thi);
  • Đầu tiên examiner sẽ yêu cầu bạn đọc biển số xe của một chiếc xe cách bạn chừng 20 m (việc này để kiểm tra mắt nhìn của bạn – nếu bạn bị cận thị thì nhớ chuẩn bị kính cho tốt) và sau đó cùng lên xe mà bạn sẽ lái, ngồi ở ghế phía trước bên cạnh bạn. Bạn cũng có thể yêu cầu instructor đi cùng bạn (ngồi ở ghế sau) để quan sát, nhưng instructor sẽ không được phép trợ giúp bạn;
  • Examiner sẽ hướng dẫn bạn chi tiết các yêu cầu thi cử bằng lời, và đảm bảo việc bạn hiểu yêu cầu thi và vào việc chính đầu tiên với phần thi “Tell me & Show me”. Đây là phần liên quan tới các kỹ thuật của xe mà bạn cần hiểu (bạn có thể tham khảo các câu hỏi của phần này tại đây). Chú ý: nếu câu hỏi là “Tell me” có nghĩa bạn sẽ trả lời bằng lời, còn “Show me” có nghĩa là bạn sẽ cần thực hiện các thao tác trên xe. Hãy học thuộc (và cả hiểu rõ) các câu hỏi này để trả lời trôi chảy ngay từ đầu (nếu bạn không trả lời được sẽ dễ dẫn tới tâm lý căng thẳng cho các phần thi tiếp theo). Nhưng theo instructor của vợ tôi trấn an thì nếu bạn trả lời sai các câu hỏi này thì cũng chỉ bị đánh lỗi minor.
  • Khi phần “Tell me and Show me” kết thúc (thường có 2 câu hỏi), bạn sẽ bắt đầu lái xe theo tuyến đường mà examiner yêu cầu. Sẽ có hai phần lái bạn cần thực hiện: lái theo chỉ dẫn của examiner (ví dụ như họ yêu cầu đi thẳng rồi rẽ trái, bạn cứ lái theo đó, nếu không nói gì thì cứ tiếp tục lại), và thực hiện một số thao tác (gọi là driving maneuver) như đỗ xe song song, quay xe trên phố,..; và lái xe độc lập (independent driving). Independent driving là phần thi khó nhất kéo dài khoảng 20 phút, bạn sẽ phải lái xe một cách độc lập để đi đúng một tuyến đường quy định (hoặc đến một địa điểm quy định) bằng cách dùng dẫn đường bằng bản đồ (Sat Nav) hoặc bằng cách nhìn các biển chỉ dẫn trên đường (tham khảo tại đây). Đôi khi bài thi có thể bắt đầu bằng phần independent driving trước tùy theo examiner yêu cầu.
  • Bài thi kết thúc khi examiner yêu cầu bạn lái xe trở lại trung tâm sát hạch và đỗ xe vào nơi quy định.

response20to20road20markings
Một tình huống gây lỗi lớn khiến bạn trượt: không biết sử dụng các vạch vẽ trên đường và tạo ra ác tắc giao thông ở junction box (Ảnh: https://www.safedrivingforlife.info)

Bạn sẽ ngay lập tức biết kết quả bài thi của minh khi xe đỗ, examiner sẽ yêu cầu cả instructor của bạn ngồi cạnh để giải thích chi tiết các lỗi mà bạn từng mắc phải trong bài thi và trả bạn bảng kết quả kèm với chi tiết các lỗi mà bạn vừa mắc phải:

  • Nếu bạn trượt (không ai mong muốn nhưng nó vẫn luôn xảy ra với nhiều người, trong đó từng cả tôi), bạn sẽ phải thi lại và thời gian chờ giữa hai lần thi là 10 ngày. Bạn nên đọc kỹ bảng chấm để biết mình từng mắc lỗi gì và học lại để loại bỏ các lỗi đó (đặc biệt là các lỗi lớn);
  • Nếu bạn đỗ (quá tuyệt), examiner sẽ chúc mừng bạn (nhưng vẫn cho bạn biết bạn mắc phải những lỗi gì để nên tránh khi lái xe trong tương lai), thu hồi bằng lái xe tạm thời của bạn, và trao cho bạn chứng chỉ thi đỗ kỳ sát hạch (với tên bạn và số bằng lái xe), và từ đây bạn được lái xe chính thức mà không cần có instructor. Bằng lái chính thức (Full driving license) sẽ được tự động gửi tới nhà bạn (địa chỉ mà bạn đăng ký trong bằng lái) trong vòng 3 tuần lễ

Lần đầu khi nghe về cách thức thi lái xe như vậy, tôi từng nghĩ nó quá dễ (so với kiểu thi lái xe chip trên sân tập ở Việt Nam) vì cho rằng lái trên đường trong điều kiện giao thông nghiêm chỉnh trật tự như ở đây thì quá dễ. Nhưng khi tham gia mới thấy không hề dễ và đúng là thi sát hạch lái xe ở Anh thuộc loại khó khăn nhất (nhưng cũng rất rõ ràng và công bằng). Bạn sẽ cần phải lái xe:

  • Một cách tự tin, an toàn và đúng luật (mà không có lỗi lớn và không vượt quá 15 lỗi nhỏ – no one can drive without faults);
  • Không gây cản trở giao thông, thành thạo các thao tác với xe

moving20off20safely
Một tình huống gây lỗi lớn (Major fault) khi thi lái xe: bạn xuất phát từ lề đường mà không quan sát điểm mù, thản nhiên cho xe chạy mà không biết có xe đang từ phía sau lao đến. Tình huống này examiner sẽ đạp phanh xe và bạn sẽ trượt (Ảnh: https://www.safedrivingforlife.info)

Với hai nguyên tắc căn bản nêu trên, bạn sẽ bị trượt nếu bị vướng vào các lỗi (lỗi nghiêm trọng):

  • Lái xe sai tốc độ quy định: hoặc là quá nhanh (ví dụ như đường quy định tốc độ tối đa 50 mph – 80 km/h, mà bạn lái xe tới 60 mph thì là quá nhanh – sẽ ăn đòn), hoặc là quá chậm (ví dụ đường quy định 40 mph mà bạn chỉ đi có 25 mph thì sẽ là quá chậm). Đừng tưởng chậm là an toàn vì chậm sẽ gây ùn tắc giao thông hoặc cản trở người phía sau. Quy tắc: đi đúng tốc độ quy định trên đường (bạn cần thuộc tốc độ chuẩn và quan sát đường để biết tốc độ đi trên đường – ví dụ như đi đường nhỏ trong khu dân cư đông thì phần lớn tốc độ chỉ là 20 mph). Có một số examiner khá tốt bụng, khi thấy bạn đi sai tốc độ (đi chưa lâu và chưa quá nghiêm trọng) có thể nhắc khéo bạn bằng câu hỏi: What is speed limit of this road?
  • Không chịu quan sát: khi khởi động xe bạn không chịu quay đầu quan sát các điểm mù, hay khi chuyển làn đường, khi rẽ, khi giảm tốc độ, khi dừng xe,.. mà không quan sát kỹ gương xe thì hầu như bạn sẽ bị đánh lỗi lớn (major fault) và sẽ trượt. Hay khi bạn rẽ ra đường lớn từ đường nhỏ, mà vội vàng để xe đi phía sau đuôi bạn phải đột ngột giảm tốc độ (thậm chí bóp còi) thì là lỗi lớn của tội không chịu quan sát.
  • Không nhường đường: cái này chắc chắn chết vì nhường là quy tắc đầu tiên cần nhớ. Bạn cần nhường đường đúng theo các quy định chuẩn của luật giao thông (ví dụ như nhường đường khi đi từ đường nhỏ ra đường chính, khi đi vào roundabout, nhường đường cho người đi bộ khi gặp pedestrian crossing, nhường đường cho phương tiện khi rẽ phải…).
  • Không biết sử dụng roundabout: roundabout là kiểu nút giao thông mà người Anh có vẻ rất thích và hầu như bất kỳ ai thi lái xe cũng đều gặp phải. Quy tắc chung: nhường đường cho phương tiện đang đi đến (từ bên phải), sử dụng xi nhan đúng khi vào và ra khỏi roundabout (tham khảo). Hay video này có thể hướng dẫn bạn cách đi qua roundabout (ở Anh) như thế nào.
  • Dừng, đỗ xe sai nơi quy định: trong quá trình thi sát hạch, examiner rất thường xuyên yêu cầu bạn dừng xe tại một nơi an toàn nhất để quan sát việc bạn dừng đỗ xe đúng quy cách. Bạn sẽ cần dừng lại bên lề đường (tại vị trí được phép dừng và cách lề đường với khoảng cách hợp lý) kèm theo việc quan sát kỹ phía sau, lề đường, ra dấu xi nhan. Bạn mà dừng xe tại cổng nhà người khác là sai luật, hay dừng xe vào vệ đường cấm dừng xe là lỗi lớn. Sau đó examiner có thể yêu cầu bạn thực hiện các yêu cầu (ví dụ ra instruction về independent driving hay làm các thao tác maneuver,..) hoặc bảo bạn đi tiếp khi an toàn để xem bạn xuất phát ra sao (lúc đó nếu bạn xuất phát sai quy cách cũng sẽ bị đánh lỗi lớn).
  • Không biết nhường đường cho các xe ưu tiên khi gặp (có tình huống đường đông, examiner thậm chí có thể hướng dẫn bạn phi xe lên vỉa hè để nhường cho xe ưu tiên).
  • Không biết thực hiện các thao tác maneuver: không thể đỗ xe song song, không biết quay xe (3-point turn)
  • Không giữ đúng khoảng cách với các xe xung quanh (trước mặt, hai bên) – lỗi không an toàn;
  • Liên tục để chết máy gây cản trở giao thông (chết máy 1-2 lần không phải vấn đề gì, hãy bình tĩnh ngay lập tức khởi động lại máy và tiếp tục đi, đừng để các xe phía sau đợi lâu và bóp còi thúc giục)
  • …vv.. còn gì nữa?

Chi tiết về các lỗi lớn (hay nguy hiểm) mà bạn cần tránh có thể tham khảo tại đây. Có một điều thú vị mà người ta rút ra từ data của các kỳ thi sát hạch: người càng thông minh, càng có bằng cấp cao lại có xác suất trượt kỳ thi sát hạch lái xe (ở Anh) nhiều hơn. Người giữ kỷ lục trượt thi lái nhanh nhất là Craig Barraza ở Aberdeenshire chỉ 5 giây sau khi xuất phát vì lao thẳng vào làn đường ngược chiều (bên phải), trong khi Christian Whiteley-Mason (ở Barnsley, South Yorkshire) giữ kỷ lục về kiên trì this au khi phải mất tới 25 năm (từ 1992) để có được bằng lái xe vào năm 2017 sau khi trải qua 33 lần thi (và 14 instructor khác nhau), tiêu tốn hơn £10,000 cho việc học lái xe.

response20to20traffic20lights
Lái xe lao qua vạch dừng khi đèn đỏ vừa chuyển qua cũng là một lỗi lớn khiến bạn trượt (Ảnh: https://www.safedrivingforlife.info/)

Bạn cũng nên chú ý rằng lỗi nhỏ cũng có thể biến thành lớn khi mà bạn lặp đi lặp lại lỗi đó nhiều lần (ví dụ như xe liên tục chết máy tới 4-5 lần thì examiner có thể quy cho bạn chưa thành thạo về xe và chưa xứng đáng cấp bằng), và ngược lại, cũng có khi lỗi lớn lại có thể được xem xét thành lỗi nhỏ tùy theo hành xử của bạn trọng toàn bộ bài thi. Ví dụ, lỗi không quan sát gương chiếu hậu khi giảm tốc độ dể dừng xe có thể bị coi là lỗi lớn khi bạn đang đi xe giữa đường, và bạn giảm tốc mà không quan sát gương chiếu hậu để biết rằng phía sau bạn đang có xe chạy khá gần. Nhưng có tình huống examiner có thể cân nhắc đánh giá thành minor fault khi cả bài thi của bạn khá tốt (kể cả các hành vi) khi xe phía sau đi cách bạn cũng khá xa và không ảnh hưởng gì tới giao thông. Đây là kiểu các lỗi thuộc dạng “critical fault” mà việc quy nó vào minor hay major là 50/50. Bạn cũng hãy nhớ rằng nếu examiner phải thò tay (hay chân) vào xe có nghĩa là bạn đã mắc lỗi lớn và sẽ trượt (ví dụ như examiner thò tay đẩy tay lái, hay thò chân đạp phanh xe).

rule-151-do-not-block-access-to-a-side-road_orig
Một tình huống nhạy cảm có thể khiến bạn trượt bài thi nếu dừng xe sai vị trí trên đường giao thông nối dài. Hãy tưởng tượng nếu bạn lái xe màu xanh (ở cuối hàng) và đang phải tạm dừng trên đường vì một ùn ứ. Vị trí ở trong hình là chuẩn xác, nhưng nếu bạn cố lái xe thêm một chút gây cản chở các xe ở làn đối diện đang muốn rẽ phải vào đường cắt ngang, bạn sẽ có nguy cơ bị đánh lỗi lớn. Ảnh: https://www.highwaycodeuk.co.uk

Rất nhiều người lái xe thành thục khi học (như trường hợp bản thân tôi, khi học lái instructor thậm chí khuyên đừng phí tiền học thêm nhiều giờ nữa) nhưng trượt vì bị vấn đề tâm lý. Mỗi lần vào thi đều cảm thấy rất hồi hộp và gây ra những lỗi rất ngớ ngẩn. Và tâm lý này sẽ càng lớn khi bị trượt vài lần, và cách đỗ được phải là giải tỏa được tâm lý căng thẳng này. The Privilege DriveXpert (trong kết quả công bố về tỉ lệ trượt cao hơn ở những người có trình độ cao) lý giải rằng những người càng có trình độ cao, càng dễ có tâm lý hồi hộp và dẫn đến xác suất trượt thi sát hạch cao hơn. Tâm lý này xuất phát từ việc họ coi bài thi sát hạch là một điều gì đó rất nghiêm túc và nếu trượt họ sẽ rất xấu hổ ngại ngùng với mọi người.

Thay lời kết, lái xe (mà cụ thể trong bài này là lái ô tô) là việc không còn là điều mới mẻ (nhất là ở các nước phát triển). Bạn có nhu cầu lái xe, hãy học lái xe (để có thể lái xe một cách an toàn, đúng luật) và thi bằng lái xe. Bằng lái xe của Anh được coi là khó kiếm nhất nhưng cũng rất có giá trị để có thể lái xe khắp nơi trên thế giới. Hi vọng bài viết này cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quát nhất về các quy tắc lái xe chung ở Anh và nguyên tắc chung để có thể có bằng lái xe. Chúc bạn lái xe an toàn (an toàn của chính bản thân và gia đình bạn, an toàn cho những người xung quanh)!

Lái xe và học lái xe ở Anh

Sống ở Anh, hay các nước phát triển khác (Đức, Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn,..) thì việc có biết lái xe (tức là có bằng lái xe ô tô) và có một chiếc xe hơi riêng không phải là việc gì cao sang (mà hình như giờ ở Việt Nam việc này cũng không phải là điều gì quá mức khi mà giờ có rất nhiều người có thu nhập cao). Ngay cả khi bạn không thường xuyên đi lại bằng phương tiện cá nhân, thì việc biết lái xe và có bằng lái xe vẫn luôn rất tiện lợi cho bạn khi cần, ví dụ khi đi chơi xa bạn có thể thuê xe tự lái (việc này đặc biệt tiện lợi khi bạn có gia đình với trẻ nhỏ),.. Bằng lái xe ở các nước Châu Âu (trong đó có Anh), Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Úc,.. là những bằng lái xe “rất powerful”, vì chúng có thể dùng để lái xe ở khắp nơi trên thế giới mà không cần thi đổi bằng lái (nếu bạn muốn đổi sang bằng lái local, bạn không cần thi thêm kỳ thi sát hạch nào). Vì thế, một khi sống ở Anh (hay các nước phát triển khác) nếu không khó khăn về kinh tế và thời gian, bạn cũng nên có một tấm bằng lái xe. Bài này sẽ chia sẻ với bạn những kinh nghiệm về lái xe, cũng như học lái xe ở Anh (điều này có thể tương tự ở nhiều nước Châu Âu khác).

Phần 1. Lái xe, sở hữu xe ô tô ở Anh

Vương quốc Anh là nơi sinh ra kiểu giao thông đi bên trái đường (khác với Việt Nam chúng ta lái xe phía bên phải). Số nước trên thế giới theo kiểu lái xe bên trái của Anh chiếm thiểu số và hiện nay còn khoảng đâu đó 70 nước, vùng lãnh thổ lái xe bên trái (xem danh sách này), hầu hết đều có gốc gác dính dáng tới Anh (từng là thuộc địa của Anh), như Australia, New Zealand, Singapore, Hong Kong, Ấn Độ.., hoặc những nước thiết chế kiểu Anh, như Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia,.. Có nghĩa là nếu học lái xe ở Anh (quen đi bên trái đường) thì bạn vẫn có thể lái tự tin ở khá nhiều nước chứ không hoàn toàn là không thể dùng được ở đâu.

Nhưng ngay cả khi bạn quen lái xe bên trái như ở Anh, bạn vẫn hoàn toàn lái xe một cách thoải mái ở nhiều nước lái bên phải. Ví dụ như xe ở Anh, có thể chạy thẳng sang các nước EU (lái bên phải) và được chấp nhận lưu thông bình thường (và ngược lại). Khi bạn mua bảo hiểm lái xe ở Anh, bảo hiểm thường cover cả lái xe ở EU trong một thời gian. Có nghĩa là nếu bạn lái xe thuần thục ở Anh (lái bên trái), thì bạn cũng sẽ chẳng gặp vấn đề gì lớn khi lái xe ở các nước lái bên phải cả. Tôi vẫn thấy nhiều bạn và đồng nghiệp của tôi từ các nước lái xe bên tay phải ở EU, sang UK lái xe bên tay trái hoàn toàn tự tin và không gặp chút vấn đề gì.

Nhiều người nói rằng lái xe ở Việt Nam rồi thì sang UK (hay “sang Tây”) cứ gọi là chấp một mắt, đi đơn giản, thi vèo cái lấy bằng ngay. Nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại (từ chính bản thân tôi). Tôi từng lái xe ở Việt Nam, có bằng lái Việt Nam (điểm thi lái xe ở Việt Nam của tôi là cao tuyệt đối – không mất điểm nào kể cả lý thuyết lẫn thực hành), nhưng tôi phải trầy trật mới lấy được bằng lái xe ở Anh (sau khi trượt cả ở Đan Mạch). Kinh nghiệm của tôi và một số bạn khác từng lái xe ở Việt Nam sau đó ra nước ngoài thì là một khi bạn từng lái xe ở Việt Nam, bạn thường bị nhiễm phải nhiều thói quen lái xe rất xấu ở Việt Nam (ví dụ như, tùy tiện lấn đường, không nhường đường, lái tốc độ tùy tiện không đúng tốc độ, không quan sát gương, không quan sát kỹ điểm mù khi xuất phát, không giữ đúng khoảng cách hoặc dùng sai làn đường,…).  Ở UK hay các nước đang phát triển quả thật dễ dàng ở chỗ rất ít khi gặp cảnh sát giao thông bắt lỗi (ví dụ như hiếm khi nào có ai bị phạt vì lỗi bánh xe đè vạch như ở Việt Nam), hầu hết các xe đều tuân thủ luật rất nghiêm ngặt và tự giác khiến cho  giao thông trở nên đơn giản hơn, nhưng nếu bạn không lái xe tuân thủ các quy tắc giao thông, bạn có thể gây tay nạn chết người, ví dụ, như không chịu nhường đường khi rẽ phải ở Anh (hay rẽ trái ở Đức), hoặc đi từ ngõ ra đường lớn, hay đi vào roundabout (vòng xuyến) mà không dừng lại quan sát, nhường đường, bạn có thể gây tai nạn vì các xe khác chạy rất nhanh (đúng với tốc độ tối đa cho phép đi trên đường).

m25pa
Lái xe trên đường cao tốc ở Anh cũng là một thử thách: tốc độ cao với nhiều làn rối rắm (Ảnh: https://www.aol.co.uk)

Quy tắc lái xe chung ở Anh (và các nước phát triển khác mà tôi biết, như Đức, Đan Mạch,..) là lái xe hết với tốc độ tối đa cho phép trên đường nhằm đảm bảo giao thông liên tục không bị tắc nghẽn (ví dụ như trên đường phố, tốc độ cho phép là 30 mph (tức là khoảng gần 50 km/h), hay trên cao tốc sẽ là 70 mph (gần 120 km/h) thì sẽ chạy 30 mph trên đường phố và 70 mph trên cao tốc (ngoại trừ khi ách tắc giao thông).Tùy tiện đi quá chậm hay quá nhanh, tùy tiện chuyển làn, lấn làn (ví dụ như đường tắc, nhưng cũng không ai đi xe vào làn ngược chiều để vượt dù không có dải ngăn cách) không phải là những thói quen lái xe thường thấy.  Nói chung, “bên Tây” lái xe nhanh thì cực nhanh nhưng cũng rất bình tĩnh và kiên nhẫn đợi, nhường chứ không cố gắng nhanh ẩu, mà cũng không lừ lừ đi chậm gây cản trở người khác.

Lái xe luôn có xu hướng giữ làn đường bên trái (sẽ là làn bên phải nếu ở các quốc gia lái bên tay phải), và dùng làn bên phải để vượt (hoặc rẽ phải). Khi vượt qua, xe sẽ lại trở lại làn bên trái khi đủ an toàn. Quy tắc nhường đường (ví dụ như vào roundabout, đi từ đường nhỏ ra đường lớn, cắt nhau đường ưu tiên,.. nhường người đi bộ ở nơi qua đường – pedestrian crossing) là phải tuyệt đối tuân thủ. Ngoài ra khi có các xe ưu tiên (xe cứu thương, cứu hỏa, cảnh sát) thì phải ngay lập tức tránh đường  nhường các xe này. Đường xá ở UK thì cũng không phải quá hiện đại (nói thật ra là hạ tầng cơ sở ở UK đã rất cũ kỹ vì đã được xây lâu đời), chỉ được cái đồng bộ, rõ ràng. Khi lái xe, bạn chỉ cần tuân thủ đúng các biển hiệu, vạch đường,.. thì không bao giờ sợ bị phạt. Ví dụ như nhìn một đường, bạn sẽ  biết ngay lập tức được bạn có thể đỗ xe được hay không khi nhìn các biển báo, vạch kẻ đường, hay đỗ xe bị charge phí, hay là không thể đỗ xe,.. mà không sợ phải cãi nhau với cảnh sát giao thông rằng chỗ này có được đỗ hay không, hay cũng chẳng bao giờ sợ ai đó bôi bẩn xe bạn vì đỗ phía ngoài cửa hàng của họ như ở Việt Nam..

Tuy rất ít khi thấy bóng dáng cảnh sát giao thông, nhưng một khi bị camera giám sát chụp ảnh vi phạm, thì chủ xe sẽ nhận vé phạt gửi đến tận nhà rất nhanh, và nếu không đóng tiền phạt, vé phạt tiếp theo gửi đến sẽ có mức phạt tăng lên và sau đó sẽ là trát của tòa án gọi bạn ra tòa. Lúc đó sự việc sẽ trầm trọng hơn vì bạn coi thường luật pháp. Ở Anh có một hình thức “giảm giá phạt” cho những người đóng tiền phạt sớm. Ví dụ như lỗi đi vào làn đường xe bus (hoặc đường cấm) ngoài giờ cho phép, bạn sẽ bị phạt £60. Nếu bạn đóng tiền phạt sớm (bạn có thể dùng thẻ đóng online, hoặc ra các off-license shop, hay bưu điện đóng,..vv) trước ngày quy định, bạn sẽ được giảm một nửa tiền phạt (tiền này tự động tính giảm giá khi bạn nộp mà bạn không cần yêu cầu). Mức nặng của phạt vi phạm giao thông là trừ điểm bằng lái hoặc ra tòa khi có các lỗi nghiêm trọng. Ví dụ như cựu cậu thủ Manchester United Wayne Rooney bị cảnh sát Wilmslow bắt khi lái xe trong tình trạng say xỉn vào đêm 1/9/2017, phiên tòa ngày 18/9 đã xử phạt Rooney bị cấm lái xe trong 2 năm và phạt 12 tháng lao động công ích tương đương 120 giờ lao động công ích (ví dụ như đi rọn rác công viên..). Lỗi quá tốc độ được quy định phạt 100 bảng và trừ 3 điểm vào bằng lái (trong vòng 3 năm nếu bạn bị trừ 12 điểm, bằng lái sẽ bị hủy bỏ – nặng hơn với các lái xe mới, trong vòng 2 năm đầu tiên kể từ khi có bằng lái, nếu bạn chỉ cần bị 6 điểm phạt, bạn cũng sẽ bị hủy bằng lái). Một thói quen mà rất nhiều lái xe Việt Nam hay mắc là thản nhiên vừa lái xe vừa gọi điện thì ở Anh, bạn sẽ bị phạt 200 bảng và 6 điểm phạt, hay thậm chí phạt tù nếu bạn gây các tai nạn nguy hiểm. Nói chung  mọi người nói “lái xe ở Tây” dễ như bỡn cũng không hẳn sai, nhưng mang thói quen lái xe từ Việt Nam sang áp dụng thì nhẹ thì bị phạt tiền mà nặng thì tước bằng lái hay vào tù như bỡn.

97845593_rooneypa2
Ngôi sao bóng đá Wayne Rooney ra tòa 9/2017 vì tội Wayne Rooney bị cảnh sát Wilmslow bắt khi lái xe trong tình trạng say xỉn vào đêm 1/9/2017 (Ảnh: BBC.co.uk)

Giá xe ở Anh nói chung rẻ so với Việt Nam, và thậm chí còn rất rẻ nếu bạn mua xe cũ (gọi là xe cũ, có nghĩa là xe đã qua xử dụng, có thể rất cũ, hoặc gần như mới). Mua bán xe (cả cũ cả mới) là một thị trường sôi động ở Anh, bạn có thể dễ dàng mua xe, hoặc bán lại xe cũ của bạn nếu muốn đổi xe khác (việc sang tên đổi chủ là hoàn toàn miễn phí). Thậm chí bạn có thể mua xe cũ online và chở đến tận nhà, hay mua trả góp rất dễ dàng (dù là xe cũ hay xe mới) ở các car dealer. Mua bán cá nhân thì thậm chí còn rẻ hơn, nhưng tất nhiên rủi ro cao hơn so với mua từ các dealer (mua xe cũ từ dealer thì sẽ có bảo hàng khoảng 3 tháng, loại trừ các xe kiểu CAT – xe hỏng sửa lại do bảo hiểm vứt đi).

Vấn đề lớn nhất trong việc lái xe ô tô riêng ở Anh là bảo hiểm (có lẽ lớn nhất với các tài xế mới hoặc tài xế trẻ). Bảo hiểm xe hơi ở Anh là tự do theo thị trường và không phải ở một mức cố định. Giá của một gói bảo hiểm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố:

  • Chiếc xe bạn lái (ví dụ như xe đắt tiền thì nguy cơ đền bù cao hơn nên giá bảo hiểm có thể cao hơn);
  • Độ tuổi của người lái: thống kê của Bộ Giao thông Anh (ví dụ như con số năm 2015) thì có tới 75% các tai nạn xe hơi nghiêm trọng là do các tài xế trẻ (trong độ tuổi từ 17-24) trong khi tổng số tài xế trẻ lái xe chỉ khoảng 7%. Vì thế ở độ tuổi dưới 25, bảo hiểm xe hơi ở Anh là rất đắt đỏ (trung bình thường trên £2400 một năm);
  • Kinh nghiệm của người lái xe: năm đầu tiên bảo hiểm thường khá đắt đỏ, và con số này sẽ giảm đáng kể ở các năm tiếp theo và sau 2-3 năm lái xe thì bảo hiểm đã giảm đi đáng kể;
  • Nghề nghiệp của người lái: nếu người lái xe (đứng tên bảo hiểm) làm các nghề nghiệp hay phải lái xe nhiều thì tiền bảo hiểm sẽ tăng lên (vì người ta cho rằng nguy cơ rủi ro cao hơn);
  • Sử dụng xe nhiều hay ít: xử dụng xe càng nhiều (annual mileage) thì tiền bảo hiểm càng nhiều;
  • Khu vực của địa chỉ nhà: địa chỉ đăng ký xe nếu ở các khu vực nhiều trộm cắp xe chẳng hạn, thì bảo hiểm sẽ càng tăng lên (vì theo logic là nguy cơ mất trộm xe cao hơn); hay nếu nhà bạn có sân đỗ xe riêng thì sẽ tốn ít tiền bảo hiểm hơn là so với việc bạn phải đõ xe ngoài phố (vì nguy cơ va chạm sẽ cao hơn nếu bạn đỗ xe ngoài phố).
  • Bằng lái xe từ nước ngoài đến sẽ bị tính nhiều tiền hơn,

speeding-fines-tickets-new-laws-rules-uk-government-795209
Cảnh sát Anh (nước Anh không có lực lượng cảnh sát giao thông chuyên trách như Việt Nam): rất ít thấy trên đường để tóm xe vi phạm giao thông như ở Việt Nam, nhưng cũng xuất hiện rất nhanh và phạt rất nghiêm (Ảnh: https://www.express.co.uk).

Bảo hiểm ở Anh là bảo hiểm cho người lái xe gắn với chiếc xe cụ thể đó, một người dù có bằng lái, nhưng sẽ bị coi là bất hợp pháp khi lái một chiếc xe mà bảo hiểm không cover cho anh ta (ví dụ như xe của tôi, nhưng bạn tôi lái là không được phép nếu như bảo hiểm của tôi không có tên bạn tôi trong đó). Điều này cũng có mặt tích cực là ít có tình trạng tùy tiện dùng xe như ở Việt Nam (theo tôi hiểu thì bảo hiểm xe hơi ở Việt Nam là bảo hiểm cho chiếc xe, một khi bảo hiểm được mua thì bất kỳ ai có bằng lái đều nhảy lên lái là hợp pháp – nếu sai xin giúp tôi correct điều này??).

Năm đầu tiên mua bảo hiểm xe hơi ở UK khá đắt, có thể từ £1000-£2000 tùy theo từng người (tùy địa chỉ nhà, tùy nghề nghiệp – theo các tiêu chí mà tôi nói bên trên), và giá mua bao hiểm thay đổi xoành xoạch theo thị trường, giá cả có thể thay đổi theo từng ngày khi bạn quote bảo hiểm trên mạng. Có rất nhiều nhà cung cấp bảo hiểm. Từ năm thứ hai trở đi, giá bảo hiểm giảm đáng kể (như của tôi giảm tới 2 lần kể từ năm thứ 2) và sau vài năm giá giảm chỉ còn khoảng £500-700 (như một đồng nghiệp của tôi lái xe 5 năm chỉ mất chưa tới £600 bảo hiểm).

Ngoài ra cũng còn những khoản tiền khác cần xem xét, như thuế đường (tùy thuộc vào xe thải nhiều khí hay ít, ít thì 0, hay £20-30, hay thậm chí một vài trăm bảng một năm,.. vì thế khi mua xe cần xem xét thông số thải CO2 của xe nhiều hay ít), phí kiểm định hàng năm MOT (có thể từ £15-30), bảo dưỡng xe định kỳ hàng năm (có thể một vài trăm bảng), xăng xe, tiền đỗ xe,..

Nói chung mua xe thì dễ, lái xe cũng không khó, nhưng nuôi xe cũng là một việc cần tính toán. Nhưng một điều chắc chắn là việc đầu tiên cần làm khi muốn lái xe là phải có bằng lái xe.

(Đón đọc phần 2: Học lái xe và lấy bằng lái xe ở Anh)

John Sulston – Người giải mã bộ gen người vừa qua đời

Một tin buồn với các nhà y-sinh học trong tuần vừa qua: John Sulston, nhà sinh học người Anh vừa qua đời ở tuổi 75 do bệnh ung thư dạ dày. John Sulston, người được trao giải Nobel Y, Sinh lý học năm 2002, và được biết đến như những nhà nghiên cứu tiên phong trong việc giải mã bộ gen người, và quyết liệt ủng hộ việc truy cập mở miễn phí toàn bộ dữ liệu bộ gen. John Sulston qua đời một cách đột ngột như gây sốc cộng đồng khoa học chỉ sau khoảng một tháng sau khi được chẩn đoán bị mắc ung thư dạ dày.

Giải mã bộ gen giun tròn

John Sulston, sinh ngày 27/3/1942 ở Fulmer, Buckinghamshire (Anh), là con của một mục sư. Sulston được mẹ dạy tại nhà cho đến 5 tuổi mới bắt đầu đến trường và sớm bộc lộ niềm say mê khoa học khi ngày ngày khám phá việc mổ xẻ các con vật và cắt lát các cây cỏ để quan sát cấu trúc. Vì thế, ngay từ khi còn niên thiếu, ông trở nên “trơ” với niềm tin tôn giáo đến từ cha mình, một mục sư Anh giáo (dù ông cũng là một người theo Kito giáo). Ông từng thuật lại cảm nhận của mình về những kiến thức khoa học mà ông đang tiếp nhận “như một sức mạnh áp đảo của bộ óc con người ập đến một cách bất ngờ”. Sulston tốt nghiệp cử nhân hóa ở Pembroke College (Cambridge) và sau đó tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại Khoa Hóa học, Đại học Cambridge sau khi vượt qua cuộc phỏng vấn của Alexander R. Todd (nhà hóa học người Anh người từng được trao giải Nobel Hóa học năm 1957). Đề tài nghiên cứu sinh của Sulston tập trung vào cấu trúc của nucleotide và ông nhận bằng tiến sĩ hóa năm 1966.

Sau khi tốt nghiệp, John Sulston làm postdoc ở Mỹ (1966-1969) rồi trở lại Cambridge gia nhập Phòng thí nghiệm Sinh học Phân tử MRC (Medical Research Council Laboratory of Molecular Biology – MRC LMB), viện nghiên cứu sinh học phân tử nổi tiếng tại Đại học Cambridge. Sếp của Sulston ở Mỹ là Leslie Eleazer Orgel (cũng là một nhà hóa học nổi tiếng người Anh) khi đó rất muốn giữ Sulston ở lại tiếp tục làm việc với mình, nhưng Sydney Brenner (một nhà sinh học người Anh, sau này đã cùng Sulston chia giải Nobel Sinh lý học 2002), giám đốc của MRC-LMB khi đó, đã cố gắng thuyết phục ông trở lại Cambridge làm việc trong đề tài nghiên cứu về cấu trúc thần kinh của giun tròn (Caenorhabditis elegans). Sulston đóng vai trò chủ chốt các nghiên cứu này để đi đến lời giải cho các cơ chế di truyền trong quá trình phát triển cơ phận con người và tử bào (programmed cell death, hay là apoptosis). Họ chọn giun làm đối tượng nghiên cứu vì: a) không dễ dàng dùng chính người làm đối tượng nghiên cứu, b) giun là sinh vật phức tạp hơn vi khuẩn, nhưng lại dễ dàng trở thành đối tượng dùng làm nghiên cứu (Brenner vốn là người tiên phong trong việc dùng giun cho nghiên cứu tử bào). Nhờ phát triển các kỹ thuật phân tích trình tự gen, họ đã tìm ra rằng quá trình chết (hay chính xác là “tự tử”) của tế bào được điều khiển bởi một số gien (được đặt tên là ced-3, ced-4, và ced-9). Quá trình sinh, tử của tế bào là cần thiết cho sự phát triển của con người.

Giải mã bộ gen người và đấu tranh cho việc mở thông tin

Những thành công trong việc giải trình tự gen của giun là kết quả tiền khả thi cho việc xây dựng các dự án giải trình tự gen ở cấp độ lớn hơn, là giải mã bộ gen con người. Thành công của Sulston đã thuyết phục được quỹ Welcome Trust tài trợ một số tiền lớn để thành lập Viện Nghiên cứu Wellcome Sanger (đặt theo tên nhà sinh hóa người Anh Frederick Sanger, người được trao giải Nobel Hóa học năm 1958 cho các nghiên cứu về nucleotide). John Sulston trở thành giám đốc đầu tien của Welcome Sanger Institute từ năm 1992 và lãnh đạo dự án giải mã bộ gen con người Human Genome Project (HGP). Dự án này của John Sulston được coi là cạnh tranh với một dự án tư nhân khác đang được phát triển ở Mỹ bởi nhà di truyền học Craig Venter (công ty Celera Genomics do chính Craig Venter là người thành lập). John Sulston theo đuổi một mục tiêu dựa trên cả đạo đức và nền tảng khoa học rằng các dữ liệu về bộ gen người cần được mở miễn phí, và nó trở thành đối thủ cạnh tranh của Venter, những người theo đổi dự án này cho mục đích thương mại hóa. Những tiếng nói mạnh mẽ từ Sulston đã thuyết phục được hai nhà tài trợ của dự án HGP là Quỹ Welcome Trust (Anh) và Viện Nghiên cứu Sức khỏe Quốc gia (Hoa Kỳ) tăng thêm ủng hộ thành một dự án quốc tế (International Human Genome Sequencing Consortium), mặc dù công ty của Venter khẳng định rằng họ có thể làm với chi phí rẻ hơn và nhanh hơn trong một nửa thời gian.

Cả hai nhóm đều công bố các kết quả thành công và đều tuyên bố chiến thắng (thực tế thì hai nhóm đi đến kết quả theo các phương pháp khác nhau), và sự tranh cãi nảy lửa giữa hai bên dẫn tới cuộc họp báo công bố bởi Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Anh Tony Blair (6/2000) đã phải tuyên bố một kết quả hòa cho cả hai bên, khi cả hai đều hoàn thành hai phần của “bản nháp trình tự”. Vào năm 2003, dự án quốc tế của John Sulston đã công bố toàn văn kết quả trình tự gen với chất lượng cao vào đúng ngày kỷ niệm 50 năm James Watson và Francis Crick phát hiện ra cấu trúc xoắn kép của DNA. Toàn bộ trình dự gen, đúng như tranh đấu của Sulston được mở hoàn toàn, trở thành tài liệu tham khảo cho các nhà khoa học tiếp tục đi tìm hiểu sâu hơn về sinh học người ở cấp độ phân tử.

Vinh danh và qua đời

John Sulston (cùng với Sydney Brenner và Howard Robert Horvitz) được trao giải Nobel Sinh lý học năm 2002 cho những đóng góp vĩ đại của họ cho nghiên cứu giải mã gen giun tròn để từ đó hiểu được cơ chế sinh học tế bào trong con người. John Sulston được biết đến như một nhà nghiên cứu tiên phong trong việc giải mã bộ gen con người, và đấu tranh cho việc truy cập mở đối với các dữ liệu khoa học. Năm 2008, Sulston đã cùng với John Harris thành lập Viện Khoa học, Đạo đức và Sáng tạo tại Đại học Manchester.

John Sulston được phong tước hiệp sĩ năm 2001 và là một trong số 65 người được Nữ hoàng Anh vinh danh năm 2017 cho những đóng góp vĩ đại cho khoa học và cộng đồng. Sulston từng băn khoăn khi mình được phong tước hiệp sĩ vì muốn giành những vinh danh đó cho toàn nhóm nghiên cứu về gen của ông ở Viện Sanger. Sulston là người sống rất giản dị với một chiếc áo thun quen thuộc và bữa trưa tự làm với bánh sandwich kẹp phô mai hàng ngày luôn là câu chuyện vui cho đồng nghiệp ở Viện Sanger. Ông thích đi bộ, làm vườn và giành buổi tối bên gia đình ở Stapleford (một ngôi làng nhỏ ở phía nam Cambridge), hoặc uống một vài ly bia với bạn bè, đồng thời rất ủng hộ và hay tham gia các hoạt động từ thiện, tình nguyện của cộng đồng. Tạp chí Guardian của Anh đã giành một lời kết để nói về John Sulston: “Sulston sống theo nguyên tắc của riêng mình – không bao giờ làm bất cứ điều gì vì tiền, và cho đi một cách lặng lẽ phần lớn những gì mà ông nhận được”.

(Bài viết được viết vội khi tác giả đọc tin buồn về John Sulston, và đã đăng trên Tia sáng, số ra ngày 13/3/2018)

Tham khảo

Bài viết được hoàn thành từ những tư liệu trên báo Guardian, Wikipedia và Vietscience:

https://www.theguardian.com/science/2018/mar/11/sir-john-sulston-obituary

https://www.theguardian.com/science/2002/oct/09/genetics.science

http://vietsciences.free.fr/nobel/medecine/nobelyhoc2002.htm

https://en.wikipedia.org/wiki/John_Sulston

Hồi ký Trường hè Khoa học Việt Nam (kỳ 2)

Lựa chọn học viên

Sự ra mắt của VSSS’01 (2013) đã thành công vượt ngoài mong đợi của chúng tôi. Trước khi khởi động, tôi và Hưng đã dự kiến với nhau rằng thu hút được khoảng 50 học viên đã là một thành công, nhưng con số thực tế còn hơn nhiều so với mong đợi. Chỉ trong có 5 ngày thông báo khóa học (hoàn toàn trên facebook), đã có hơn 100 người nộp CV đăng ký tham dự, và khi đóng cửa hồ sơ (hơn 2 tuần thông báo), chúng tôi đã có tới 180 hồ sơ đăng ký. Ba chúng tôi cùng bàn bạc và đi tới quyết định sẽ chọn 80 hồ sơ tốt nhất để mời tham dự lớp học. Lý do chọn 80 hồ sơ vì:

  • Chúng tôi thích một lớp học vừa đủ để giảng viên có thể tự do giảng bài mà không cần đến các công cụ hỗ trợ kiểu như micro. Nó sẽ cho phép giảng viên thoải mái hơn, không giống như các lớp học tập huấn trong các hội trường lớn;
  • Một số lượng vừa đủ cũng sẽ khiến cho việc tương tác thầy – trò trở nên dễ dàng hơn vì chúng tôi muốn một lớp học mà trò với thầy sẽ có những tranh luận nảy lửa;
  • Nếu số lượng quá nhỏ sẽ khiến chúng tôi khó lựa chọn, đồng thời sẽ khó tạo ra effect lớn cho cộng đồng.
  • 80 là một con số vừa đủ với một phòng hội thảo ở nhà T1 của Đại học Khoa học Tự nhiên ở Thanh Xuân, với sức chứa tối đa tới hơn 90 người

Ba chúng tôi phải cùng đọc và duyệt 180 hồ sơ này, sau đó ngồi chốt lại với nhau để đi tới lựa chọn cuối cùng. Việc này diễn ra trong một đêm trên Skype meeting, hoàn thành sau hơn 6h làm việc liên tục. Danh sách 80 học viên cuối cùng được chọn ra lúc hơn 3h đêm sau vô số tranh cãi rằng bạn X là rất có tiềm năng nên chọn, bạn Y thì không thật sự chứng tỏ thích thú nghiên cứu dù CV rất pro,… Việc này sau này luôn trở thành quen thuộc với Ban Chương trình của VSSS: làm việc online để chốt lại việc chọn danh sách, thâu đêm cãi cọ để lựa chọn những người xứng đáng và chốt lại danh sách lúc gần sáng (Hưng luôn là người phải thức thâu đêm trong suốt 5 năm qua cho những cuộc họp kiểu này).

Việc chọn lựa học viên luôn là thứ gây tranh cãi nhiều nhất trong nội bộ những người tổ chức Trường hè. Lựa chọn một người có hồ sơ xuất sắc (một CV chuẩn bị rất đẹp với nhiều thành tích nổi bật, năng nổ trong các hoạt động,..), hay một người có tiềm năng trở thành nhà nghiên cứu, hay một người thể hiện sự say mê theo con đường nghiên cứu,.. Chúng tôi thống nhất với nhau lựa chọn theo hình thức chấm điểm thông qua các tiêu chí:

  • Sự chuẩn bị CV + cover letter,..
  • Sự thể hiện lòng yêu thích con đường nghiên cứu khoa học
  • Tiềm năng có thể theo đuổi con đường nghiên cứu trong tương lai
  • Các thành tích học tập nghiên cứu thể hiện trong CV

Mỗi ứng viên sẽ được chấm điểm bởi tất cả các thành viên ban Chương trình theo các tiêu chí trên và cộng tổng điểm, rồi xếp theo thứ tự từ cao đến thấp. Trong các tiêu chí này, tiêu chí (1) và (4) tương đối dễ đánh giá, nhưng các tiêu chí (2) và (3) là không dễ dàng. Nhưng cuộc sống là vậy, chẳng điều gì có thể tuyệt đối khách quan, và đã là so sánh, lựa chọn thì khó tránh khỏi những đánh giá chủ quan.  Từ kỳ VSSS’02 trở đi, sau khi công bố kết quả lựa chọn, chúng tôi vẫn luôn nhận được rất nhiều “khiếu nại” từ những người nộp hồ sơ, ví dụ như:

  • Hồ sơ của em rất pro, tại sao em không được chọn? –> thực tế là ứng viên có hồ sơ quá xuất sắc và chúng tôi cho rằng khóa học này quá nhỏ với bạn, vì những CV của bạn đã cho thấy tất cả những kỹ năng dạy ở Trường hè này bạn đều đã học thuần thục, và chúng tôi cho rằng bạn nên nhường cho các bạn có hồ sơ kém hơn chút, nhưng cần các kỹ năng này;
  • Hồ sơ cũng rất tốt, tại sao,..? –> Có không ít các bạn từng du học đại học, master ở các nước phương Tây tham gia ứng tuyển, và chúng tôi đã loại không ít các ứng viên này vì cho rằng họ đã được đào tạo rất bài bản ở trường học những kỹ năng mà chúng tôi sẽ dạy
  • Hồ sơ của em rất tốt,.. tại sao..? –> Có một nhóm không nhỏ các hồ sơ chuẩn bị rất tốt, nhưng những lời bộc bạch lại không bày tỏ việc có ý định theo đuổi nghiên cứu trong tương lai (ví dụ như nhiều bạn bày tỏ mong muốn sẽ trở thành những nhà kinh doanh tài xuất sắc,..)

Và từ năm thứ hai trở đi, số lượng hồ sơ đăng ký bùng nổ đột biến, luôn vượt con số 300-500 người đăng ký và việc xét duyệt hồ sơ luôn là một việc chẳng dễ dàng gì.

Có một chuyện rất thú vị là từ hồ sơ đăng ký làm học viên, chúng tôi thậm chí tìm ra thêm giảng viên cho Trường hè, đó là Trường hợp của Tô Mai Hương và Nguyễn Thu Hường (VSSS’03 – 2015). Hai nữ nhà khoa học này dù đều có bằng PhD ở nước ngoài mới về Việt Nam, và đã nộp hồ sơ đăng ký tham dự VSSS vì cho rằng họ rất thiếu những kỹ năng mà chúng tôi đang giảng dạy. Chúng tôi đã trực tiếp phỏng vấn hai bạn, và quyết định mời cả hai tham dự VSSS’03 với vai trò trợ giảng cho lớp học, và sau đó họ đã cùng tham gia giảng dạy và tổ chức các kỳ VSSS tiếp theo.

(Còn nữa…)

Hồi ký Trường hè Khoa học Việt Nam (kỳ 1)

Đây là những dòng tự thuật của bản thân tôi về một hoạt động giáo dục mà tôi là một trong những người sáng lập và điều hành: Trường hè Khoa học (Vietnam Summer School of Science, VSSS) với mong muốn sẽ có thêm nhiều nhà khoa học Việt Nam hiểu hơn về nó, cùng chung tay với chúng tôi phát triển nó vì tương lai khoa học Việt Nam. Nghe cụm từ “vì tương lai khoa học Việt Nam” có thể quá cao cả và xa vời, nhưng có thể hiểu đơn giản hơn chút, cùng truyền cảm hứng khoa học cho giới trẻ.

VSSS ra đời như thế nào

Tháng 7/2013, tôi kết thúc hợp đồng với Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và có một kỳ nghỉ 3 tháng ở Hà Nội trước khi bắt đầu công việc mới ở Đan Mạch. Kỳ nghỉ này có lẽ là dài nhất và cũng nhiều sóng gió nhất đối với tôi kể từ khi bắt đầu bước chân vào con đường khoa học. Nhân dịp này, tôi có thăm lại cơ quan cũ (nơi tôi bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu của mình) và một số trung tâm nghiên cứu ở Hà Nội. Tôi đã gặp lại nhiều đồng nghiệp cũ và nhiều nhà khoa học, giảng viên đại học trẻ (mới tốt nghiệp đại học). Tôi cứ ngỡ không khí khoa học và học thuật ở các trung tâm nghiên cứu giờ phải chuyên nghiệp lắm khi đọc những bài báo về các tấm gương khoa học ở Việt Nam, nhưng hóa ra tình trạng vẫn chẳng khác gì cách đó hơn 3 năm khi tôi mới tốt nghiệp từ Anh trở về Việt Nam: không khí chơi game online thật sôi động trong các văn phòng, kinh doanh bất động sản vẫn luôn là chủ đề thảo luận sôi nổi thay cho các vấn đề học thuật chán ngắt,.. Các cán bộ khoa học trẻ, những người tôi cứ nghĩ rất năng động và đang sôi nổi trong các vấn đề khoa học thì có vẻ như vẫn rất tích cực học hỏi từ các đàn anh trong các vấn đề sôi nổi đó. Một câu hỏi cá nhân (mà tôi khá dị ứng) mà tôi rất hay được hỏi: làm ở nước ngoài lương bao nhiêu? (và tiếp sau câu trả lời của tôi sẽ là những câu quảng cáo còn khiếp hơn: “oài, có vài ngàn đô, về đi buôn đất còn giàu hơn”; hay là “giờ làm khoa học ở nhà tiền nhiều lắm, có khi còn hơn nước ngoài, về đi em!!”,..vv.. ). Những sinh viên đang học đại học lại cho tôi thấy sự tích cực hơn bằng nhiều câu hỏi và băn khoăn liên quan tới vấn đề nghiên cứu khoa học và vấn đề sự nghiệp tương lai. Những hình ảnh về các sinh viên, các đồng nghiệp trẻ cứ vấn vương mãi trong đầu tôi.

Thật may mắn lúc đó tôi gặp Lưu Quang Hưng, một người bạn học cùng khóa thời đại học (Hưng học khoa Toán, tôi học khoa Lý), và đang là đồng nghiệp của tôi ở NUS, cũng đang về nghỉ hè ở Hà Nội. Hưng chia sẻ cùng tôi những thực tế mà tôi vừa gặp và hỏi tôi: “Có cách gì thay đổi thực tế này không nhỉ?” Trong một vài phút ngắn ngủi, cả hai đứa cùng nảy ra một khóa học truyền cảm hứng bằng cách kỹ năng nghiên cứu và định hướng nghề nghiên cứu. Chúng tôi bàn luận sôi nổi về chuyện khóa học này sẽ như thế nào, giành cho ai,.. thế nhưng chỉ có hai thằng với hai bàn tay trắng thì làm được gì không. Hưng hỏi tôi: “Liệu hai thằng mình có làm được gì không nhỉ?” Tôi quả quyết: “Phải làm Hưng ạ, nếu giờ không làm, vài năm nữa chúng ta sẽ hối tiếc vì sẽ qua đi tuổi thanh xuân đang tràn đây sức lực.” Thế là hai chúng tôi đi đến quyết định sẽ bắt đầu kế hoạch này. Trường hè Khoa học có thể coi như được phôi thai từ cuộc nói chuyện này. Tôi và Hưng bàn chuyện này cùng anh Giáp Văn Dương, người từng là đồng nghiệp với chúng tôi ở NUS gần 1 năm trước đó. Lúc này anh Dương đã trở lại Việt Nam và bắt đầu khởi nghiệp bằng Giapschool, vẫn còn đang ngổn ngang bao khó khăn. Anh Dương ủng hộ chúng tôi ngay lập tức và trở thành người thứ ba sáng lập ra VSSS. Nhưng ban đầu cả ba chúng tôi cũng khó mà làm được gì nếu như không có sự ủng hộ từ một số cán bộ Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ban đầu, chúng tôi dự định làm một lớp học độc lập, miễn phí và chả cần một cơ quan nào host. Nhưng rồi chúng tôi nhận thấy sẽ vướng phải các vấn đề pháp lý trong việc tổ chức các hội thảo,.. nên nghĩ đến việc tìm một trường đại học để host khóa học này. Tôi và Hưng nghĩ ngay đến trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, nơi chúng tôi từng học (thú thật là đây là “tư lợi cá nhân”, luôn muốn trường cũ của mình hưởng lợi trước). Hưng tìm đến chị Trịnh Thị Thúy Giang, lúc đó là Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ. Khi đọc bản kế hoạch và nội dung Trường hè, chị Giang ủng hộ ngay lập tức: “Những nội dung hay như thế này thì phải ủng hộ ngay, nhà trường rất muốn đào tạo những kỹ năng này cho sinh viên và cán bộ trẻ mà chưa làm được!” Chị Giang ngay lập tức cùng anh Nguyễn Thanh Bình, tân trưởng phòng Chính trị và Công tác Sinh viên, người thứ hai ở ĐHKHTN ủng hộ chúng tôi, chuẩn bị tất cả những thứ để chúng tôi có thể bắt đầu trường hè từ con số 0: một giảng đường rộng ấm cúng chứa được 100 sinh viên cùng các thiết bị giảng dạy cần thiết (máy chiếu, máy tính,..), và những thứ phụ mà không kém phần quan trọng cho các lớp học: trà, cà phê, bánh ngọt cho các buổi giải lao của Trường hè. Một khởi đầu không thể tốt hơn cho lớp học của chúng tôi.

Trường hè dạy những gì?

Với những sự ủng hộ ban đầu không thể tốt hơn, tất cả chúng tôi cần làm là chuẩn bị nội dung giảng dạy, giảng viên và tuyển sinh. Tôi và Hưng đã cùng thống nhất tên gọi đầu tiên của Trường hè là “Hành trang khoa học” (các tên gọi sau này của Trường hè đều do Hưng đề xuất và tôi thấy rất hợp lý), với những nội dung chính như sau:

  • Hành trang khoa học: bao gồm những tư duy cơ bản nhất về phương pháp khoa học và tự do học thuật, những kiến thức cơ bản về nghiên cứu khoa học và môi trường khoa học ở bậc cao (đại học, viện nghiên cứu,..);
  • Kỹ năng khoa học: các kỹ năng mềm cho nghiên cứu khoa học, các kỹ năng trình bày khoa học và viết bài báo khoa học, tiếng Anh cho học thuật;
  • Đạo đức khoa học và vấn đề đạo văn, trích dẫn;
  • Du học nước ngoài và học bổng du học;

Bây giờ là việc tìm kiếm những người dạy Trường hè. Trên thực tế thì kiếm một người dạy không hề khó, nhưng những người dạy thực sự tạo nên sự khác biệt không hề dễ dàng. Ba chúng tôi muốn một lớp học khác hoàn toàn với những lớp học truyền thống ở Việt Nam, và có dáng dấp hiện đại như những khóa học “summer school” mà chúng tôi từng theo học ở nước ngoài. Đó là một lớp học truyền cảm hứng thực sự, không phải là lớp học thầy đọc trò chép, hay trò ngồi im ngoan ngoãn uống từng lời của thầy giáo, mà là một lớp học đầy ắp không khí thảo luận, đầy ắp sự nghi ngờ, đầy ắp sự tìm tòi và khám phá. Vì thế, người dạy phải là những người có khả năng truyền cảm hứng thật sự, vừa trẻ trung và phải đã từng làm khoa học đích thực. Mảng tiếng Anh cho học thuật, tôi may mắn mời được cô Hồ Huyền, cô giáo cũ của tôi ở ĐHKHTN, ngoài ra Hưng mời thêm hai nhân vật trẻ khác là Phạm Thái Sơn và Ngô Đức Thành. Vậy là có tất cả 6 giảng viên của Trường hè kỳ đầu tiên cùng truyền cảm hứng cho sinh viên và cùng làm nên thành công ngoài mong đợi.

(Còn nữa)